|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Muôn kiểu giữ chân tài xế của Grab sau dịch: Đốt tiền chi thưởng, tăng giá cước nhằm giảm áp lực xăng dầu

11:34 | 07/03/2022
Chia sẻ
Tất cả các dịch vụ của Grab tại Việt Nam đều sẽ được điều chỉnh tăng giá kể từ ngày 10/3.
Đốt tiền để đua khuyến mại và bị lỗ tỷ đô sau một quý, Grab vừa thông báo tăng giá cước tất cả các dịch vụ - Ảnh 1.

Một đối tác tài xế Grab. (Ảnh: Grab Việt Nam).

Tăng giá cước vì xăng dầu tăng

Ngày 6/3, Grab Việt Nam ra thông báo cho hay công ty sẽ tiến hành điều chỉnh giá cước các dịch vụ của mình. Việc điều chỉnh lần này nhằm giúp bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế, trong bối cảnh giá xăng dầu và giá tiêu dùng có dấu hiệu tăng nóng gần đây. Việc tăng giá bắt đầu được áp dụng từ 10/3.

Trong đó, giá cước dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP HCM sẽ được điều chỉnh lên mức 29.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 10.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ cũng tăng giá.

Không chỉ tại Hà Nội và TP HCM, Grab cũng tăng giá cước tại các địa phương gồm: Lâm Đồng, Bắc Ninh, Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Huế, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang, Gia Lai, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Vĩnh Phúc.

Riêng GrabBike cũng được điều chỉnh tăng giá cước. Tại TP HCM, giá cước mới của dịch vụ này ở mức 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Dịch vụ giao hàng GrabExpress siêu tốc tại TP HCM, Hà Nội và 19 tỉnh thành khác cũng được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.500 đồng mỗi km tiếp theo.

Trong khi đó, cước dịch vụ GrabFood trên toàn Việt Nam được điều chỉnh lên mức 16.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 5.000 đồng mỗi km tiếp theo. Dịch vụ GrabMart có giá cước lên mức 17.000 đồng cho 2 km đầu tiên và 6.000 đồng mỗi km tiếp theo.

Ở kỳ điều hành ngày 1/3, giá xăng dao động 26.077 - 26.834 đồng/lít, giá dầu khoảng 18.468 - 21.310 đồng/lít, kg. Đây là lần thứ 6 liên tiếp, Liên Bộ Công Thương-Tài chính tăng giá xăng dầu, lên mức giá cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại.

Tiếp tục đốt tiền để giữ chân đối tác

Trong báo cáo tài chính quý IV/2021, Grab cho biết công ty đã tăng gấp đôi số tiền chi cho các chương trình giảm giá và khuyến mãi, đạt đạt 365 triệu USD trong quý. "Grab đã đầu tư trước để thu hút thêm tài xế nhằm hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu di chuyển. Người tiêu dùng cũng chủ động hơn, giúp mảng gọi xe phục hồi và giao hàng tăng trưởng khi Grab đầu tư vào danh mục chính", đại diện Grab chia sẻ.

Một báo cáo gần đây từ Tập đoàn DBS Group Holdings của Singapore cho biết Grab đã cung cấp các ưu đãi lớn cho tài xế và chiết khấu cho người tiêu dùng kể từ đầu năm 2022, nhằm mục đích đánh bại mảng kinh doanh gọi xe của đối thủ GoTo tại Singapore.

"Các chương trình khuyến mãi với mảng gọi xe của Grab có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của hãng. Grab đang đánh mất thị phần giao hàng tại Indonesia vào tay đối thủ công nghệ trong khu vực là Sea", theo báo cáo của DBS Group Holding.

Do đó, mặc dù tổng giá trị hàng hóa (GMV), tổng giá trị giao dịch từ các dịch vụ, tăng 26% lên 4,5 tỷ USD trong quý IV/2021, nhưng Grab vẫn ghi nhận doanh thu trong quý IV đã giảm 44% so với cùng kỳ, xuống còn 122 triệu USD.

Kết quả, công ty đã lỗ ròng 1,055 tỷ USD trong quý đầu tiên lên sàn, tăng so với khoản lỗ 576 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020. Với kết quả này, khoản lỗ ròng cả năm 2021 của Grab lên tới 3,4 tỷ USD, nhiều hơn khoản lỗ 2,6 tỷ USD trong năm 2020.

Đốt tiền để đua khuyến mại và bị lỗ tỷ đô sau một quý, Grab vừa thông báo tăng giá cước tất cả các dịch vụ - Ảnh 2.

Tâm lý nhà đầu tư

Trước đó, giá cổ phiếu Grab được dự báo sẽ tăng sau khi tập đoàn này công bố doanh thu quý IV/2021 khi họ dần thấy được sự phục hồi trong mảng dịch vụ vận chuyển, theo Tech In Asia. 

Song thực tế, giá cổ phiếu Grab đã lao dốc kể từ khi lên sàn. Giá trị vốn hóa thị trường của Grab tính đến ngày 2/3 rơi vào khoảng 20 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với giá trị dự kiến trước khi niêm yết. Và sau khi báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, giá cổ phiếu Grab đã giảm 10% trong phiên giao dịch ngày 3/3.

Về triển vọng kinh doanh năm 2022, CEO Anthony Tan dự báo đây sẽ là một năm khởi đầu khác của Grab. Ông cũng chia sẻ rằng công ty đặt mục tiêu bắt đầu kinh doanh mảng ngân hàng kỹ thuật số tại Singapore và tiếp tục theo đuổi cơ hội trong phân khúc giao hàng theo yêu cầu.

"Khi các nước Đông Nam Á từng bước phục hồi kinh tế và dịch vụ sau thời kỳ đại dịch COVID-19, chúng tôi dự tính những dịch vụ vận chuyển sẽ phục hồi mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy giá cổ phiếu Grab trên sàn chứng khoán", phân tích viên của công ty nghiên cứu LightStream khẳng định. Đồng thời, các chuyên gia đánh giá Grab vẫn đang nỗ lực giành lại vị thế của mình trước đại dịch.

Đốt tiền để đua khuyến mại và bị lỗ tỷ đô sau một quý, Grab vừa thông báo tăng giá cước tất cả các dịch vụ - Ảnh 3.

Biến động giá cổ phiếu Grab từ đầu năm đến nay. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình).

 

Thiên Trường