Mây mù dần tan để lộ ra nền kinh tế ì ạch của Trung Quốc

Các nhà phân tích trên thế giới đang sử dụng mức độ ô nhiễm không khí để đo lường hoạt động công nghiệp của Trung Quốc. Những dữ liệu được sử dụng cho thấy tiến trình tái sản xuất của Trung Quốc vẫn còn chậm chạp hơn nhiều so với những năm trước và so với số liệu mà chính phủ công bố.

Mây mù dần tan để lộ ra nền kinh tế ì ạch của Trung Quốc - Ảnh 1.

Quảng trường Thiên An Môn, tháng 10/2013. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào tiến trình tái khởi động lại các nhà máy ở Trung Quốc, sau khi nước này kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán và buộc các khu vực tăng trưởng lớn dừng hoạt động để ngăn chặn dịch virus corona. 

Nhiều tỉnh của nước này đã dần bắt đầu lại một số hoạt động sản xuất vào tuần trước, muộn hơn khoảng hai tuần so với mọi năm.

Theo CNBC, chính phủ Trung Quốc thường xuyên đưa ra các báo cáo cập nhật. Hôm 19/2, nước này công bố rằng tỉ lệ nối lại công việc của một số công ty ở các khu vực kinh tế quan trọng như Quảng Đông và Thượng Hải đã vượt qua 50%.

Hôm 18/2, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đưa tin rằng 16.000 công ty - chiếm hơn 80% công ty sản xuất thuộc các doanh nghiệp nhà nước trung ương đã hoạt động trở lại. 

Tuy vậy, các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế có cách khác để theo dõi tiến trình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vận hành trở lại. 

Mức độ ô nhiễm không khí và tiêu thụ than

Theo CNBC, các nhà phân tích đang sử dụng mức độ ô nhiễm để làm thước đo cho hoạt động công nghiệp. Các thành phố lớn ở Trung Quốc nổi tiếng là bị "nghẹt thở" bởi khói bụi, do các nhà máy đốt than quá nhiều.

Trong một báo cáo hồi đầu tuần trước, ông Tapas Strickland của National Australia Bank (NAB) cho biết mức độ ô nhiễm hiện tại của Trung Quốc thấp hơn 20%-25% so với cùng kì năm ngoái. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy rằng hoạt động công nghiệp đã giảm đáng kể trong quí đầu tiên năm 2020.

Ô nhiễm không khí nói lên điều gì về tác động của virus corona tới nền kinh tế Trung Quốc? - Ảnh 2.

Ông Rodrigo Catril, chiến lược gia ngoại hối cao cấp tại NAB, nghi ngờ về tính thực tế của báo cáo chính thức rằng hơn 80% trong số 20.000 công ty sản xuất con của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã hoạt động trở lại.

Hôm 19/2, ông Rodrigo lưu ý: "Lẽ ra tin tức này phải được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên các dữ liệu tần suất cao như mức độ ô nhiễm và đo lường tắc nghẽn giao thông ở Bắc Kinh trong giai đoạn này không khớp với thông điệp lạc quan của chính phủ. Điều này khiến cho các nhà đầu tư trở nên cảnh giác".

Theo những thông số mà ngân hàng Nhật Bản Nomura theo dõi hàng ngày, vào ngày 20/2, mức tiêu thụ than của 6 nhà máy điện lớn của Trung Quốc thấp hơn 42,5% so với cùng kì năm ngoái. 

Ngân hàng này cũng quan sát dữ liệu về tắc nghẽn giao thông, lưu lượng hành khách và doanh số bán nhà mới nhằm theo dõi tiến trình nối lại công việc của Trung Quốc.

Ô nhiễm không khí nói lên điều gì về tác động của virus corona tới nền kinh tế Trung Quốc? - Ảnh 3.

Trong tuần trước, ông Sin Beng Ong của JP Morgan lưu ý rằng: "Doanh nghiệp nối lại hoạt động rất chậm chạp là do thiếu hụt công nhân và các tiêu chí để được mở cửa trở lại là rất nghiêm ngặt. Nhìn chung tốc độ nối lại hoạt động khác nhau đối với từng thành phố, ngành công nghiệp và doanh nghiệp". 

Ông Beng Ong nói: "Thực trạng tái sản xuất vẫn còn yếu trong tuần này được minh chứng rõ hơn bởi các chỉ báo tần suất cao trong các lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, giao dịch bất động sản, lưu lượng hành khách và chất lượng không khí".

Ô nhiễm không khí nói lên điều gì về tác động của virus corona tới nền kinh tế Trung Quốc? - Ảnh 4.

Giao thông trên khắp Trung Quốc

Một vài số liệu khác cũng có thể cung cấp manh mối về thực trạng người Trung Quốc trở lại làm việc, ví dụ như tắc nghẽn giao thông và số lượng hành khách. 

Theo CNBC, các nhà phân tích thường nhìn vào Chỉ số di cư Baidu. Chỉ số này theo dõi số lượng công nhân từ quê nhà trở lại làm việc sau kì nghỉ Tết Nguyên đán.

Vào tuần trước, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định rằng Chỉ số di cư Baidu cho thấy tỉ lệ số người rời khỏi những thành phố cấp một và cấp hai trong kì nghỉ Tết đã quay lại làm việc chỉ đạt 37% và 33%. Vào năm ngoái, tỉ lệ này đối với cả hai là 100%.

Theo Nomura, tính đến 19/2, tỉ lệ người lao động trở lại của 15 thành phố là 25,6%, chỉ bằng 1/4 so với con số được ghi nhận một năm trước.

Tuy nhiên, hôm 20/2, công ty tư vấn Oxford Economics đã lưu ý rằng những con số này không phản ánh hoàn toàn tiến trình người lao động làm việc trở lại, vì chúng không tính đến những người làm việc tại nhà vì dịch virus corona.

Oxford Economics cho biết: "Thống kê về ô nhiễm và lưu lượng giao thông là một chỉ dẫn về tốc độ hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc trở lại bình thường".

Tuy nhiên chúng không phải là các chỉ số chính xác về tăng trưởng của các hoạt động trong nền kinh tế. Chúng không nắm bắt được hoàn toàn các thay đổi trong chi tiêu và hoạt động công việc (ví dụ như gia tăng mua sắm trực tuyến và xu hướng làm việc từ xa)".

Công ty này nói thêm rằng các đánh giá đầu tiên sẽ "đến từ các khảo sát tâm lí kinh doanh".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/may-mu-dan-tan-de-lo-ra-nen-kinh-te-i-ach-cua-trung-quoc-20200224111235953.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/