Mỹ đưa thêm 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen cùng với Huawei

CNBC vừa đưa tin Bộ Thương mại Mỹ đã thêm 28 thực thể Trung Quốc vào “Danh sách Thực thể” nhằm ngăn cấm các tổ chức này làm ăn với công ty Mỹ, tương tự như chính sách đã làm với Huawei hồi tháng 5.

3500

Hikvision và 27 tổ chức Trung Quốc khác bị Mỹ đưa vào danh sách đen về thương mại. Ảnh: Reuters.

Trong số 28 thực thể Trung Quốc "hội ngộ" với người đồng hương Huawei trong bản danh sách thực thể có 8 doanh nghiệp gồm hai hãng sản xuất thiết bị giám sát là Hikvision và Dahua Technology. 

Theo một số ước tính, Hikvision và Dahua Technology có thể đang kiểm soát tới 1/3 thị phần camera và thiết bị giám sát hình ảnh toàn cầu.

Vào trong danh sách còn có 6 công ty trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như iFlytek, Megvii Technology, Sense Time, Yitu Technologies, công ty an ninh mạng Xiamen Meiya Pico Information và hãng cung cấp thiết bị chế tạo vi mô Yixin Science and Technology.

Lần đầu tiên ông Trump lấy lí do nhân quyền để ra biện pháp kinh tế

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 7/10 (giờ địa phương), các doanh nghiệp trên bị đưa đưa vào danh sách đen về thương mại vì Mỹ cho rằng họ có dính líu đến hành động vi phạm nhân quyền đối với các nhóm người thiểu số tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Trump đưa ra biện pháp kinh tế với lí do nhân quyền. Hành động này của Mỹ đã đưa cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc phát triển theo một hướng mới.

Trước đây, Mỹ cấm cửa đại gia công nghệ Huawei vì lo ngại gián điệp, an ninh quốc gia. Các đợt áp thuế nhằm vào hàng hóa Trung Quốc là để giải quyết vấn đề đánh cắp tài sản trí tuệ và kiểm soát bí mật công nghệ cũng như các chính sách công nghiệp nói chung của Trung Quốc.

Việc đưa các công ty được cho là có liên quan đến khu tự trị Tân Cương vào danh sách đen được Mỹ thực hiện trong bối cảnh Tổng thống Trump chịu áp lực trong nước ngày càng lớn yêu cầu ông ủng hộ phong trào biểu tình ở Hong Kong.

Hôm 7/10, ông Trump cho biết ông hi vọng vào một "giải pháp nhân đạo" ở Hong Kong – nơi mà các cuộc biểu tình ngày càng trở nên bạo lực thời gian gần đây.

Các công ty bị đưa vào Danh sách Thực thể sẽ không được phép giao dịch với doanh nghiệp Mỹ, trừ khi được chính phủ Mỹ cấp cho một loại giấy phép đặc biệt.

Sau khi đưa Huawei vào danh sách hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố doanh nghiệp Mỹ có thể bán sản phẩm cho đại gia công nghệ này nếu chứng minh được các giao dịch này không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Đã có ít nhất 130 đơn xin cấp phép của các doanh nghiệp Mỹ nhưng chính quyền nước này chưa phê duyệt bất kì trường hợp nào. Tháng 9 vừa qua, Huawei đã buộc phải ra mắt dòng điện thoại mới Mate 30 mà không có hệ điều hành và ứng dụng của Google.

Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng ước tính lệnh cấm của Mỹ có thể khiến hãng này thiệt hại khoảng 30 tỉ USD doanh thu trong hai năm.

Huawei self (4)

Một cửa hàng Huawei tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Lệnh cấm 8 doanh nghiệp Trung Quốc và tác động khó lường tới doanh nghiệp Mỹ

Thông tin trên được công bố sau khi thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên giao dịch 7/10 và cùng ngày phái đoàn Mỹ - Trung bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đàm phán thương mại ngày thứ Năm tuần này (10/10).

Công ty trí tuệ nhân tạo và nhận diện khuôn mặt Megvii được Alibaba góp vốn và đang có kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên lệnh cấm của Mỹ có thể ảnh hưởng xấu đến kế hoạch này. Megvii đã nộp hồ sơ IPO tại Hong Kong hồi tháng 8 vừa qua.

Sense Time - một công ty khác mới bị đưa vào danh sách cấm – được coi là startup trí tuệ nhân tạo đáng giá nhất hiện nay. Công ty Trung Quốc này cho biết mình có 700 đối tác trên khắp thế giới, trong đó có các đại gia Mỹ như Nvidia và Qualcomm. Nvidia từ chối trả lời yêu cầu bình luận của Bloomberg, Qualcomm chưa đưa ra phản hồi.

Gã khổng lồ về thiết bị giám sát Hikvision là khách hàng của nhiều doanh nghiệp, trong đó có công ty sản xuất chip Ambarella của Mỹ.

Trong phiên giao dịch ngoài giờ, cổ phiếu Ambarella giảm 12% sau thông tin doanh nghiệp Mỹ không được làm ăn với Hikvision.

Ambarella chuyên sản xuất các bộ xử lí cho máy quay phim và các thiết bị hình ảnh khác. Trong báo cáo thường niên mới đây nhất, Ambarella cho biết sản phẩm của hãng này được Hikvision sử dụng nhưng không nói rõ tỉ lệ doanh thu từ công ty Trung Quốc khoảng bao nhiêu.

Ambarella có trụ sở tại Santa Clara, California và có vốn hóa khoảng 1,9 tỉ USD vào thời điểm đóng cửa phiên 7/10. Các khách hàng khác của Ambarella còn có Alphabet (công ty mẹ của Google) và GoPro. Hikvision có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Trong báo cáo tài chính cho quí kết thúc ngày 31/7 vừa qua, Ambarella đã dự báo về nguy cơ chiến tranh thương mại ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của hãng:

"Căng thẳng thương mại nói chung giữa Mỹ và Trung Quốc đã liên tục leo thang trong năm 2018 và 2019, tạo ra môi trường kinh doanh với nhiều bất ổn. Thuế quan và các biện pháp trả đũa thương mại khác chưa có tác động quá lớn tới hoạt động của chúng tôi nhưng chúng tôi cũng không thể dự đoán được diễn biến trong tương lai.

Đặc biệt, nếu thuế quan và các chính sách hạn chế thương mại được áp lên các sản phẩm của chúng tôi hoặc của khách hàng của chúng tôi, hoặc chúng tôi bị hạn chế giao dịch với các đối tác, hoạt động và chỉ tiêu tài chính của Ambarella sẽ bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn, nếu hạn chế thương mại được áp lên một khách hàng lớn của chúng tôi, như một công ty an ninh an ninh mạng Trung Quốc, và khiến chúng tôi không thể làm ăn với khách hàng này, nhiều khả năng các điều kiện tài chính của chúng tôi sẽ sa sút đáng kể".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/my-dua-them-28-cong-ty-trung-quoc-vao-danh-sach-den-cung-voi-huawei-20191008073826916.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/