Lãi 350 triệu USD quý I, ‘gã khổng lồ’ Aeon sẽ làm gì để trở thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới vào 2025

Dù kinh doanh thành công tại Nhật Bản nhưng việc mở rộng thị trường của Aeon không phải khi nào cũng thuận lợi. Tiêu biểu như khoản đầu tư vào Trung Quốc thua lỗ 4 năm liên tiếp hay thương vụ hợp tác cùng Fivimart và Citimart tại Việt Nam. Rõ ràng, sự vững chắc của một đế chế cho họ cơ hội đi xa nhưng không đảm bảo rằng, họ sẽ luôn chiến thắng trong thời kỳ đầy sóng gió bởi những cuộc cạnh tranh khốc liệt…

Thoát lỗ tại Trung Quốc, lợi nhuận tăng trưởng 8%

Quý I niên độ 2018 – 2019 (1/3/2018 – 28/2/2019), Tập đoàn Aeon đạt hơn 2.104 tỷ yên doanh thu thuần (18,7 tỷ USD), tăng nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 39,6 tỷ yên (352 triệu USD), tăng trưởng 8,2%.

Trong đó, lợi nhuận từ Nhật Bản hơn 31 tỷ yên (chiếm 80%), Đông Nam Á khoảng 8 tỷ. Trung Quốc dù chỉ khiêm tốn với 246 triệu yên nhưng so với mức lỗ cùng kỳ 4 năm qua (trung bình 2 tỷ yên) thì đây là một sự cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, khu vực khác lỗ 22 triệu yên.

lai 350 trieu usd quy i ga khong lo aeon se lam gi de tro thanh nha ban le hang dau the gioi vao 2025
Toàn cảnh Aeon Mall Long Biên, Hà Nội. (Nguồn: http://aeonmallvietnam.com)

Khoản lợi nhuận từ dịch vụ tài chính tăng trưởng 17%, đạt 17,4 tỷ yên, cao nhất trong nhóm dịch vụ của Aeon. Theo sau là 13 tỷ yên lợi nhuận từ trung tâm mua sắm, tăng trên 4%.

Bên cạnh đó, kinh doanh siêu thị tăng trưởng 6,6%, đạt hơn 2 tỷ trong khi những cửa hàng bách hóa tổng hợp (GMS - General Merchandise Store) lỗ 4,5 tỷ yên. Điều này đi ngược lại so với niên độ trước khi GMS ghi nhận biên lợi nhuận lớn nhất trong các phân khúc kinh doanh do thực hiện cải cách cơ cấu thu nhập và chi phí quản lý hiệu quả. Ngoài ra, mảng dược phẩm có phần giảm sút nhẹ khi đạt 5,6 tỷ yên.

Lũy kế đến 31/5/2018, tổng tài sản của Aeon đạt 9.739 tỷ yên (86,6 tỷ USD), tăng 9% so với cùng thời điểm 2017. Tập đoàn đã chi khoảng 145 tỷ yên đầu tư tại Nhật Bản (128 tỷ yên), khu vực Đông Nam Á (7,5 tỷ yên) và Trung Quốc (6,5 tỷ yên).

Niên độ 2017-2018, doanh thu hợp nhất của Aeon đạt cao kỷ lục hơn 8.390 tỷ yên (74,6 tỷ USD), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 24,5 tỷ yên (218 triệu USD), tăng trưởng 118%.

lai 350 trieu usd quy i ga khong lo aeon se lam gi de tro thanh nha ban le hang dau the gioi vao 2025
Diễn biến cổ phiếu Aeon trong 5 năm qua. (Số cổ phiếu lưu hành gần 840 triệu cp, vốn hóa thị tường khoảng 1.850 tỷ yên) (Nguồn: Investing.com)

Tái cơ cấu Aeon Retail và Daiei, trở thành nhà bán lẻ hàng đầu thế giới vào năm 2025

Một trong những chiến lược thu lợi của Aeon là tăng cường đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở mỗi quốc gia, đồng thời cân đối tài sản và nợ phải trả. Với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ hàng đầu trên thế giới vào năm 2025, kinh doanh dịch vụ tài chính, siêu thị, trung tâm mua sắm và dược phẩm đều đạt mức tăng trưởng ổn định tiếp tục là hoạt động cốt lõi của Tập đoàn.

Aeon có kế hoạch tập trung vào việc cải thiện thu nhập tại mảng bán lẻ Aeon Retail Co.,Ltd. và The Daiei, Inc. Tập đoàn tiến hành thâu tóm Daiei từ tháng 8/2013. Sau đó, tái cơ cấu công ty này, sử dụng chung cơ sở hạ tầng và giới thiệu thương hiệu Topvalu của Aeon tại các cửa hàng Daiei. Điểm nổi bật của Daiei là một chuỗi siêu thị với nhiều cửa hàng ở các khu vực lớn. Kết quả, Aeon Retail và Daiei tạo ra một phần đáng kể thu nhập cho Tập đoàn. Riêng quý I vừa qua, Aeon Retail lãi ròng 2,4 tỷ yên.

