Mỹ tiếp tục giám sát tiền tệ Việt Nam, giới chuyên gia nói gì?

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần hết sức thận trong 2020 khi nằm trong danh sách các quốc gia cần giám sát tiền tệ của phía Mỹ.

Mỹ tiếp tục giám sát tiền tệ Việt Nam, chuyên giá nói gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: taichinhplus).

Ngày 14/1, Bộ Tài chính Mỹ đã ban hành Báo cáo tháng 1/2020 về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", trong đó đưa ra danh sách các quốc gia cần giám sát gồm 10 nước và có cả Việt Nam.

Trước đó, báo cáo tương tự công bố hồi giữa năm 2019, lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam cùng 8 quốc gia khác vào diện theo dõi tương tự.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết theo qui định của Đạo luật Xúc tiến và tăng cường thương mại năm 2015 của Mỹ, Bộ Tài chính Mỹ cần thực hiện phân tích nâng cao về chính sách tỉ giá và kinh tế đối ngoại của các đối tác thương mại lớn thỏa mãn các tiêu chí về thặng dự thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp ngoại tệ.

Tại báo cáo tháng 1, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách giám sát dù chỉ đáp ứng một tiêu chí về thặng dư thương mại song phương vượt 20 tỉ USD (Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ 47 tỉ USD).

Hai tiêu chí còn lại là thặng dư cán cân vãng lai tương đương 1,7% GDP; can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP không bị vượt giới hạn.

Trao đổi bên lề hội thảo Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quí IV và cả năm 2019 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, T.S Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần hết sức thận trọng trong 2020 khi nằm trong danh sách các quốc gia cần giám sát tiền tệ của phía Mỹ.

Mỹ tiếp tục giám sát tiền tệ Việt Nam, chuyên giá nói gì? - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV.

Theo chuyên gia, trong năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức hơn 79 tỉ USD tuy nhiên Việt Nam vẫn đáp ứng được tiêu chí về can thiệp thị trường ngoại hối của phía Mỹ (can thiệp mua ròng trên thị trường ngoại tệ tương đương 0,8% GDP không bị vượt giới hạn 1,7%). Điều này là do số liệu của phía Mỹ chỉ thống kê từ tháng 7/2018 đến hết tháng 6/2019 trong khi phần lớn lượng dự trữ ngoại hối được NHNN mua vào trong 6 tháng cuối năm 2019.

Do vậy, ông Lực cho rằng trong năm 2020, Việt Nam cần kiên định điều hành chính sách tỷ giá theo hướng tiếp tục chủ động, linh hoạt, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối (cần có mua, có bán) nhằm tránh các kịch bản tiêu cực.

Đồng quan điểm với TS. Cấn Văn Lực, các chuyên gia đến từ VEPR cho rằng việc Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ nằm trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đang ngày càng gia tăng. Điều này yêu cầu NHNN cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.

"Việc hạ thấp giá trị của đồng VND để tăng cường thương mại sẽ là điều không nên làm trong thời điểm này", nhóm chuyên gia VEPR nhận định.

Với quan điểm lạc quan hơn, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng rủi ro Việt Nam lọt vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ của Mỹ là không lớn. Theo ông Hiếu, danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ mang nặng tính chính trị nhiều hơn là kinh tế.

"Mặc dù Việt Nam nên tránh rơi vào tình trạng "thao túng tiền tệ kĩ thuật" tuy nhiên nếu cần điều chỉnh tỷ giá thì điều chỉnh tỷ giá, cần mua ngoại tệ thì mua ngoại tệ, còn thặng dư hơn nữa thì vẫn phải làm để giữ ổn định kinh tế vĩ mô", ông Hiếu chia sẻ.

Mỹ tiếp tục giám sát tiền tệ Việt Nam, chuyên giá nói gì? - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng.

Nhận định về vấn đề trên, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng rủi ro Việt Nam bị chính quyền Trump "để mắt" tới vẫn chưa thể được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian tới.

Theo BVSC, mặc dù Việt Nam mới chỉ vượt giới hạn 1 trong 3 tiêu chí; đồng thời Bộ Tài chính Mỹ cũng đánh giá việc mua vào ngoại tệ của NHNN là có cơ sở hợp lí khi nhằm mục đích tăng dự trữ ngoại hối vốn được đánh giá còn ở mức thấp.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh là các đánh giá trong báo cáo tháng 1 của Bộ tài chính Mỹ dựa trên dữ liệu 4 quí tính đến tháng 6/2019. Trong khi đó, theo ước tính của BVSC, kể từ tháng 6/2019 đến nay, NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ (ước tính hơn 10 tỉ USD) và đã vượt mốc 2% GDP.

Mặc dù vậy, sau báo cáo phát hành vào tháng 1/2020, báo cáo tiếp theo của Bộ tài chính Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ được phát hành trong khoảng thời gian 6 tháng tới. Trong khoảng thời gian này, các số liệu sẽ còn tiếp tục thay đổi và cũng là cơ hội để phía Việt Nam tăng cường đối thoại với Mỹ nhằm giảm bớt rủi ro Việt Nam bị Mỹ dán mác thao túng tiền tệ.

Thống đốc NHNN: Việt Nam không thao túng tiền tệ

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, NHNN sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại. Đồng thời cơ quan quản lí sẽ không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá.

Cũng theo người đứng đầu NHNN, cơ quan quản lí đã chủ trương điều hành chính sách linh hoạt, góp phần vào kiểm soát lạm phát; giữ ổn định tỷ giá, tăng lượng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức xấp xỉ 79 tỉ USD. Đây được xem là "tấm đệm" phòng ngừa cho an ninh tài chính quốc gia, ổn định vĩ mô trong đó có tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-tiep-tuc-giam-sat-tien-te-viet-nam-gioi-chuyen-gia-noi-gi-20200120165552206.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/