|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Lãnh đạo chuyển dạng là gì? Thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo chuyển dạng

09:49 | 30/06/2020
Chia sẻ
Lãnh đạo chuyển dạng là sự lãnh đạo bằng cách nêu gương, lấy mình làm gương.
Sự gương mẫu trong phong cách lãnh đạo chuyển dạng là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Quora)

Lãnh đạo chuyển dạng

Khái niệm

Lãnh đạo chuyển dạng là sự lãnh đạo bằng cách nêu gương, lấy mình làm gương. Lãnh đạo theo phong cách này sẽ thu hút nhân viên thông qua giao tiếp, truyền cảm hứng và sự đồng cảm. Họ can đảm, tự tin và sẵn sàng hi sinh vì mục tiêu tốt đẹp (Spahr, 2014). 

Phong cách lãnh đạo chuyển dạng được đặc trưng bởi sự tác động của nhà lãnh đạo đến nhân viên, làm cho nhân viên cảm thấy tin tưởng, tôn trọng, ngưỡng mộ và nảy sinh lòng trung thành. 

Để làm được điều này, phong cách lãnh đạo chuyển dạng bao gồm 4 nhân tố: Sự ảnh hưởng, truyền cảm hứng, kích thích trí tuệ và quan tâm cá nhân (Bass & Avolio, 1994). 

Thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo chuyển dạng

Thang đo gương mẫu trong phong cách lãnh đạo chuyển dạng phản ánh sự ảnh hưởng của người lãnh đạo đến nhân viên, thông qua phẩm chất và hành vi: 

- Ảnh hưởng bằng phẩm chất (hi sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của tập thể; nhân viên tự hào, hãnh diện khi làm việc cùng; có những hành động làm nhân viên cảm thấy ngưỡng mộ, kính trọng; lãnh đạo luôn thể hiện là người có quyền lực và tự tin); 

- Ảnh hưởng bằng hành vi (quan tâm đến khía cạnh đạo đức và kết quả của những quyết định có đạo đức; chia sẻ với nhân viên về niềm tin và những giá trị quan trọng nhất của mình; chỉ rõ tầm quan trọng của việc phải có ý chí kiên định khi thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ; nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nhân viên có cùng sứ mạng với tổ chức) (Avolio và cộng sự, 2004).

Giải thích thuật ngữ liên quan:

Theo Landis & Gould (1989), sự gương mẫu là tập hợp những hành vi chuẩn mực, khuôn phép để mọi người noi theo. 

Chuẩn mực là hành vi của cá nhân được chấp nhận hay đòi hỏi trong một hoàn cảnh đặc thù. Nó là sản phẩm của quá trình các cá nhân tương tác, học hỏi lẫn nhau và cùng thống nhất chấp nhận những giá trị, cách hành xử thích hợp.

Morgenroth và cộng sự (2015) cho rằng, người gương mẫu sẽ có 3 yếu tố: 

(1) Là người chỉ cho chúng ta những kĩ năng và cách thức để đạt được mục tiêu;

(2) Là người làm cho chúng ta thấy rằng mục tiêu có thể đạt được; là ví dụ về sự thành công và hình mẫu của những hành động cần có để đạt được thành công như vậy; là người mà khi nhìn vào quá trình nỗ lực của họ, ta sẽ có thêm niềm tin vào việc theo đuổi mục tiêu hiện tại; là người đại diện cho những gì có thể làm được; và 

(3) Là người truyền cảm hứng.

(Tài liệu tham khảo: Sự gương mẫu của lãnh đạo trong khu vực hành chính công, Trần Mai Đông, Tạp chí Công thương, 2020)

Tuyết Nhi