Ngoài ra, Aeon sẽ xem xét kỹ các chiến lược kinh doanh và năng lực các công ty thành viên, thúc đẩy việc sáp nhập (M&A), chia tách hoặc tổ chức lại Tập đoàn để đạt quy mô thích hợp.

Vấn đề cải cách nền tảng kinh doanh sẽ bao gồm công nghệ thông tin sử dụng AI, hậu cần và quản trị chuỗi cung ứng để cho phép mỗi doanh nghiệp tối đa hóa thu nhập.

lai 350 trieu usd quy i ga khong lo aeon se lam gi de tro thanh nha ban le hang dau the gioi vao 2025
Mục tiêu trung hạn của Aeon là đạt 9.500 tỷ yên doanh thu và 290 tỷ yên lợi nhuận vào năm 2019. (Nguồn: Aeon.info)

Nâng tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp châu Á khác ngoài Nhật Bản lên 23%

Tháng 12/2017 với chiến lược "Aeon Group hướng tới năm 2020", chính sách quản lý được công bố thể hiện hướng đi mới của Tập đoàn thông qua việc chuyển mình sang thị trường châu Á và phân khúc kỹ thuật số, đi kèm sự thay đổi tương ứng trong đầu tư.

Cụ thể, Aeon sẽ tích hợp và tái cơ cấu hoạt động thực phẩm của siêu thị và các doanh nghiệp GMS ở từng khu vực để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của khách hàng. Đồng thời, thực hiện kỹ thuật số hóa, với mục đích cuối cùng là đạt được vị trí số 1 ở mỗi khu vực.

Trong các loại sản phẩm may mặc và giải trí, Aeon đang hướng tới sự phát triển hơn nữa bằng cách kéo các hoạt động này vào các công ty chuyên ngành và nâng cao trình độ chuyên môn của họ. Các mục tiêu khác bao gồm nâng tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp châu Á khác ngoài Nhật Bản lên 23%. Ngoài ra, tỷ lệ hoạt động từ kinh doanh kỹ thuật số được nâng lên 12% bằng cách chuyển những khoản đầu tư truyền thống như cửa hàng sang lĩnh vực công nghệ thông tin, hậu cần.

lai 350 trieu usd quy i ga khong lo aeon se lam gi de tro thanh nha ban le hang dau the gioi vao 2025
Thị phần của Aeon tại 12 quốc gia bao gồm cả Nhật Bản. (Nguồn: Aeon.info)

Aeon ra mắt trung tâm thương mại đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Aeon – Tân Phú Celadon vào tháng 1/2014 với mức đầu tư 109 triệu USD. Chưa đầy 1 năm sau, Aeon tiếp tục thể hiện tham vọng của mình bằng cách mua lại 49% cổ phần Citimart và 30% cổ phần Fivimart.

Báo cáo tài chính 2016 ghi nhận cả hai doanh nghiệp này lần lượt chịu lỗ khoảng 33 tỷ đồng và 96 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế bị đẩy lên tương ứng 157 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Rõ ràng, việc mở rộng thị phần kinh doanh với một “gã bán lẻ” tên tuổi như Aeon không phải khi nào cũng dễ dàng.

Tháng 6 vừa qua, Aeon đã ký kết Biên bản ghi nhớ toàn diện về đầu tư và xúc tiến kinh doanh tại Hà Nội với Ủy ban nhân dân Hà Nội. Tính đến nay, Aeon đã xây dựng 4 trung tâm mua sắm tại Việt Nam và dự kiến mở rộng thêm 2 trung tâm nữa bao gồm tại quận Hà Đông (Hà Nội) và tại Hải Phòng.

lai 350 trieu usd quy i ga khong lo aeon se lam gi de tro thanh nha ban le hang dau the gioi vao 2025
Cơ cấu cổ đông của Aeon tại thời điểm 28/2/2018. (Nguồn: Financial Times)
Thành lập từ năm 1758, tiền thân là công ty gia đình chuyên may trang phục kimono truyền thống và phụ kiện đi kèm. Aeon đã trở thành thương hiệu bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản, hoạt động trên 12 quốc gia với hơn 21.000 cửa hàng và văn phòng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lai-350-trieu-usd-quy-i-ga-khong-lo-aeon-se-lam-gi-de-tro-thanh-nha-ban-le-hang-dau-the-gioi-vao-2025-60620.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/