|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành thủy sản cần chính sách hỗ trợ trước nguy cơ đánh mất thị trường

12:41 | 23/11/2022
Chia sẻ
Sau giai đoạn tăng trưởng bùng nổ năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam năm 2023 được dự báo sẽ chịu tác động của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu. Từ quý IV, các doanh nghiệp thủy sản, đặc biệt ngành tôm đều khan hiếm đơn hàng, giảm sức cạnh tranh với các đối thủ lớn.

Áp lực từ nhiều phía

 (Nguồn: Phạm Mơ tổng hợp từ Tổng cục Hải quan, VASEP)

Từ quý III đến nay, xuất khẩu thủy sản đã chững lại, đặc biệt ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Anh do tác động của lạm phát, biến động tỷ giá và thiếu hụt nguyên liệu. Các chuyên gia cho rằng đơn hàng giảm và các ngân hàng cắt giảm hạn mức tín dụng là hai yếu tố tác động mạnh đến ngành thủy sản năm 2023.

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết bước sang năm 2023 Việt Nam, lạm phát toàn cầu gia tăng khiến nhu cầu tiêu thụ thủy sản giảm sút, các nhà nhập khẩu cũng hạn chế nhập hàng ồ ạt nhằm tiết giảm tối đa chi phí lưu kho, bảo quản tồn kho,…

“Tình hình xuất khẩu sẽ khó khăn hơn do khó thống nhất về giá bán. Dự kiến các đơn hàng trong quý I/2023 sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu tập trung ở thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…”, ông Hòe nói.

Mặt khác, lãi suất ngân hàng được điều chỉnh tăng cao theo tình hình lạm phát chung, doanh nghiệp sẽ khó tiếp cận được nguồn vốn vay để tái sản xuất, hàng tồn kho nhiều khó xoay được vòng vốn

Ngay từ đầu tháng 11, các ngân hàng đã điều chỉnh mức lãi suất vay, hiện nay mức điều chỉnh cao nhất của một số ngân hàng là từ 1,8% lên 4,9% đối với USD và 4,5% - 9% đối với VND. Bên cạnh đó, nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại địa phương đã cắt giảm mạnh hạn mức tín dụng với doanh nghiệp thủy sản dù mới giải ngân được 60-80%.

Việc không tiếp cận được nguồn vốn sẽ ảnh hưởng đến tình hình thu mua nguyên liệu sản xuất, giữ chân người lao động, không thể tái đầu tư nhà máy, nguồn vốn lưu động bị cạn kiệt, dẫn đến giảm công suất hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu thủy sản có thể đi xuống, Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.

Ngành tôm sẽ chật vật hơn cá tra

Có thể thấy, bóng đen lạm phát đang lu mờ triển vọng ngành thủy sản Việt Nam 2023, đặt biệt với hai ngành hàng chủ lực là tôm và cá tra. Dựa trên tình hình thị trường thế giới và bối cảnh trong nước, các chuyên gia cho rằng năm 2023 ngành tôm sẽ gặp khó hơn cá tra.

Ông Trương Đình Hòe nhận định năm 2023, ngành hàng tôm sẽ khó khăn hơn do tình hình nuôi trong nước không ổn định, nguồn nguyên liệu không đảm bảo cho sản xuất xuất khẩu, giá thành nuôi tôm cao dẫn đến giá bán cao nên sẽ là trở ngại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, tôm Việt Nam còn bị cạnh tranh gay rắt từ tôm của Ấn Độ và Ecuador.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản Thuận Phước cho biết Việt Nam nằm trong top 7 các nước sản xuất tôm lớn trên thế giới nhưng vùng nuôi vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch chuyên nghiệp, 80-90% nguyên liệu phụ thuộc vào nông hộ.

Trong khi đó, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở mức thấp (dưới 40%) khiến giá thành sản xuất của Việt Nam luôn cao hơn các nước khác khoảng 1-2 USD/kg, mảng chế biến phải bù lỗ cho mảng nuôi.

“Xuất khẩu tôm nửa cuối năm và đầu năm 2023 sẽ khá ảm đạm vì thiếu nguyên liệu, thiếu vốn. Trường hợp doanh nghiệp mua được nguyên liệu, làm ra sản phẩm cũng không biết bán cho ai vì lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ và EU, đồng tiền mất giá và người dân thắt chặt chi tiêu. Bản thân Thuận Phước sẽ khá chật vật để duy trì biên lợi nhuận ở mức khả quan”, ông Lĩnh nói.

