Lý do Thaco tiếp quản HAGL Agrico và những khó khăn đằng sau sự khát vốn của 'bầu' Đức

Thiếu vốn có lẽ là trăn trở lớn nhất để vực dậy HAGL Agrico của "bầu" Đức. Song tình thế khó có thể cứu vãn khi năm 2020, doanh nghiệp không thỏa thuận được với ngân hàng để bán 4 công ty con đang thuộc tài sản thế chấp cho Thaco, đã khiến "bầu" Đức buộc phải chuyển quyền tiếp quản cho Thaco.

Cuối năm 2020, nhiều tin đồn cho rằng ông Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức) sẽ rút khỏi CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) khi loạt nhân sự dưới thời "bầu" Đức rút lui trong khi CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) lại gấp rút đưa người vào.

Sau đó, câu chuyện đã được sáng tỏ khi tại Đại hội đồng cổ đông bất thường đầu năm 2021 "bầu" Đức chính thức rút khỏi vị trí Chủ tịch của HAGL Agrico, nhường sân cho ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT của Thaco.

Đồng thời, từ ngày 8/1, HAGL Agrico cũng không còn là công ty con của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG). 

Câu chuyện HAGL Agrico về tay Thaco được được đồn đoán thời điểm đó song chưa mấy nhà đầu tư thực sự hiểu rõ câu chuyện phía sau vì sao Thaco lại nhanh chóng tiếp quản HAGL Agrico còn "bầu" Đức lại rút khỏi "hạt nhân" chính trong giấc mơ nông nghiệp của mình.

Thaco bất đắc dĩ phải tiếp quản HAGL Agrico từ HAGL

Thaco chính thức hợp tác với HAGL Agrico kể từ năm 2018. Thời điểm đó, HAGL Agrico đã bị mất thanh khoản nghiêm trọng, không còn khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn, 100% vườn cọ dầu bỏ hoang phế, hơn 50% vườn cây cao su bị còi cọc, hư hại còn các vườn cây ăn trái ở giai đoạn trồng thử nghiệm bị sâu bệnh, xuống cấp, năng suất kém.

Trong tình hình khó khăn về tài chính, Thaco đã sở hữu 35% cổ phần của HNG, tương đương 3.890 tỷ đồng và bắt tay vào cơ cấu tài chính thông qua việc mua nợ, mua công ty con.

Năm 2020, Thaco tiếp tục hỗ trợ cho HAGL Agrico vay tổng số tiền 6.274 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư trồng mới, mà tập trung là chuối, các loại cây ăn trái khác (xoài, dứa).

Tuy nhiên, phía Thaco cho biết các nông trường chưa có quy hoạch tổng thể, chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới và điện vào mùa nắng, ngập úng trong mùa mưa, hệ thống giao thông chưa đáp ứng sản xuất và logistics. 

Năng suất, sản lượng và chất lượng chuối, trái cây khác còn thấp do thiếu phân bón, thiếu nhân công và kỹ thuật, nhiều vườn cây bị dịch bệnh. Diện tích khai thác và sản lượng mủ cao su đạt thấp do các vườn cây không được chăm sóc trong thời gian dài. 

Đến giữa năm 2020, HAGL Agrico đã bị thiếu hụt dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn, thiếu tiền mua vật tư chăm sóc và đầu tư cho các hạ tầng kỹ thuật quan trọng là nước và điện. Tại Campuchia nhiều vườn cây bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Trước thực trạng đó, ban lãnh đạo HAGL Agrico và HAGL đã nhiều lần họp với Thaco để tìm giải pháp giải quyết các khó khăn với phương án đề ra là CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico, công ty thành viên của Thaco) mua tiếp 4 công ty sở hữu các phần đất tại Campuchia và tại Đắk Lắk, Gia Lai với diện tích đất 20.744 ha và giá tiền là 9.095 tỷ.

Đồng thời bán lại toàn bộ cổ phần cho HAGL Agrico và đơn vị này còn nợ lại Thaco số tiền hơn 2.600 tỷ đồng (không trả lãi và hoàn trả từng phần trong 3 năm) và sở hữu phần đất còn lại tổng diện tích 35.749 ha (Bắc Campuchia 8.373 ha và tại Lào là 27.376 ha).

Phương án này chia sẻ hoạt động sản xuất nông nghiệp giữa Thagrico và HAGL Agrico về diện tích cũng như địa bàn, đồng thời giải quyết được khó khăn cấp bách là cứu lấy vườn chuối. 

Điều này đã giúp HAGL Agrico năm 2020 ghi nhận lợi nhuận 931 tỷ đồng và bù với khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh ước khoảng 910 tỷ đồng để công ty có lãi, tránh bị hủy niêm yết và cũng giảm nợ.

Tiết lộ lý do Thaco tiếp quản HAGL Agrico và những khó khăn đằng sau sự khát vốn của 'bầu' Đức - Ảnh 1.

Tuy nhiên, phía HAGL và HAGL Agrico không thỏa thuận được với ngân hàng về thanh toán nợ để lấy giấy tờ đất của 4 công ty trên đang là tài sản thế chấp nợ của hai đơn vị để giao cho Thaco nên Thaco bất đắc dĩ phải tiếp quản luôn HAGL Agrico từ HAGL thông qua việc tăng vốn cho HAGL Agrico để cấn trừ nợ và có vốn để đơn vị này tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong giai đoạn 2021 - 2023. 

