Ngàn người mua đất không giấy đỏ, chính quyền ở đâu?

Trong câu chuyện 1.000 khách hàng kiện đòi giấy đỏ từ Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước rất mờ nhạt.

“Đây không chỉ là giao dịch dân sự mà còn là vấn đề trật tự xã hội, quản lý hành chính và quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS). Mọi thứ đều bỏ mặc cho người dân tự bơi, đến khi hậu quả xảy ra là điều rất đáng tiếc” - luật sư (LS) Lê Cao, Đoàn LS TP Đà Nẵng, khẳng định.

Chính quyền địa phương không biết?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Xuân Thái, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, xác nhận ba dự án khu đô thị Hera, Sakura và Eco do Công ty Cổ phần Bách Đạt An (Bách Đạt An) làm chủ đầu tư (CĐT), Công ty Cổ phần Dịch vụ BĐS Hoàng Nhất Nam (Hoàng Nhất Nam) phân phối tại thị xã Điện Bàn chưa đủ điều kiện được chuyển nhượng và cấp giấy đỏ.

Trả lời câu hỏi trong thời gian dài Hoàng Nhất Nam bán đất cho dân Sở có nắm thông tin không thì ông Thái lý giải: “Ba dự án này do Ban quản lý (BQL) dự án Điện Nam - Điện Ngọc trình thẳng tỉnh, không thông qua Sở Xây dựng nên chúng tôi không biết. Trước đây tỉnh giao chức năng, nhiệm vụ cho BQL quyền như vậy. Sau khi giải thể BQL, hồ sơ dự án giao cho thị xã Điện Bàn, sau đó Sở mới rà soát. Toàn bộ hồ sơ trước đây về mặt quy trình là thiếu hết. Đến nay mới chỉ có một trong ba dự án có quy hoạch 1/500”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, xác nhận địa phương đang trực tiếp quản lý các dự án trên và việc bán đất tại ba dự án trên là sai quy định.

Tuy nhiên, ông Đạt cho rằng trong thời gian dài Bách Đạt An hợp tác cùng Hoàng Nhất Nam phân phối, bán đất cho người dân diễn ra ở Đà Nẵng nên hạn chế việc nắm bắt thông tin của địa phương. Ông cũng xác nhận địa phương không biết về hợp đồng giữa hai công ty này.

“Chúng tôi đã cảnh báo bằng nhiều cách trên các kênh đại chúng đến người dân, doanh nghiệp về việc phải đảm bảo thủ tục, hồ sơ trước khi chuyển nhượng, mua bán đất” - ông Đạt thông tin thêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho hay sau kiểm tra vụ việc địa phương phát hiện dấu hiệu vi phạm hành chính. Sắp tới, Sở Xây dựng sẽ xử phạt hành chính và cho tạm dừng chuyển nhượng tại các dự án trên để hoàn thiện thủ tục theo quy định. Hiện cơ quan công an đang làm rõ nội dung hợp đồng giữa Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam, nếu có dấu hiệu vi phạm về hình sự sẽ xử lý theo quy định.

Ngàn người mua đất không giấy đỏ, chính quyền ở đâu? - Ảnh 1.

Người dân vây trụ sở Bách Đạt An tại Quảng Nam ngày 15-3 để đòi giấy đỏ. Ảnh: Tấn Việt

Khách hàng còn chịu nhiều rủi ro

Đại diện 1.000 người mua đất, ông Nguyễn Quang Sơn, ngụ quận Liên Chiểu, Đà Nẵng bức xúc nói: “Tranh chấp giữa hai công ty sẽ do tòa án giải quyết nhưng 1.000 khách hàng đã đặt cọc tiền mua đất thì không có lý do gì phải ra tòa. Chúng tôi nghi ngờ Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam đang thông đồng để lấy lại đất vì giá đất đã tăng nhiều lần so với thời điểm bán ra năm 2017”.

Nếu vậy, bây giờ 1.000 người dân này phải làm gì? LS Lê Cao cho rằng nếu người mua chứng minh được bên bán có dấu hiệu chiếm dụng vốn trái phép, sử dụng vốn huy động trái mục đích thì có quyền đòi bồi thường. Ông phân tích hiện nay mức phạt hành chính cao nhất cho các hành vi kinh doanh BĐS mà BĐS đó không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định hoặc không được phép đưa vào kinh doanh theo quy định; huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động không đúng mục đích cam kết là 300 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm.

Theo LS Lê Cao, nhiều dự án BĐS hiện nay vẫn áp dụng các hình thức giữ chỗ, đặt cọc. Thông thường các vụ giao dịch đất giá rẻ dễ vướng vào dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Sau đó nếu giá cả tăng cao, CĐT vô trách nhiệm có thể lật lọng. Người mua sẽ gánh rủi ro vì CĐT không chịu bán nữa. Thực chất số tiền phải bồi thường không đáng kể so với lợi nhuận có được.

“Có trường hợp các vụ việc tranh chấp, dự án vướng pháp lý không thể hoàn thiện người dân có nguy cơ mất trắng vốn vì CĐT không còn khả năng hoàn trả tiền hoặc bồi thường cho người mua đất” - LS Cao nói.

Về trách nhiệm của chính quyền, LS Lê Cao nhận định là mờ nhạt. Bởi khi phát hiện các hành vi mua bán như trên mà chính quyền có biện pháp xử lý ngay thì đã không phát sinh cả ngàn người dính vào dự án.

Từ đầu năm 2019, khoảng 1.000 khách hàng liên tục vây trụ sở các công ty Bách Đạt An, Hoàng Nhất Nam để đòi giấy đỏ. Các khách hàng này đã đặt cọc đến 95% giá trị đất để mua 1.900 lô tại ba dự án Hera, Sakura và Eco. Lý do khiến họ lo mất đất, mất tiền là bởi CĐT Bách Đạt An và đơn vị phân phối dự án Hoàng Nhất Nam đang khởi kiện nhau ra tòa. Ngày 20-3 tới, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp công dân định kỳ, trong đó sẽ chú trọng xử lý vụ việc này.

Thời điểm năm 2017, người dân mua đất tại ba dự án trên với mức giá 4-7 triệu đồng/m2. Đến nay, khu vực này giá đất đã tăng mạnh, tối thiểu 20 triệu đồng/m2.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-nguoi-mua-dat-khong-giay-do-chinh-quyen-o-dau-20190319081457031.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/