Mở cửa đầu tư gián tiếp ra nước ngoài - thận trọng không thừa

Ngày 29-6-2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 135/2015/NĐ-CP về việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, có hiệu lực từ 13-8-2016.

Việc đến giờ này mới chính thức mở cửa hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài được đánh giá là khá chậm, tuy nhiên do tính chất linh hoạt và rủi ro cao của nguồn vốn này trong khi nền kinh tế trong nước phát triển chưa ổn định, dự trữ ngoại hối còn mỏng, nên việc cần phải xem xét thật kỹ lưỡng là điều dễ hiểu. Cần biết rằng mở cửa đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài là khâu cuối cùng của quá trình tự do hóa tài khoản vốn.

Những ai được phép?

Các ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, công ty chứng khoán, công ty tài chính tổng hợp và các quỹ đầu tư chứng khoán đều được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sau khi được Chính phủ cấp giấy phép, với điều kiện phải có lãi trong năm năm liên tục trước khi đăng ký. Có thể đầu tư dưới hình thức tự doanh hoặc nhận ủy thác đầu tư vào các công cụ đầu tư như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu của các chính phủ được xếp hạng tín nhiệm.

Với việc “mở cửa” đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, các đối tượng nêu trên có thể đầu tư, góp vốn hoặc tham gia mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) các doanh nghiệp nước ngoài nhằm mở rộng thị trường, phát triển kênh phân phối và hoàn thiện chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước sẽ có điều kiện tận dụng những lợi ích của hội nhập từ các hiệp định thương mại tự do mang lại. Thời gian qua chúng ta cũng thấy hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài tham gia M&A, góp vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp trong nước nhằm tận dụng tiềm năng phát triển của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành từ cuối năm 2015. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước bị hạn chế trước cơ hội đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Đây cũng là cơ hội để Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mở rộng hoạt động đầu tư ra các quốc gia khác để tối ưu nguồn vốn đang quản lý hiện đang rất lớn, sau khi tổ chức này thoái vốn khỏi nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây. Trong mục tiêu phát triển, SCIC cũng đã đặt kế hoạch đến năm 2020 trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ ở trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để đầu tư ra nước ngoài một cách hiệu quả thì tổ chức này cần minh bạch hơn trong hoạt động của mình.

Đối với cá nhân, do tính chất rủi ro và phức tạp của hoạt động này, nên quy định hiện tại chỉ mới cho phép cá nhân thuộc đối tượng được tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. Theo đó, người lao động Việt Nam đang làm việc tại các công ty nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam có thể được nhận cổ phiếu thưởng phát hành ở nước ngoài hoặc được hưởng quyền mua cổ phiếu ở nước ngoài.

Ảnh hưởng đến thị trường ngoại hối thế nào?

Có những lo ngại cho rằng việc cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sẽ dẫn đến hiện tượng “chảy máu” ngoại tệ, nhất là trong bối cảnh trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ trong nước đang ở mức 0%, trong khi trong nước cũng thiếu các công cụ đầu tư bằng ngoại tệ. Tâm lý sính ngoại và sự minh bạch của các công cụ tài chính nước ngoài có thể kích thích dòng vốn đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tăng nhanh.

Tuy nhiên, theo quy định thì hàng năm Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài trên cơ sở cán cân thanh toán của năm liền trước, quy mô dự trữ ngoại hối, tình hình dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài, cũng như tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ trong năm.

Như vậy, hạn mức hàng năm sẽ được xét duyệt một cách thận trọng dựa trên thực trạng của nền kinh tế chứ không đơn thuần dựa trên mong muốn của các nhà đầu tư. Do đó, việc chảy máu ngoại tệ với số lượng lớn, ảnh hưởng xấu đến thị trường ngoại hối là khó có thể xảy ra. Ngoài ra, thông tư hướng dẫn của NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tự doanh và nhận ủy thác đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ đầu tư an toàn so với vốn tự có không được vượt quá 7%, áp dụng đối với ngân hàng thương mại và công ty tài chính tổng hợp.

Nếu đơn thuần xét trên góc độ cung - cầu, rõ ràng việc cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài có thể làm giảm nguồn cung ngoại tệ hiện hữu trong nước và tăng cầu ngoại tệ trong tương lai, do theo quy định thì các tổ chức có thể sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản hoặc mua ngoại tệ tại ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay bằng tiền đồng từ tổ chức tín dụng rồi chuyển sang ngoại tệ để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, cũng như không được sử dụng nguồn vốn vay ngoại tệ trong nước và nước ngoài. Quy định này sẽ không cho phép nhà đầu tư sử dụng đòn bẫy trong đầu tư mà có thể dẫn đến rủi ro tỷ giá và gây bất ổn lên thị trường ngoại hối.

Ngoài ra, cũng chưa cần lo ngại đến việc hoạt động này có thể tác động tiêu cực đến nguồn tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng trong nước, từ đó làm hạn chế dòng vốn tín dụng ngoại tệ cho nền kinh tế. Nguồn tiền gửi ngoại tệ tại các ngân hàng hiện nay phần lớn là từ khách hàng cá nhân và các doanh nghiệp kinh doanh xuất - nhập khẩu với dòng vốn lưu động liên tục, chủ yếu để phục vụ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, quy định vừa ban hành, như đã nói, vẫn chưa cho phép cá nhân tham gia hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Về rủi ro khi đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, ngoài rủi ro của danh mục đầu tư còn có rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, thông thường, loại tiền tệ đầu tư thường được chọn là đô la Mỹ, mà dữ liệu quá khứ cho thấy đô la Mỹ luôn tăng giá so với tiền đồng. Nhà đầu tư khó có thể gặp rủi ro tỷ giá khi lựa chọn đầu tư bằng đô la Mỹ.

Sự thận trọng không thừa

Có thể nói việc chính thức cho phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài nhưng vẫn có sự kiểm soát chặt chẽ về đối tượng lẫn hạn mức, công cụ đầu tư là sự thận trọng không thừa của nhà điều hành, nhất là khi các cuộc khủng hoảng tài chính gần đây cho thấy chúng bắt nguồn từ các sản phẩm tài chính phái sinh phức tạp và đầy rủi ro.

Đề án định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng cho thấy định hướng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ, thận trọng vốn đầu tư ra nước ngoài trong điều kiện ưu tiên tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Nếu điều kiện thị trường thuận lợi, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ổn định, có thể xem xét mở rộng đối tượng được phép đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, nới lỏng các rào cản kỹ thuật trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tránh tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối.

Theo Hồ Lê

TBKTSG

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/mo-cua-dau-tu-gian-tiep-ra-nuoc-ngoai-than-trong-khong-thua-1486.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/