Liệu một liên minh giữa các nước nhập khẩu dầu có thể thách thức OPEC+?

Các nhà nhập khẩu dầu phương Tây đã tìm nhiều cách để hạ giá dầu trong năm 2022. Ý tưởng về một liên minh những người mua dầu đã được nêu ra nhiều lần, nhưng liệu đề xuất này có thành công nếu thiếu sự tham gia của Ấn Độ và Trung Quốc?

Liên minh của những người mua dầu

Trước đây, cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi từng đề xuất các nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nên đoàn kết chống lại các nhà sản xuất. Ý tưởng này sau đó được Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen ủng hộ và nỗ lực thúc đẩy.

Tuy nhiên, các nhà phân tích lại tỏ ra khá hoài nghi. Trong bối cảnh nhu cầu của người mua lớn như hiện tại, thị trường toàn cầu đang chịu sự chi phối của người bán, đồng nghĩa rằng các nhà sản xuất sẽ có nhiều quyền quyết định giá dầu hơn.

Gần đây, công suất dự phòng của các nhà sản xuất dầu mỏ lớn đang ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng của nhóm này do đó lại càng lớn hơn và người mua sẽ dễ rơi vào tình thế rủi ro hơn, oilprice.com lưu ý thêm.

Song, một số người cho rằng liên minh các nhà nhập khẩu dầu có thể hoạt động hiệu quả. Trên thực tế, nhóm này đã thực sự tạo ra tác động đáng kể vào năm ngoái, giúp giảm bớt thiệt hại mà giá dầu tăng cao có thể gây ra.

Gần đây, tờ Barron’s cho rằng việc chính quyền Tổng thống Joe Biden giải phóng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược là một động thái thành công, đặc biệt là khi Mỹ không hành động một mình mà phối hợp với các nước khác.

Giá dầu thực sự đã giảm vào năm ngoái và trùng lặp với thời điểm Mỹ xả kho dầu thô chiến lược, cho nên một số nhà phân tích cho rằng chính quyền ông Biden đã có một bước đi thành công.

(Ảnh minh hoạ: Nikkei/AP, Reuters).

Tuy nhiên, những người hoài nghi vẫn lưu ý rằng một khi đã giải phóng xong 180 triệu thùng dầu, chính phủ Mỹ sẽ phải mua thêm dầu để bổ sung cho kho dự trữ quốc gia.

Washington đã nhiều lần kêu gọi các công ty năng lượng trong nước tăng cường sản xuất, thậm chí còn lên tiếng đe doạ. Nhưng nỗ lực đó không dẫn đến bất kỳ mức tăng sản lượng đáng kể nào.

Vì vậy, liệu động thái giải phóng dầu thô dự trữ của ông Biden có thực sự thành công hay không vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời được.

Ý tưởng nâng cao vị thế của người mua có lẽ đã lụi tàn. Mỹ và các đồng minh đã nghĩ ra một ý tưởng mới hợp thời hơn: cắt giảm nhập khẩu dầu của Nga để trừng phạt Tổng thống Putin sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Đề xuất trên đã đạt được một số tiến bộ, đầu tiên là ở nhóm G7 và sau đó là Liên minh châu Âu (EU). Cuối cùng, các nền kinh tế này đã quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ và nhiên liệu của Nga.

Mặt khác, G7, EU và Australia còn áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu của Nga nhằm hạn chế nguồn thu của chính quyền Moscow nhưng vẫn giữ cho dầu của Nga chảy vào thị trường toàn cầu.

Điều này dường như là một thừa nhận rằng thế giới và đặc biệt là phương Tây không thể thực sự từ bỏ dầu thô của Nga chỉ trong vài tháng.

Ngoài ra, những hành động trên cũng gợi ý rằng người mua không bao giờ có thể chiếm thế thượng phong trước người bán, khi mà người bán vốn đã có tổ chức và luôn chuẩn bị sẵn cho bất kỳ biến động nào nhằm duy trì quyền kiểm soát giá.

Giờ đây, EU đã ngừng nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển từ Nga. Họ buộc phải thay thế bằng nguồn cung dầu từ Trung Đông, từ các quốc gia đang là đối tác của Nga trong liên minh OPEC+.

Để giảm bớt tác động khi giá dầu tăng cao, các nước châu Âu còn sử dụng biện pháp trợ cấp chi phí nhiên liệu, đồng thời đề xuất đánh thuế lợi nhuận cao bất thường đối với các công ty dầu khí.

Theo Barron’s, cách can thiệp của các nước tiêu thụ năng lượng lớn cho thấy có một giải pháp thay thế cho việc cầu xin OPEC+ tăng nguồn cung. Trên thực tế, giải pháp này luôn tồn tại, đó là kêu gọi doanh nghiệp trong nước tăng sản lượng.

Song, câu chuyện của Nhà Trắng lại cho thấy giải pháp thứ hai cũng không ổn, theo oilprice.com. Có một lý do khả dĩ khiến cho việc đề nghị OPEC+ hay các công ty dầu khí trong nước giúp đỡ đều bất thành.

 

 

Trung Quốc và Ấn Độ không hợp tác

Trung Quốc và Ấn Độ là các nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và cũng là khách hàng chủ chốt của OPEC+. Cho đến nay, hai nước vẫn chưa đồng ý tham gia bất kỳ sáng kiến thành lập liên minh người mua nào.

Hai nền kinh tế tỷ dân này không có nhiều động lực để hợp tác cùng phương Tây, khi mà họ vẫn đang được hưởng lợi đáng kể từ việc nhập khẩu dầu thô giá rẻ của Nga.

Arab Saudi cũng đang hạ giá bán chính thức đối với các lô hàng dầu thô xuất sang châu Á nhằm giữ vững thị phần tại thị trường rộng lớn này.

Theo oilprice.com, vào cuối năm ngoái, khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thúc đẩy ý tưởng áp giá trần đối với dầu thô của Nga, bà đã đến châu Á.

Truyền thông đưa tin về chuyến thăm của bà Sherman tới Nhật Bản, Hàn Quốc và cam kết của hai nước với mức giá trần. Song, mục tiêu thực sự của chuyến thăm châu Á này là Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhiệm vụ đó đã thất bại và ý tưởng về một liên minh người mua dầu cũng sụp đổ vì một sự thật đơn giản.

Bên cạnh Trung Quốc và Ấn Độ, dường như các nhà nhập khẩu dầu mỏ ở Mỹ và châu Âu (đặc biệt là châu Âu) đang cần nguồn cung năng lượng của OPEC+ hơn là OPEC+ cần họ.

 

 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lieu-mot-lien-minh-giua-cac-nuoc-nhap-khau-dau-co-the-thach-thuc-opec-202311014229771.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/