Muốn trừng phạt Australia bằng thương mại, Trung Quốc vẫn không thể ngừng mua quặng sắt

Trung Quốc rất cần quặng sắt nhập khẩu từ Australia nhằm phục vụ các dự án cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng. Dù muốn dùng thương mại để gây sức ép ngoại giao lên Australia, mặt hàng này khó có khả năng chịu trừng phạt từ Trung Quốc.

Muốn trừng phạt thương mại Australia bằng thương mại, Trung Quốc vẫn không thể ngừng mua quặng sắt - Ảnh 1.

Mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc không còn được tốt đẹp như trước. Ảnh: Getty Images

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia ngày càng căng thẳng sau khi Australia kêu gọi tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc COVID-19. Động thái này dĩ nhiên đã vấp phải phản đối gay gắt từ Bắc Kinh.

Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu thịt bò từ 4 công ty chế biến lớn nhất của Australia, áp đặt thuế quan nặng nề lên lúa mạch và cũng cân nhắc những hành động trừng phạt tới các sản phẩm khác như rượu và hoa quả của Australia.

Hôm 11/6, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố ông sẽ không để bị đe dọa bởi "sự cưỡng ép" từ các động thái của Bắc Kinh.

Reuters đưa tin ông Morrison phát biểu trước truyền thông: "Chúng ta là một quốc gia giao thương mở, nhưng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi giá trị của đất nước trước sự cưỡng ép từ bất cứ bên nào".

Bất hòa với Trung Quốc là rủi ro thương mại lớn đối với Australia. Khoảng 30% hàng xuất khẩu của Australia được bán sang Trung Quốc mỗi năm. 

Dù Bắc Kinh đã nhắm tới nông sản của Australia, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc dành cho "rượu nho và thịt bò Australia là không đáng kể so với kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước nói chung", ông Gavin Thompson, Phó chủ tịch hãng tư vấn Wood Mackenzie cho biết.

Theo CNBC, Trung Quốc vẫn chưa nhắm đến mặt hàng nhập khẩu chủ đạo từ Australia – quặng sắt. Đó là vì Trung Quốc có rất ít lựa chọn để thay thế nguồn cung từ Australia.

Hai hàng hóa quan trọng khác – than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) - cũng hầu như không bị ảnh hưởng.

Trên thực tế, xuất khẩu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Australia tới Trung Quốc đang "bùng nổ" và "trong tình trạng quá tải", ông Thompson chỉ ra. Khai khoáng là một trong những lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế Australia.

Theo Wood Mackenzie, từ đầu năm đến nay, lượng quặng sắt và LNG Trung Quốc nhập khẩu từ Australia tăng lần lượt 8% và 9% so với năm ngoái. Lượng than Trung Quốc mua từ Australia cũng cao hơn nhiều so với mức trước khi xảy ra đại dịch.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ trích gay gắt chính phủ Australia vì đã "cầm đầu" nỗ lực kêu gọi mở cuộc điều tra về COVID-19, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể áp đặt các biện pháp hạn chế tác động mạnh đến nền kinh tế Australia.

Ông Thompson cho rằng dù quan hệ giữa Trung Quốc và Australia có thể xấu đến mức các lô hàng quặng sắt, than và LNG cũng phải chịu tác động, nhưng chiến thuật này sẽ cản trở sự tăng trưởng của Trung Quốc.

"Bản thân Trung Quốc cũng sẽ phải trả giá nếu thực hiện động thái này. Bất kì gián đoạn nào đến lượng hàng nhập khẩu quặng sắt và năng lượng từ Australia sẽ ngay lập tức tác động đến giá cả và nguồn cung mà Trung Quốc rất cần", ông Thompson nói thêm.

Trong bối cảnh nền kinh tế suy sụp vì đại dịch, Bắc Kinh đang tung ra các chương trình kích thích lớn để thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có bao gồm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Các dự án xây dựng dĩ nhiên cần đến rất nhiều thép, quặng sắt và than để luyện thép.

Tháng trước, một giám đốc của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc cho biết Trung Quốc có thể chuyển sang mua quặng sắt từ châu Phi. Tuy vậy, sẽ phải mất thêm 4 đến 5 năm nữa thì các mỏ khoáng sản ở châu Phi có thể được khai thác.

Nhưng "một khi giai đoạn chuyển tiếp này hoàn thành, Australia sẽ vĩnh viễn mất đi vị thế là nhà xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc", ông Li Xinchuang, Phó chủ tịch Hiệp hội nói với tờ Thời báo Hoàn cầu.

"Thiết yếu" với nền kinh tế Trung Quốc

Ông Thompson cho biết quặng sắt có vai trò "thiết yếu" đối với kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc là nước tiêu thụ quặng sắt lớn nhất trên thế giới, và phụ thuộc lớn vào nguồn cung từ Australia.

Australia là nhà sản xuất và xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, Australia chiếm đến 60% lô hàng quặng sắt vận chuyển qua đường biển vào năm 2019, theo sau là Brazil với tỉ lệ 23%. 

Trong những tháng gần đây, sản lượng quặng của Brazil giảm mạnh vì đại dịch, thời tiết ẩm ướt và hậu quả từ một vụ thảm họa trong khai thác mỏ. Wood Mackenzie dự kiến xuất khẩu quặng sắt của Brazil sẽ giảm 4% trong năm nay. Điều này khiến Trung Quốc khó tìm được lựa chọn nào khác để thay thế Australia.

Ông Thompson cho biết: "Hạn chế nhập khẩu quặng sắt từ Australia sẽ làm tổn thương đến các công ty sản xuất thép Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh lại đang chỉ đạo rót tiền vào xây dựng và cơ sở hạ tầng để kích thích kinh tế".

Ông nói thêm rằng "hiện tại chưa có bất kì gián đoạn nào tới xuất nhập khẩu quặng sắt giữa Australia và Trung Quốc". Trên thực tế, các các công ty khai thác của Australia đang vận hành với công suất tối đa và phải chật vật để tăng sản lượng.

Giá quặng sắt giao ngay đã nhảy vọt từ 80 USD/tấn hồi đầu tháng 3 tới trên 100 USD/tấn. 

Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung mới

Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư để đảm bảo nguồn cung tương lai cho các hàng hóa quan trọng.

Trung Quốc sẽ thực hiện điều này bằng cách đa dạng hóa nguồn cung và tăng tốc đầu tư cho các dự án khai thác thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trong 5 năm tiếp theo, theo báo cáo tháng 6 của Fitch Solutions.

"Cụ thể, chúng tôi cho rằng khu vực châu Phi Hạ Sahara sẽ ngày càng lôi cuốn doanh nghiệp Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước phát triển xuống dốc", các nhà phân tích của Fitch viết.

Fitch nói thêm: "Đa dạng hóa khỏi Australia là điều đặc biệt hấp dẫn, khi xét rằng nước này chiếm khoảng 40% tổng lượng khoáng sản Trung Quốc nhập khẩu năm 2019".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/muon-trung-phat-thuong-mai-australia-bang-thuong-mai-trung-quoc-van-khong-the-ngung-mua-quang-sat-20200612141009906.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/