Còn nợ Thagrico gần 7.300 tỷ tính tới cuối tháng 5

Ngày 8/1, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của HAGL Agrico họp để thông qua việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi các khoản nợ 5.500 tỷ đồng với Thagrico và thanh toán các khoản nợ đến hạn 1.914 tỷ đồng, trong đó nợ với các công ty liên quan của HAGL là 703 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Luật chứng khoán mới năm 2021 thì việc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ chưa thực hiện được vì phải được ĐHĐCĐ thông qua cáo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán. 

Do đó, việc tăng vốn theo ĐHĐCĐ cất thường không thực hiện được do thiếu vốn. Phía Thaco cho biết Thagrico đã cho HAGL Agrico vay thêm 1.004 tỷ đồng, tổng nợ Thagrico đến 31/5/2021 là 7.278 tỷ đồng. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên của HAGL Agrico ngày 4/6, cổ đông đã thông qua việc vốn điều lệ tăng thêm 7.415 tỷ đồng thành 18.500 tỷ đồng; dự kiến nợ giảm 7.400 tỷ đồng, tổng nợ còn lại là 8.574 tỷ đồng.

Khi mảng nông nghiệp vẫn chưa được đi đúng hướng cùng lọat khó khăn từ thiếu vốn, HAGL Agrico dự kiến lỗ 84 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 đạt 1.465 tỷ đồng và được cổ đông thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên chiều 4/6.

Tiết lộ lý do Thaco tiếp quản HAGL Agrico và những khó khăn đằng sau sự khát vốn của 'bầu' Đức - Ảnh 2.

Theo tờ trình cũ, doanh nghiệp dự kiến doanh thu thuần là 1.891 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng, lần lượt giảm 20% và bằng 1/3 so với kết quả năm 2020.

Hệ luỵ của thiếu vốn

Doanh nghiệp cho hay tổng diện tích đất còn lại là 35.749 ha (Lào có 27.376 ha). Tổng diện tích chuối năm 2021 là 4.257 ha chuối, 200 ha dứa đang cho thu hoạch. 

Tuy nhiên, do thiếu vốn dẫn đến thiếu vật tư nông nghiệp và thiếu công nhân do nợ lương. Mặt khác, các vườn cây ăn trái trong tình trạng thiếu nước tưới do hệ thống hạ tầng điện nước không đáp ứng kỹ thuật nên vườn cây dẫn đến suy giảm sản lượng thu hoạch và chất lượng.

Diện tích cao su là 17.308 ha, nhưng diện tích khai thác mủ chỉ là 6.807 ha, còn lại là cao su bị còi cộc và đất trống. 

Tại Bắc Campuchia có hai công ty với tổng diện tích là 8.373 ha, trong đó có 476 ha chuối và 1.244 ha xoài và mít đều trong tình trạng thiếu nước và hư hại nặng, diện tích đất còn lại chủ yếu là cao su, đất trống, đồi đá và dốc. Giao thông kết nối khó khăn nên chi phí thu hoạch và vận chuyển cao không hiệu quả.

Với thực trạng vườn cây như trên, cùng với tình hình dịch bệnh đang xảy ra nghiêm trọng tại Lào và Campuchia đã gây khó khăn rất lớn trong việc vận chuyển cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường và trái cây xuất khẩu. 

Do đó, kế hoạch kinh doanh sẽ bị điều chỉnh giảm so với kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ bất thường. Năm nay, dự kiến sản lượng thu hoạch của HAGL Agrico là 96.063 tấn chuối, 4.424 tấn dứa, và 5.020 tấn trái cây khác; sản lượng mủ cao su là 6.548 tấn.

Giai đoạn 2022 - 2023, doanh nghiệp cho biết sẽ trồng mới 3.100 ha chuối, 1.200 ha dứa; chăm sóc 16.000 ha cao su đồng thời nghiên cứu trồng các loại cây lấy gỗ có giá trị cao trên các vùng đất đồi dốc, nhiều đá, thổ nhưỡng không phù hợp với cây ăn trái, cây cao su và chăn nuôi

Công ty dự kiến sẽ đầu tư chuồng trại, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt theo mô hình bán chăn thả trong vườn cây cao su hoặc vườn cây ăn trái (xoài) xấu được chuyển đổi. 

Năm 2022, đầu tư trang trại chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt theo mô hình bán chăn thả với quy mô 12.000 con bò sinh sản, 5.000 con bò thịt. 

Sau khi tổ chức chăn nuôi bò giai đoạn 1 hiệu quả, HAGL Agrico sẽ tiếp tục đầu tư chuồng trại và tăng quy mô đàn trong năm 2023 lên thêm 18.000 con bò sinh sản và 10.000 con bò thịt và tiếp tục phát triển chăn nuôi bò cho những năm tiếp theo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ly-do-thaco-tiep-quan-hagl-agrico-va-nhung-kho-khan-dang-sau-su-khat-von-cua-bau-duc-20210605111614243.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/