Năng lực liên danh vừa trúng gói thầu lớn nhất cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ra sao?

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án trọng điểm quốc gia có yêu cầu cao về tiến độ xây dựng, với thời gian thi công khá gấp rút trong vòng 24 tháng. Do đó, năng lực của nhà thầu có vai trò cực kì quan trọng đối với tiến độ thực hiện dự án.

Liên danh Vinaconex - Xây dựng Trung Chính trúng thầu cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Mới đây, Liên danh Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính (Trung Chính) đã trúng Gói thầu xây lắp số 3, dự án xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây trị giá 2.319 tỉ đồng.

Đây là gói thầu lớn nhất trong 4 gói thầu tại Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 có tổng mức đầu tư 12.577,5 tỉ đồng.

'Soi' năng lực liên danh Vinaconex - Trung Chính vừa trúng gói thầu lớn nhất cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh 1.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết kéo Kê Gà gần hơn với TP HCM và sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Thanh Niên

Căn cứ theo qui định tại Điều 43 Luật Đấu thầu 2013, một trong những điều kiện quan trọng để nhà thầu cung cấp dịch vụ xây lắp trúng thầu là năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu.

Trong liên danh trúng Gói thầu số 3 dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã CK: VCG) là một trong những doanh nghiệp tên tuổi tại lĩnh vực xây lắp từ những năm 1990. Công ty hiện nay hoạt động chính trong mảng xây dựng và đầu tư kinh doanh bất động sản.

Ngược lại, phía Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính là cái tên mới nổi trong ngành thi công xây dựng những năm gần đây thông qua nhiều dự án "khủng" trị giá lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Tiềm lực của Trung Chính đến đâu?

Thời điểm cuối năm 2019, liên danh Trung Chính - CTCP 473 - CTCP Xây dựng Tân Nam cũng được giao gói thầu giá trị 495 tỉ đồng triển khai xây dựng đầu cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh có vốn đầu tư 950 tỉ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian này, Liên danh Trung Chính - Cienco1 - Hồng Hà cũng đang triển khai gói thầu 2.285 tỉ đồng tại Dự án cầu Hoàng Văn Thụ. Đây là dự án trọng điểm ở Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp này nhiều lần trúng các gói thầu dự án có giá trị lớn khác như liên danh với Cienco6 trúng gói thầu EX-1A gần 800 tỉ đồng ở Dự án Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; liên danh với Tuấn Lộc thực hiện Dự án Cầu Bách Lẫm nối Quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có giá trị 512 tỉ đồng,...

Ngoài ra, Trung Chính cũng được chỉ định làm chủ đầu tư Dự án BT đổi 4,15km đường nối Quốc lộ 32C với đường Âu Cơ, TP Yên Bái có tổng vốn đầu tư 412 tỉ đồng để lấy 131,66 ha đất đối ứng hồi giữa năm 2018. 

Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh Yên Bái đã có quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà đầu tư và kết thúc việc triển khai thực hiện Dự án theo hợp đồng BT và nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư Dự án sang đầu tư từ ngân sách nhà nước. 

Nguyên nhân được Tỉnh đưa ra là do việc thanh toán bằng quĩ đất cho nhà đầu tư thực hiện Dự án chưa được qui định cụ thể, rõ ràng nên không có cơ sở để triển khai các công việc tiếp theo. 

Trung Chính thành lập vào năm 2007 với vốn điều lệ 200 tỉ đồng, do ông Trần Quang Việt là người đại diện pháp luật kiêm Tổng giám đốc.

Theo đăng kí kinh doanh ban đầu của doanh nghiệp, trong số các thành viên góp vốn, tỉ lệ nắm giữ của Tổng giám đốc Trần Quang Việt chỉ chiếm 30%. Cá nhân sở hữu tới 51% vốn điều lệ của Trung Chính là ông Hồ Sỹ Hòa. Ngoài ra, ông Hồ Văn Hương nắm 11% vốn, bà Trần Thị Nguyệt Thu nắm 6% và ông Lương Kim Đông nắm 2%.

Đến tháng 7/2018, bà Nguyệt và ông Đông đồng thời rút vốn khỏi Xây dựng Trung Chính. Theo đó, phần vốn của hai cổ đông trên được chuyển sang cho ông Hồ Sỹ Hòa và ông Hồ Văn Hương, làm tăng tỉ lệ sở hữu của ông Hồ Sỹ Hòa lên 55% và ông Hương lên 15% vốn điều lệ.

Theo tìm hiểu, ông Hồ Sỹ Hoà là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hạ tầng. Ông từng giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1). Ngoài ra, ông Hoà cũng là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc - một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng.

