Loạt dự án hạ tầng giao thông nghìn tỷ tạo lực đẩy phát triển cho tỉnh Bình Thuận

Nổi bật với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay sân bay Phan Thiết cùng thế mạnh về tiềm năng du lịch, Bình Thuận đã và đang trở thành miền đất hứa cho sự phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cùng hai trục đường nối thẳng tới La Gi

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng chiều dài 99 km, mặt đường rộng hơn 32 m, quy mô 6 làn xe với vận tốc thiết kế 120 km/h, được khởi công cuối tháng 9/2020. Dự án có tổng đầu tư 12.500 tỷ đồng, nối Bình Thuận với Đồng Nai và TP HCM. Hiện tại, việc giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã gần như hoàn tất 100%.

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 1.

Dù gặp khó vì ảnh hưởng dịch COVID-19 dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn đảm bảo tiến độ thi công. (Ảnh: Khải An).

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 2.

Sau 8 tháng thi công, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dần lộ diện. (Ảnh: Khải An).

Dự kiến, sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM tới Phan Thiết, và các tỉnh Nam Trung Bộ, giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A. Cả 4 gói thầu của dự án đang được triển khai xây dựng đồng loạt và tuyến cao tốc này đang ngày càng “rõ nét”.

Đến cuối tháng 8, các gói thầu xây lắp đạt 1.532 tỷ/1.829 tỷ đồng (83,78% kế hoạch năm nay). Dự án giải ngân 1.532 tỷ/1.340 tỷ, đạt 112,48%. Dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 và khai thác vận hành đầu năm 2023.

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 3.

Nắm bắt lợi thế từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bình Thuận đã xây dựng hai trục đường nối thẳng từ cao tốc này tới thị xã La Gi. (Đồ họa: Thanh niên).

Trong các khu vực của tỉnh có cao tốc này đi qua, La Gi được nhận định là địa phương được hưởng lợi nhiều nhờ vị trí cửa ngõ của Bình Thuận, đây là nơi đầu tiên tuyến cao tốc phải chạy qua trước khi tới các địa điểm như Kê Gà, Mũi Né và Phan Thiết.

Với tiến trình đưa La Gi lên thành phố thứ hai của Bình Thuận trước năm 2025, Bình Thuận đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ từ cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và đã triển khai thêm hai trục đường kết nối thẳng từ dự án cao tốc này đến La Gi. Theo đó, một trục sẽ nối cao tốc với ngã ba 46 trên QL1A, sau đó đi thẳng đến thị xã La Gi theo QL55.

Song song với trục đường này, trục còn lại cũng kết nối cao tốc với một điểm giao trên QL1A. Từ đó, tiếp tục đi qua địa bàn các thị trấn, xã trên huyện Hàm Tân và kết nối vào QL55 để đến La Gi.

Cao tốc khi hoàn thành có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đến La Gi còn 1,5h. Ngoài ra, tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết rút ngắn thời gian di chuyển từ sân bay quốc tế Long Thành và sân bay Phan Thiết đến La Gi còn khoảng 1h. Vì vậy, khu vực này dễ dàng tiếp cận hàng triệu khách du lịch quốc tế và tỉnh thành phía bắc.

Sân bay Phan Thiết - Sân bay Long Thành và trục đường ven biển

Cùng với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án sân bay Phan Thiết cũng đang hoàn tất thủ tục đầu tư, hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, tiến tới giai đoạn chuẩn bị khởi công tuần đầu tháng 4. Đây là một trong 6 cảng hàng không quốc nội ở khu vực phía Nam, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2022, cùng lúc cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thông xe.

Sân bay Phan Thiết có diện tích 543 ha tại xã Thiên Nghiệp, phía đông bắc TP Phan Thiết, Bình Thuận đã được tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án xây dựng vào ngày 5/4. 

Nhằm bảo đảm tiến độ của dự án quan trọng này, đoạn đường dẫn vào sân bay Phan Thiết có chiều dài tuyến hơn 3,6 km, bề rộng mặt đường 13,5 m, tổng mức đầu tư hơn 116 tỷ, đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. 

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 4.

Dự án sân bay Phan Thiết được tái khởi động sau 5 năm "im lìm". (Ảnh: Khải An - Hoàng Huy).

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 5.

Hiện lực lượng chức năng đã mở nhiều con đường từ trung tâm xã Thiện Nghiệp để vào khu vực lõi sân bay để chuẩn bị tập kết vật liệu và triển khai thi công. (Ảnh: Khải An - Hoàng Huy).

Trước đó, vào đầu năm 2019, tỉnh này đã đưa vào vận hành cảng Vĩnh Tân, cảng biển quốc tế đầu tiên ở khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. 

Khi hai dự án lớn kể trên hoàn thành, Bình Thuận sẽ là tỉnh có hạ tầng đồng bộ cả đường bộ, đường hàng không và đường thủy. Song song đó, tỉnh cũng xúc tiến hoàn thành cải tạo các trục đường trọng yếu, các trục nối liền những địa danh du lịch nổi tiếng.

Bên cạnh dự án sân bay Phan Thiết, sân bay Long Thành không chỉ mang tới lợi ích kinh tế cho tỉnh Đồng Nai mà còn là lực đẩy tác động mạnh đến khu vực và các vùng lân cận như La Gi, Phan Thiết, Mũi Né…

Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo kế hoạch sẽ khởi công phần móng vào tháng 2/2022, các khu vực còn lại khởi công trong quý I/2022. Dự kiến, “siêu sân bay” Long Thành giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025. Thông tin về việc xây dựng hai sân bay này chính là cú hích tạo đà thu hút các nhà đầu tư lớn tới La Gi nói riêng và Bình Thuận nói chung.

Loạt dự án hạ tầng giao thông phát triển, tạo lực đẩy cho tiềm năng du lịch tỉnh Bình Thuận - Ảnh 6.

Tuyến đường ven biển ĐT.719 của Bình Thuận, nối thị xã La Gi với Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết. (Ảnh: Hoàng Huy - Khải An).

Bên cạnh ba siêu dự án sân bay và cao tốc, tỉnh Bình Thuận cũng tập trung nâng cấp, mở rộng các trục đường ven biển. Cụ thể, dự án làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và nâng cấp và mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, triển khai thi công từ tháng 11/2020; dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Theo quy hoạch, tim tuyến đường mới ven biển ĐT.719B chạy hoàn toàn song song và cách đường ĐT.719 trung bình 1,5 - 3 km. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng nhu cầu về giao thông, nhằm kết nối giao thông từ quốc lộ 1A đến khu Tiến Thành, tạo điều kiện thuận lợi khai thác quỹ đất dọc tuyến, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn đến Bình Thuận.

Có thể thấy, với quy hoạch bài bản từ cao tốc, cầu cảng đến sân bay tại Bình Thuận đã tương hỗ lẫn nhau và tạo giá trị cao cho sự phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cả về đô thị và hạ tầng du lịch. Cùng sự bứt phá từ hạ tầng, Bình Thuận đang vượt sóng COVID-19 tạo nên sự quan tâm và sức hút cho nhà đầu tư ngay trong giai đoạn dịch bệnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/loat-du-an-ha-tang-giao-thong-nghin-ty-tao-luc-day-phat-trien-cho-tinh-binh-thuan-20211013173642867.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/