Lãi dự thu hệ thống ngân hàng 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng cao

Lãi dự thu, một trong những nguồn lãi ảo của các ngân hàng, đang tiếp tục tăng trong 9 tháng đầu năm 2019.

Lãi dự thu các ngân hàng tiếp tục tăng

Lãi dự thu là một trong những vấn đề đau đầu của nhiều ngân hàng hiện nay khi số dư khoản mục này ngày càng tăng cao theo thời gian. 

Thống kê số liệu từ 28 ngân hàng thương mại trong nước, tính đến cuối tháng 9/2019, tổng số lãi, phí dự thu tại các ngân hàng là gần 172.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cuối năm 2018.

Trong đó, 2/3 số ngân hàng khảo sát có giá trị lãi, phí dự thu tăng với một số ngân hàng có mức tăng trưởng mạnh như: Nam A Bank (tăng 77,3%), VietBank (tăng 74%), SeABank (tăng 47,6%), Saigonbank (tăng 39,4%), Bac A Bank (tăng 37,3%), OCB (tăng 31,6%),...

Ở chiều ngược lại, những ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhát là ACB (giảm 12%) Sacombank (giảm 11%), Techcombank (giảm 10,9%),...

Lãi dự thu tập trung ở những ngân hàng đang tái cơ cấu

Xét về con số tuyệt đối, SCB tiếp tục là "quán quân" lãi dự thu với hơn 55.000 tỉ đồng lãi, phí dự thu, tăng 14% so với cuối năm trước và chiếm 32% trong tổng số lãi dự thu trong các ngân hàng khảo sát. 

Đứng ở vị trí thứ hai là Sacombank với 20.611 tỉ đồng, giảm 11%. Tiếp đó là BIDV với 13.240 tỉ đồng (tăng 10,4%), SHB với 10.612 tỉ đồng (tăng 16,4%), Vietcombank lên 8.352 tỉ đồng (tăng 12,7%).

Top 10 lai du thu

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Có thể nhận thấy rằng hai ngân hàng có lãi dự thu lớn đầu bảng hiện tại và SCB và Sacombank đều là hai ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu sau quá trình sáp nhập với những ngân hàng "yếu kém" khác.

Khoản lãi dự thu ở đây phần lớn là dự thu từ các khoản nợ khó đòi, tuy nhiên chưa thể xử lí ngay bằng cách này hay cách khác.

Đối với những trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phê duyệt những phương án xử lí đặc thù. Khoảng thời gian để trích lập khối lãi dự thu được khoanh trong phương án tái cơ cấu có thể kéo dài đến 10 năm.

Vì sao các ngân hàng lại lo lắng với con số lãi dự thu?

Thông thường việc dự thu các khoản lãi hay phí là một nghiệp vụ kế toán thông thường của ngân hàng. Khi đến kì dự thu, kế toán sẽ lập bảng kê các khoản lãi phải thu nội bảng của các khoản nợ nhóm 1 và phải thu ngoại bảng của các khoản nợ nhóm 2 đến nhóm 5. Sau khi trừ đi các khoản lãi phải thu đã thu được sẽ còn lại con số lãi dự thu.

Lãi dự thu còn được xem như một nguồn lãi ảo của các ngân hàng vì có thể được ghi nhận vào lợi nhuận khi trên thực tế chưa có tiền thu về. Với con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của các nhà băng lại càng cao, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng có thể khiến lợi nhuận tăng vọt.

Những ngân hàng có tỉ lệ lãi dự thu trên lợi nhuận sau thuế lớn kể đến như SCB (gấp 264 lần), NCB (gấp 166 lần), VietABank (gấp 19 lần), Ngân hàng Bản Việt, Sacombank,...

Tuy nhiên, về phía ngân hàng, đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel II. 

Do đó, mặc dù phải dùng lợi nhuận để đánh đổi nhưng các ngân hàng cũng phải lên dần kế hoạch để xử lí khoản mục này.

VietinBank là một ví dụ điển hình khi hi sinh lợi nhuận năm 2018 để đổi lại việc giảm mạnh con số lãi dự thu từ hơn 14.500 tỉ đồng xuống 6.900 tỉ đồng, giảm gần 53%. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng trong năm 2018 đã ghi nhận giảm 27,2%.

So sánh lãi dự thu và lợi nhuận sau thuế cuối tháng 9/2019

STTNgân hàng Lãi, phí dự thu Lợi nhuận sau thuế Tỉ lệ Lãi dự thu/LNST 
1SCB           55.091                 209               263,9
2Sacombank           20.611              1.923                 10,7
3BIDV           13.240              5.645                   2,3
4SHB           10.612              1.808                   5,9
5Vietcombank              8.352           14.127                   0,6
6VietinBank              6.860              6.825                   1,0
7VPBank              5.512              5.754                   1,0
8Techcombank              5.112              7.107                   0,7
9LienVietPostBank              4.212              1.311                   3,2
10SeABank              4.195                 536                   7,8
11MBBank              4.087              6.412                   0,6
12MSB              4.053                 868                   4,7
13Bac A Bank              3.970                 519                   7,7
14HDBank              3.315              2.764                   1,2
15NCB              3.161                   19               166,4
16ACB              3.042              4.448                   0,7
17VietABank              2.611                 137                 19,0
18Nam A Bank              2.088              452,1                   4,6
19VIB              1.657              2.331                   0,7
20VietBank              1.567                 341                   4,6
21Kienlongbank              1.539                 188                   8,2
22OCB              1.469              1.554                   0,9
23TPBank              1.386              1.923                   0,7
24Bản Việt              1.150                   67                 17,2
25Eximbank              1.115                 882                   1,3
26ABBank              1.003                 774                   1,3
27Saigonbank                 219                 198                   1,1
Tổng         171.231           69.122                   2,5

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/scb-tiep-tuc-giu-vi-tri-quan-quan-lai-du-thu-9-thang-dau-nam-20191112123140007.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/