Lý do khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu không kéo dài 1-2 tháng mà tiếp diễn một đến hai quý tới

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng thế giới mới ở giai đoạn sắp quay trở lại ngừng tăng lãi suất, quay trở lại kích cầu. Độ trễ từ khi kích cầu đến khi phản ánh được vào sản xuất phải mất 3-6 tháng. Khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu không kéo dài 1-2 tháng mà kéo dài một đến hai quý tới.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong tháng 4, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, trong đó tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế tạo chỉ ở mức 0,2%, thấp hơn mức tăng chung của toàn lĩnh vực.

Trong tháng 4, những ngành kìm hãm sự tăng trưởng của lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đều là những trụ cột xuất khẩu như sản xuất hàng điện tử (giảm 4,3% so với cùng kỳ), trang phục (giảm 1,8%), gỗ (giảm 9,6%) và máy móc thiết bị (giảm 1%).

Chỉ số PMI của ngành sản xuất tiếp tục thu hẹp, giảm xuống 46,7 điểm từ mức 47,7 điểm trong tháng trước. Trong khi đơn hàng mới tiếp tục giảm thì tồn kho thành phẩm trong tháng 4 đạt mức cao nhất trong vòng 2 năm. Tốc độ giảm đơn hàng mới nhanh hơn đơn hàng xuất khẩu cho thấy nhu cầu trong nước giảm mạnh hơn. 

 

 

 

Mới đây trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup nhận định khu vực sản xuất suy yếu hơn cả giai đoạn COVID-19 và chưa có dấu hiệu phục hồi.

"Sự tiêu cực trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn tiếp tục, không thể kỳ vọng tháng 5 hay tháng 6 khu vực sản xuất sẽ bứt tốc trở lại", ông nói.

Theo CEO của WiGroup, để dự báo được thời điểm sản xuất phục hồi cần nhìn vào sức khỏe nền kinh tế toàn cầu và chỉ số PMI toàn cầu.

"Sản xuất toàn cầu bước vào giai đoạn khó khăn, thu hẹp từ tháng 6, tháng 7 /2022, 6 tháng sau đó tức tháng 10/2022, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu gặp khó khăn. Cần phải xem khu vực sản xuất toàn cầu có phục hồi hay không. Theo dữ liệu có được, sản xuất toàn cầu vẫn đang tiêu cực, dưới 50 điểm. Ngay cả khi có tăng trưởng trở lại, thì phải mất 2-3 tháng sau đó, Việt Nam mới được hưởng lợi", ông phân tích.

Ông Trần Ngọc Báu cho rằng thế giới mới ở giai đoạn sắp quay trở lại ngừng tăng lãi suất, quay trở lại kích cầu. Độ trễ từ khi kích cầu đến khi phản ánh được vào sản xuất phải mất 3-6 tháng. Khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu không kéo dài 1-2 tháng mà kéo dài một đến hai quý tới.     

 

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định diễn biến của chỉ số PMI Việt Nam trái ngược với sự cải thiện mạnh của ngành sản xuất khu vực ASEAN, hàm ý rằng ngành sản xuất Việt Nam có vẻ đang “hụt hơi” trong việc bắt kịp sự phục hồi của nhu cầu bên ngoài. 

Các chuyên gia tại đây cũng cho rằng ngành công nghiệp chiếm 30% GDP trong năm 2022, việc ngành này không tăng trưởng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023. 

Với việc động lực quan trọng của nền kinh tế đang suy giảm, nhiều tổ chức đã hạ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay. Ngân hàng Standard Chartered đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam xuống 6,5% từ mức 7,2% trước đó. UOB hạ dự báo xuống 6%. Các chuyên gia của VDSC hạ dự báo từ 5,6% xuống 5%. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ly-do-kho-khan-trong-san-xuat-xuat-khau-khong-keo-dai-1-2-thang-ma-tiep-dien-mot-den-hai-quy-toi-2023512161346158.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/