Lỗ hổng lớn trong dự án buýt đường sông tại TP HCM

TP HCM là địa phương đầu tiên cả nước phát triển tuyến buýt đường sông theo hình thức đối tác công - tư, nhằm giảm tải đường bộ. Tuy mới vận hành 1 tuyến, song đã lộ ra nhiều lỗ hổng lớn do hợp đồng không nêu cụ thể việc kiểm tra, giám sát, quản lý tài chính…

Lỗ hổng lớn trong dự án buýt đường sông tại TP HCM - Ảnh 1.

9 tháng đầu năm 2019, tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đã vận chuyển 245.000 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng khách đi tăng nhanh

Dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy (gọi tắt là buýt đường sông) được UBND TP.HCM duyệt báo cáo khả thi năm 2015 theo hình thức đối tác công - tư, hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 128 tỷ đồng, trong đó 20% là vốn tự có của doanh nghiệp, 80% thuê mua tài chính và tín dụng.

Ký hợp đồng đầu tư 2 tuyến này, đến nay, Công ty TNHH Thường Nhật mới vận hành tuyến số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông). Tuyến số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) chưa vận hành do vướng Dự án Cải thiện môi trường nước giai đoạn II và công trình cống kiểm soát triều Bến Nghé thuộc Dự án Chống ngập do triều cường.

Ở tuyến số 1 (dài hơn 10 km, được vận hành từ cuối năm 2017), Công ty Thường Nhật đang sử dụng 4 tàu có sức chứa 75 khách để đưa đón người dân có nhu cầu qua 5 bến: Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh và Linh Đông.

Dù giá vé (15.000 đồng/lượt) đắt hơn vé xe buýt, nhưng theo cơ quan chức năng, trong 9 tháng đầu năm 2019, tuyến số 1 đã vận chuyển 245.000 lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018.

Nhà đầu tư… lề mề

Trong báo cáo mới đây gửi UBND TP.HCM, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho hay, ở tuyến số 1, tới nay vẫn còn 4 bến chưa thi công do vướng mặt bằng. Đáng chú ý là, khu bến trung tâm Bình Triệu (rộng hơn 3,14 ha, gồm các hạng mục như bến đón trả khách, khu bảo dưỡng tàu thuyền, neo đậu tàu thuyền về đêm và khu nhà điều hành tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) chưa được xây dựng. 

Trong khi đó, đây là đầu mối giao thông đường thủy kết nối thuận lợi với các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như đường bộ (Phạm Văn Đồng và Quốc lộ 13), hàng không (sân bay Tân Sơn Nhất) và đường sắt (ga đường sắt Bình Triệu). Do vậy, việc đầu tư xây dựng bến này là rất cần thiết.

Liên quan vấn đề trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, dù cơ quan chức năng phối hợp hướng dẫn, đôn đốc, nhưng tới nay, nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện hướng dẫn về việc xác định chính xác ranh giới, vị trí khu đất, cắm mốc đo đạc bản đồ hiện trạng vị trí các bến; chưa lập hồ sơ thuê đất để xem xét theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư chưa thực hiện nghiệm thu các hạng mục công trình, chưa báo cáo tổng vốn đầu tư đã thực hiện đến giai đoạn hiện nay và đặc biệt là chưa báo cáo kết quả kinh doanh, hiệu quả dự án theo quy định tại hợp đồng đã ký.

Lỗ hổng Hợp đồng BOO

Tìm hiểu của chúng tôi, Hợp đồng BOO số 2683 ký ngày 31/5/2017 giữa nhà đầu tư với cơ quan chức năng TP.HCM không xác định mốc thời gian cụ thể cho các vấn đề như xác định ranh giới, vị trí đất, lập hồ sơ thuê đất… Đây là kẽ hở để nhà đầu tư chưa thực hiện các công việc trên.

Đáng lo hơn, theo ông Bùi Hòa An, thì “hợp đồng không nêu cụ thể việc kiểm tra, giám sát doanh thu, quản lý tài chính dự án theo quy định tại Thông tư 55/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư.

Ngoài ra, Hợp đồng cũng thiếu cả nội dung quan trọng như sức chở của phương tiện; thiếu ràng buộc cụ thể về tiến độ dự án; thiếu cả việc xử lý vi phạm hợp đồng.

Cần lưu ý rằng, với lợi thế sông nước, TP.HCM sẽ không chỉ dừng ở 2 tuyến buýt trên. Với tổng lượt hành khách thông qua cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến phà đạt 36 triệu lượt năm 2018, tăng vọt so với năm 2017, TP.HCM xác định sẽ tiếp tục tập trung phát triển vận tải công cộng đường thủy trong thời gian tới.

Do đó, Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị Thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án giao thuê đất và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch. Đồng thời, nhà đầu tư có trách nhiệm hoàn thành việc xác định ranh giới, vị trí khu đất, cắm mốc và đo đạc hiện trạng vị trí bến của 2 tuyến buýt đường sông trong tháng 11/2019, hoàn tất xây dựng bến vào giữa năm sau.

"Cầu viện" UBND TP.HCM bịt lỗ hổng

Tại báo cáo mới đây gửi UBND TPHCM, Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đã đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo với nhà đầu tư phối hợp với Sở và cơ quan liên quan điều chỉnh nội dung Hợp đồng dự án để "bịt" các lỗ hổng. Sở cũng đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo doanh nghiệp cam kết tiến độ, trong tháng 11/2019 phải hoàn thành việc xác định ranh giới, vị trí khu đất, cắm mốc đo đạc bản đồ hiện trạng vị trí các bến của 2 tuyến buýt đường sông; quý I, II năm 2020 phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng các bến.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lo-hong-lon-trong-du-an-buyt-duong-song-tai-tp-hcm-20191023075726383.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/