Ân oán 40 năm khiến Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển, Phần Lan tiếp tay cho tố chức khủng bố có mối thâm thù với Ankara. Tổng thống Erdogan đã ngăn chặn hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO cho tới khi giải quyết những yêu cầu của được đưa ra.

Theo CNBC, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang nắm trong tay quyền lực để quyết định tương lai, sức mạnh và tầm ảnh hưởng của NATO.

Ông Erdogan đã ngăn cản nỗ lực của NATO nhằm nhanh chóng giúp Phần Lan và Thụy Điển gia nhập. Theo ông, tư cách thành viên của hai nước này sẽ biến liên minh thành “một nơi tập trung đại diện của các tổ chức khủng bố”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi một danh sách những điểm bất bình với hai nước Bắc Âu, đặc biệt là Thụy Điển, tới các đại sứ NATO.

Danh sách các quốc gia NATO tại Châu Âu.

Khi nhắc đến “khủng bố”, Tổng thống Erdogan ám chỉ tới Đảng Công nhân người Kurd hay còn gọi là PKK. Phong trào ly khai chủ yếu hoạt động ở miền đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và phía bắc Iraq này đã chiến đấu với Ankara kể từ những năm 1980.

PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada và Australia coi như một tổ chức khủng bố. Trên thực tế, vào năm 1984, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên gọi PKK là khủng bố.

Tuy nhiên, Ankara cho rằng Stockholm đã hỗ trợ và bảo vệ cho các thành viên của PKK. Thụy Điển phủ nhận cáo buộc này, cho biết họ đang hỗ trợ những người Kurd không thuộc PKK. Bộ Ngoại giao Thụy Điển đã từ chối yêu cầu bình luận của CNBC.

Theo Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, kể từ năm 1984, khoảng 30.000 đến 40.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa PKK và chính quyền Ankara. PKK đã thực hiện nhiều cuộc tấn công bên trong biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với việc gia nhập NATO của Phần Lan đa phần do chính sách đối ngoại tương đồng giữa hai nước Bắc Âu.

Phần Lan cũng coi PKK là một tổ chức khủng bố, nhưng đã cùng Thụy Điển và những nước EU khác ngừng bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2019 do hành động quân sự của Ankara chống lại các nhóm người Kurd ở Syria.

Tổng thống Erdogan đang yêu cầu Thụy Điển dẫn độ những người mà Thổ Nhĩ Kỳ buộc tội khủng bố. Ông cũng muốn Stockholm và Helsinki công khai từ chối PKK và các chi nhánh của nó, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí đối với Ankara.

Ông Hakki Akil, một cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quan điểm của Ankara “rất đơn giản”. “Nếu Phần Lan và Thụy Điển muốn tham gia NATO, họ phải từ bỏ sự ủng hộ của mình với PKK và không cung cấp tư cách tị nạn cho những người này”. 

“Mặt khác, hai nước cũng phải chấp nhận yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ 30 kẻ khủng bố", ông cho biết.

Mối thù 40 năm

Người Kurd thường được mô tả là nhóm dân tộc lớn nhất thế giới không có quê hương. Với dân số ước tính khoảng 30 triệu người, chủ yếu theo Hồi giáo dòng Sunni, người Kurd có ngôn ngữ và phong tục độc đáo của riêng mình.

Gần 20% trong tổng số 84 triệu dân của Thổ Nhĩ Kỳ là người Kurd, một số còn được giữ các vị trí quan trọng trong chính trị và xã hội. Tuy nhiên, nhiều người Kurd nói rằng mình bị phân biệt đối xử và các đảng chính trị của họ phải đối mặt với sự đàn áp từ Ankara.

Tại khu vực trải rộng giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran, nhiều người Kurd đã bị đàn áp nặng nề, gạt ra ngoài lề xã hội và thậm chí là nạn nhân của nạn diệt chủng, CNBC cho hay. 

Các khu vực có nhiều người Kurd sinh sống nằm tại biên giới Syria, Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhóm người Kurd khác nhau đã cố gắng thúc đẩy quyền tự trị và xây dựng nhà nước trong nhiều thập kỷ, một số sử dụng các biện pháp hòa bình và số khác, ví dụ như PKK, thông qua bạo lực.

Các chiến binh người Kurd ở Syria có liên hệ với PKK đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống ISIS. Những người này đã nhận được sự hỗ trợ vũ khí từ Mỹ và châu Âu, bao gồm cả Thụy Điển. Sự hỗ trợ trên gây ra căng thẳng lớn với Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này sau đó đã tiến hành các cuộc tấn công vào người Kurd ở Syria.

