Lo mất cán bộ vì đất đặc khu

Trong khi Quốc hội đang bàn, luật chưa được thông qua thì tình trạng đầu cơ lướt sóng, thổi giá đất đã diễn ra ở các đặc khu. Trước tình trạng này, tại phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/4, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cảnh báo, nếu không cẩn thận sẽ mất cán bộ.

lo mat can bo vi dat dac khu Bỏ Công ty ở Ba Lan, về Việt Nam... buôn đất 'đặc khu', kiếm tiền ngàn tỷ
lo mat can bo vi dat dac khu Đến 2020, Quảng Ninh có gần 362.000 ha đất đặc khu kinh tế, bằng hơn nửa diện tích tự nhiên toàn tỉnh
lo mat can bo vi dat dac khu
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng”?

Đặc khu dễ thành nơi “lướt sóng”

Ngày 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Dự thảo luật lần này được trình với nhiều điểm mới, mô hình chính quyền địa phương có cả UBND và HĐND, nhưng vẫn đảm bảo tính đặc thù, tinh gọn, hiệu quả.

Với thời hạn giao đất, căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án, Chủ tịch UBND đặc khu sẽ quyết định thời hạn sử dụng đất nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng quyết định. Đồng tình với quy định 70 năm, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ thế nào là trường hợp “đặc biệt”, tránh áp dụng tràn lan.

Đề cập các chính sách liên quan đất đai, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, tại các đặc khu này đất đã có giá trị cao. Thực tế, thông tin phản ánh cho thấy, vừa qua đất Vân Đồn đã tăng 2 – 3 lần, rồi Phú Quốc cũng thế. Cần tính toán, cân nhắc kỹ, có chính sách hợp ý, không nên miễn giảm quá mức.

“Tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi này đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng” chứ không phải đầu tư?”, ông Hiển đặt câu hỏi. Theo ông Hiển, nếu không cẩn thận sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách, nên phải rà soát lại.

Lo ngại khi luật đang bàn mà các đặc khu đã nóng chuyện mua bán đất, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ba tỉnh có đặc khu quan tâm xem xét đội ngũ cán bộ. “Hiện đang có dấu hiệu rối ren về đất cát. Quản lý như thế nào khi mới nghe có luật này, người ta thổi giá đất lên, có cò đất và có người đi làm cò đất? Đi làm thuê bằng cò đất thế thì chết! Tôi đề nghị các đồng chí cẩn thận, luật chưa thông qua, cò đất đã làm rồi, phát sinh vấn đề này, vấn đề kia, thành ra chính các đồng chí ở tỉnh phải chịu trách nhiệm. Không cẩn thận là mất cán bộ đấy!”, Phó Chủ tịch Quốc hội cảnh báo.

Được mời giải trình thêm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết, Vân Đồn vừa qua luôn được sự quan tâm đặc biệt về quản lý đất đai. Từ giữa năm ngoái, tỉnh đã cho thanh tra toàn bộ và các giao dịch về đất đai đều được kiểm soát. Ông Long khẳng định, tình trạng cò đất xuất hiện trong thời gian qua đã đã cơ bản xử lý xong.

Đầu tư 1 triệu tỷ đồng - phải được gì?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh hiệu quả tại ba đặc khu Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, một câu hỏi đặt ra cần phải được trả lời: Ba đặc khu này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, chúng ta sẽ phải bỏ ra cái gì và thu được cái gì? Có thông tin tại ba đặc khu này cần hơn 1 triệu tỷ đồng đầu tư, trong đó ngân sách nhà nước sẽ bỏ ra trong 3 năm, vậy trong 5 năm, 10 năm sau là bao nhiêu? Ông Hiển dẫn dụ, Phú Quốc cần 900 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước bỏ ra 19%, hay Vân Đồn cũng vài trăm nghìn tỷ đồng, ngân sách nhà nước khoảng 10%.

“Kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ đồng, trong khi chỉ riêng ba đặc khu cần 1 triệu tỷ đồng. Cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo tính khả thi. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra đời để được cái gì? Bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng, chứ không thể 10 năm, 20 năm tới, ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

“Phải tính toán xem chúng ta có nguồn lực thế nào, trong kế hoạch 3 năm và những năm sau đó ra sao. Nói phải đi đôi với thực hiện. Ngoài ngân sách bỏ ra trực tiếp, còn nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế khác thì thế nào? Thu thế nào, chi thế nào phải có cách nhìn tổng quát, nếu định tính thế này rất khó”, ông Hiển nêu vấn đề.


Theo ông Hiển, ba đặc khu có vị trí địa lý, dân cư khác nhau, phải có ưu tiên ngành nghề phát triển cho từng đặc khu. Chẳng hạn, Vân Đồn giáp Trung Quốc, giao thương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, phải là tiền đề kinh tế vươn ra khu vực, phải cạnh tranh với các đặc khu đã có như Thẩm Quyến, Hồng Kông…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, việc thành lập ba đặc khu để thu hút nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng nhằm xây dựng ba vùng động lực, thu hút đầu tư chứ không phải nhà nước đổ tiền vào rồi miễn giảm thuế. Chẳng hạn ở Vân Đồn, toàn bộ sân bay, nhà ga hành khách là doanh nghiệp đầu tư trên cơ sở tạo cơ chế cho họ.

“Kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ có 2 triệu tỷ đồng, trong khi chỉ riêng ba đặc khu cần 1 triệu tỷ đồng. Cần xác định nguồn ở đâu, so với kế hoạch trung hạn thế nào để đảm bảo tính khả thi. Mục đích cuối cùng là đặc khu ra đời để được cái gì? Bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục đồng, vài trăm đồng, chứ không thể 10 năm, 20 năm tới, ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.

Theo kế hoạch, dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 tới, dự kiến sẽ được thông qua và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lo-mat-can-bo-vi-dat-dac-khu-51357.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/