Ngân hàng bật tín hiệu không tái cơ cấu nợ cho các dự án BOT

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Chính phủ về việc có 58/60 dự án thuộc bộ này kí hợp đồng đã đi vào khai thác bị thiếu hụt doanh thu. Trong khi con số này của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 49 dự án.

Ngân hàng bật tín hiệu không tái cơ cấu nợ cho các dự án BOT - Ảnh 1.

Các dự án BOT, BT không được tăng phí theo lộ trình nên gánh nặng vay vốn đến hạn chưa trả đè nặng và các ngân hàng chưa có quyết định nào về việc tái cơ cấu nợ. Ảnh: TL

“Hiện nay, có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỉ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng”, Báo cáo với Quốc hội về các giải pháp  trả lời chất vấn sau kỳ họp thứ 8 đến kỳ họp Quốc hội thứ 9 của Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết.

Như vậy, số dự án không đạt doanh thu như phương án tài chính ban đầu của NHNN ít hơn 9 dự án so với số liệu gần nhất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ đề nghị các phương án giải cứu doanh thu cho các chủ đầu tư BOT do chưa được tăng phí đúng thời hạn từ mấy năm nay.

Thông tin từ NHNN cho biết thêm là bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông được liệt vào danh sách “các lĩnh vực rủi ro” tăng 10,82%, chiếm 1,51%.

Tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3-2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, NHNN không có ý định chỉ đạo giữ nguyên nhóm nợ, tái cơ cấu nợ cho các chủ đầu tư BOT, BT như đề xuất của Bộ GTVT đề nghị lên Thủ tướng. Thay vào đó, NHNN đề xuất Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành ngân hàng: Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký; tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng để minh bạch hóa và kiểm soát nguồn thu. Đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, phối hợp với Bộ GTVT quản lý thu phí và quy hoạch giao thông địa phương.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, trước khi dịch Covid-19 diễn ra thì cơ quan này đã rà soát số liệu đến hết 2019 và ghi nhận 45/50 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Trong số này có hai dự án tại Thái Nguyên-Bắc Cạn và Thái Bình doanh thu chỉ đạt 13-15%, 3 dự án tại Thanh Hóa, Thái Bình và trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) chưa được thu phí và tạm dừng việc thu phí.

“Các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để cân đối tài chính và trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay theo hình thức BOT này”, Bộ GTVT báo cáo đến Thủ tướng.

Dịch bệnh Covid-19 càng làm tăng thêm những khó khăn cho chủ đầu tư do việc đảm vảo doanh thu hợp đồng và doanh thu thực tế là hai khoảng cách ngày càng xa nhau. Bộ GTVT cho biết, dịch bệnh và các biện pháp về giãn cách xã hội làm lưu lượng các phương tiện giảm dẫn đến doanh thu giảm.

Tính đến trung tuần tháng 4, đã có 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu dự báo. Trong số này có 17 dự án doanh thu thực tế dưới 50% so với dự báo. Điều này khiến cho các dự án BOT vốn đã “tan vỡ” phương án tài chính, nay còn "phá sản" nặng nề hơn. Các doanh nghiệp BOT phải dùng nguồn vốn khác bù vào dự án để thực hiện bảo trì và để tránh thành con nợ xấu của ngân hàng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ngan-hang-bat-tin-hieu-khong-tai-co-cau-no-cho-cac-du-an-bot-20200522070340576.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/