“PKK đã chiến đấu với Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 40 năm và giết hại hàng chục nghìn dân thường”, ông Muhammet Kocak, một chuyên gia quan hệ quốc tế tại Ankara, nói với CNBC. “Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng về việc PKK đột nhiên trở thành người tốt chỉ vì có ích với Phương Tây trong việc chống lại ISIS.”

Phương Tây ca ngợi các chiến binh người Kurd là đồng minh. Một số quốc gia EU thậm chí còn đưa ra nhiều lệnh cấm vận khác nhau đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì chống lại lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự chống lại PKK tại Syria vào năm 2019. (Ảnh: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ).

Quan hệ với Thụy Điển

Theo ông Hussein Ibish, một học giả tại Viện các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập ở Washington, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển là do cách mỗi quốc gia định nghĩa “khủng bố”.

“Vấn đề không phải chỉ ở các chính sách của Thụy Điển đối với dân tị nạn người Kurd, những người bất đồng chính kiến ​​và các nhà hoạt động. Căng thẳng này phản ánh quan điểm về định nghĩa khủng bố của mỗi quốc gia”, ông Ibish nói.

“Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ phân loại tất cả nhóm người Kurd mà họ không thích là các tổ chức thuộc PKK”, ông cho biết. 

“Những nhóm này bao gồm cả tổ chức và thực thể không thuộc PKK ở trong và từ chính Thổ Nhĩ Kỳ, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Phương Tây hậu thuẫn tại Syria và một số nhóm người Kurd ở Iraq”, ông Ibish giải thích. Từ lâu, Thụy Điển đã tiếp nhận người tị nạn Kurd, một số thậm chí còn có ghế trong Quốc hội.

Người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng lễ kỷ niệm thành lập PYD. (Ảnh: Hawar news).

Trong khi khoảng 100.000 người Kurd sống ở Thụy Điển không có liên hệ với PKK, Stockholm đã có hỗ trợ đối với thành viên của các tổ chức người Kurd khác, đặc biệt là chi nhánh PYD của PKK tại Syria.

Thụy Điển cho rằng PKK và PYD là hai tổ chức hoàn toàn khác nhau nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại khẳng định rằng chúng là một.

Stockholm cũng hỗ trợ về mặt chính trị và tài chính cho Hội đồng Dân chủ Syria (SDC), đảng chính trị của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một nhóm dân quân do người Kurd lãnh đạo được thành lập với sự hỗ trợ của Mỹ để chống lại IS ở Syria. Ankara nói rằng SDC bị những kẻ khủng bố của PKK kiểm soát.

Năm 2021, chính phủ Thụy Điển thông báo tăng tài trợ cho các nhóm người Kurd ở Syria tới năm 2023 lên 376 triệu USD . Stockholm tuyên bố Thụy Điển vẫn là một “đối tác tích cực” đối với người Kurd ở Syria. 

Khoản tiền tài trợ trên sẽ được sử dụng nhằm “tăng cường khả năng phục hồi, bảo vệ con người thoát khỏi bạo lực” và cải thiện “quyền con người, bình đẳng giới và phát triển dân chủ.”

Thụy Điển sẽ làm gì?

Theo một số nhà phân tích, với cuộc bầu cử sắp diễn ra vào tháng 9, nhiều khả năng chính phủ Thụy Điển sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào đối với Tổng thống Erdogan khiến vị thế Stockholm yếu đi.

Số khác tin rằng Tổng thống Erdogan sẽ không chặn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan, mà thay vào đó đang tìm cách cải thiện độ tín nhiệm đang suy yếu của mình ở quê nhà. Tỷ lệ lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4 vừa qua lên tới 70%, khiến nhiều người dân oán thán.

“Nếu có thể khiến các cường quốc Phương Tây và đồng minh NATO phải nhượng bộ, Ankara sẽ không tìm cách ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh”, ông Ibish nói.

Theo ông Ibish, việc xung đột Ukraine diễn ra tại các khu vực tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, có lợi ích chiến lược và lịch sử sâu sắc đã “nhắc nhở người dân Thổ Nhĩ Kỳ về giá trị tư cách thành viên NATO”.

Tuy nhiên, NATO có thể gặp bế tắc trong một thời gian nếu Tổng thống Erdogan không hài lòng với phản ứng của Thụy Điển và Phần Lan đối với các yêu cầu của mình. Một quốc iga chỉ có thể gia nhập NATO nếu tất cả thành viên NATO đồng ý kết nạp.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/moi-thu-40-nam-khien-tho-nhi-ky-ngan-can-thuy-dien-va-phan-lan-gia-nhap-nato--202252316572771.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/