Năng lực liên danh vừa trúng gói thầu lớn nhất cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết ra sao? - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Theo thông tin chúng tôi có được, cập nhật đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn kinh doanh của Trung Chính khoảng hơn 1.600 tỉ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu gần 140 tỉ đồng và khoản nợ phải trả gần 1.500 tỉ đồng.

Với việc liên tiếp trúng các gói thầu và dự án lớn trong những năm gần đây, doanh thu thuần của công ty tăng từ 942 tỉ đồng năm 2016 lên 1.610 tỉ đồng năm 2019, tương ứng tỉ lệ tăng trưởng trên 70%.

Tuy nhiên, Trung Chính chỉ có lợi nhuận rất thấp so với doanh thu, ghi nhận khoảng vài tỉ đồng mỗi năm. Riêng năm 2019, Trung Chính chỉ lãi vỏn vẹn 1 tỉ đồng. 

Trung Chính hiện sở hữu trực tiếp hai công ty con gồm CTCP Đầu tư Trung Chính và CTCP Thủy điện Trà Khúc 2 vốn điều lệ 315 tỉ đồng. Ngoài ra, công ty rót vốn vào một số đơn vị liên kết gồm Công ty TNHH Công nghiệp và Xây dựng Nam Việt, CTCP Dược phẩm Medzavy, CTCP Môi trường xanh Quảng Ngãi.

Vinaconex vừa bước qua giai đoạn cơ cấu

Thời gian gần đây, Vinaconex thu hút sự quan tâm của giới đầu tư sau thông tin bán lại phần vốn sở hữu tại dự án Splendora. Nội bộ Vinaconex cũng ghi nhận những thay đổi đáng chú ý. 

Cụ thể, vào cuối tháng 8, hai đơn vị từng là cổ đông lớn của công ty là Bất động sản Cường Vũ và Star Invest đồng thời công bố thoái toàn bộ vốn góp tại Vinaconex. Đây là nhóm cổ đông từng xung đột với phía công ty mẹ của Vinaconex - An Quý Hưng hồi năm ngoái xoay quanh dự án Splendora.

Ngay sau đó, hai thành viên HĐQT Vinaconex gồm ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà đồng thời xin từ chức từ ngày 7/9. Ngoài ra, thành viên Ban kiểm soát Nguyễn Xuân Đại cũng từ chức vì lí do cá nhân.

Trước khi bán lại dự án Splendora, doanh nghiệp này đã liên tục chuyển nhượng cổ phần tại các công ty con, công ty liên kết như Vinaconex Power (Mã: VCP), Vinaconex 2 (VC2), Ống sợi Thủy tinh Vinaconex (Viglafico). Ngày 9/9 vừa qua, Vinaconex có quyết định về việc chuyển nhượng phần vốn góp tại Vinasanwa.

Trước những biến động lớn trong hoạt động đầu tư cùng thay đổi nhân sự cấp cao của doanh nghiệp, thông tin Vinaconex trúng gói thầu lớn nhất dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khiến giới đầu tư đặt câu hỏi về tình hình kinh doanh cùng sức khỏe tài chính hiện nay của doanh nghiệp này.

'Soi' năng lực liên danh Vinaconex - Trung Chính vừa trúng gói thầu lớn nhất cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thủy tổng hợp

Vinaconex từng thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông với giá trị khủng. Một trong những dự án nổi bật nhất là Dự án Mở rộng và hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc với giá trị thực hiện 6.120 tỉ đồng, tổng mức đầu tư dự án là 7.527 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, liên danh Vinaconex - Tập đoàn Đại Dương - CTCP Đầu tư và Thương mại 319 - Văn Phú Invest thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT có tổng vốn đầu tư 4.213 tỉ đồng. Dự án kéo dài từ năm 2014 - 2016.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020 hợp nhất, tổng tài sản Vinaconex đạt 18.035 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ Vinaconex đang có gần 11.893 tỉ đồng tài sản, trong đó có 1.116 tỉ đồng tiền mặt và hơn 800 tỉ đồng tiền gửi và trái phiếu.

Những năm gần đây, tình trạng hoạt động kinh doanh của Vinaconex có chiều hướng đi xuống. Doanh thu và lãi ròng năm 2019 lần lượt đạt 9.508 tỉ đồng và 787 tỉ đồng đã đánh dấu 3 năm liên tiếp KQKD của doanh nghiệp sụt giảm.

6 tháng đầu năm 2020, doanh thu Vinaconex tiếp tục giảm 30% so với cùng kì về 1.590 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản thu hơn 600 tỉ đồng từ thoái vốn tại các công ty con và hoàn nhập 290 tỉ đồng dự phòng phải thu khó đòi giúp lãi ròng doanh nghiệp tăng 24% đạt 385,4 tỉ đồng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/nang-luc-lien-danh-vua-trung-goi-thau-lon-nhat-cao-toc-dau-giay-phan-thiet-ra-sao-202010081143528.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/