Chủ tịch Thuận Phước cảnh báo hiện ngành tôm Ấn Độ, Ecuador đang tích cực nuôi tôm và đầu tư cho chế biến sâu, nếu doanh nghiệp ngành tôm Việt không nâng cấp sản phẩm và thiếu chính sách hỗ trợ của nhà nước thì ngành này khó cạnh tranh được với các đối thủ, thậm chí đi lùi.

So với tôm, ngành hàng cá tra có lợi thế hơn do Việt Nam là nguồn cung lớn nhất sản phẩm cá tra, giá cá tra thấp nên người tiêu dùng dễ chấp nhận hơn trong điều kiện các khoản chi tiêu sinh hoạt đang dần thắt chặt.

Cùng với đó, căng thẳng Nga – Ukraine vẫn tiếp diễn đã làm giảm lượng cung cá thịt trắng, sản phẩm cá tra được xem là sản phẩm thay thế tốt nhất.

Còn theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết hàng tiêu dùng có thể chậm mua nhưng thực phẩm không thể thiếu, nhưng những mặt hàng có giá bình dân sẽ được chú ý hơn. 

“Hai tháng cuối năm sẽ là giai đoạn giảm mạnh doanh số xuất khẩu. Nguyên nhân do các kho hàng bên mua cơ bản đầy. Chuyện giao hàng cho gối đầu tiêu thụ năm 2023, phía khách hàng có e dè, chờ đợi kết quả tiêu thụ đợt Noel, năm mới tới. Tuy nhiên, các đơn hàng gối đầu, theo thông lệ vẫn diễn ra, tuy sản lượng không tăng trưởng như hàng năm”, ông Lực cho biết. 

Cần có chính sách hỗ trợ ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam

Trước những dự báo không mấy bằng phẳng, Tổng Thư ký VASEP cho rằng Nhà nước cần chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là USD; tạo điều điện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, tăng hạn mức tín dụng.

Trong bối cảnh lạm phát, các doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh thủy sản theo quy mô quốc gia, phát triển các thị trường nhỏ, những thị trường chưa được quan tâm trước đó. 

Mặt khác, ông Hòe cho rằng cần ổn định vùng nuôi nguyên liệu – phát triển thêm các vùng nuôi tiềm năng, phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trong thời gian sớm. Có chính sách khuyến khích người nuôi tiếp tục nuôi nhằm chủ động nguồn nguyên liệu trong nước cho chế biến xuất khẩu.

Trước tình hình khó khăn năm 2023, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn có các chính sách hỗ trợ giúp doanh nghiệp thủy sản Việt Nam giữ vững thị trường. "Nhà nước cần áp dụng song song chính sách tài chính và tài khóa, trong đó tập trung vào giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay lãi suất thấp, giảm hoặc hoãn nghĩa vụ thuế để chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp", Chủ tịch Thủy sản Thuận Phước kiến nghị.

Về giải pháp dài hạn cho phát triển ngành tôm và cá tra, đại diện thủy sản Thuận Phước cho rằng Nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi để chuyên nghiệp hóa ngành thủy sản, giảm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần đầu tư vào con giống cũng giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất và cải thiện biên lợi nhuận.

Những thảo luận chi tiết hơn giải pháp giúp doanh nghiệp vượt sóng và triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ được đưa ra tại hội thảo 'Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng' tổ chức ngày 26/11 tới đây.

 

 

Hội thảo có sự tham gia của Lãnh đạo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các doanh nghiệp đầu ngành, các chuyên gia kinh tế - tài chính, đơn vị tư vấn về giải pháp logistics, lưu kho, nhằm đánh giá triển vọng – thách thức của ngành thủy sản năm 2023, đưa các giải pháp thích ứng linh hoạt, hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành thủy sản.

Bên cạnh các bài tham luận riêng từ Hiệp hội và các chuyên gia, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính gồm:

       - Triển vọng xuất khẩu thủy sản 2023, tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới

       - Những biến số vĩ mô tác động đến doanh nghiệp thủy sản 2023

       - Giải pháp nguồn vốn cho doanh nghiệp thủy sản

       - Giải pháp logistics, quản trị hàng tồn kho

Hội thảo trực tiếp tại khách sạn Mường Thanh Luxury Cần Thơ, Lô E1, cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ vào lúc 13h30 ngày 26/11 tới đây, kết hợp trực tuyến trên Trang TTĐTTH vietnambiz.vn, doanhnhanvn.vn và livestream trên các nền tảng mạng xã hội.

Phạm Mơ