Kinh doanh lữ hành (Travel Trade) là gì? Vai trò và phân loại

Kinh doanh lữ hành (tiếng Anh: Travel Trade) là việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết lập các chương trình du lịch, quảng cáo và bán các chương trình này, tổ chức thực hiện chương trình và hướng dẫn du lịch.

tourism-053118

Hình minh hoạ (Nguồn: bworldonline)

Kinh doanh lữ hành

Khái niệm

Kinh doanh lữ hành trong tiếng Anh được gọi là Travel Trade.

Kinh doanh lữ hành là việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu thị trường, thiết lập các chương trình du lịch trọn gói hay từng phần, quảng cáo và bán các chương trình này trực tiếp hay gián tiếp qua các trung gian hay văn phòng đại diện, tổ chức thực hiện chương trình và hướng dẫn du lịch. 

Kinh doanh lữ hành bao gồm kinh doanh lữ hành nội địa, kinh doanh lữ hành quốc tế. 

Kinh doanh lữ hành nội địa là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch nội địa và phải có đủ 3 điều kiện. 

Kinh doanh lữ hành quốc tế là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế và phải có đủ 5 điều kiện. 

Vai trò 

- Vai trò đối với cầu du lịch

Tiết kiệm được thời gian lẫn chi phí cho việc tìm kiếm thông tin, tổ chức sắp xếp, bố trí các tuyến du lịch cho khách du lịch khi mua chương trình du lich.

Khách du lịch sẽ thừa hưởng được những kinh nghiệm và kiến thức của các chuyên gia tổ chức du lịch của các công ty lữ hành, đem lại những chuyến du lịch thú vị và bổ ích.

Hưởng được một mức giá hấp dẫn cho khách du lịch khi mua các chương trình du lịch trọn gói. Du khách chỉ phải trả một khoản chi phí thấp hơn nhiều so với chi phí mà họ bỏ ra để tự lo liệu

Doanh nghiệp lữ hành giúp du khách phần nào cảm nhận được sản phẩm trước khi đi đến quyết định mua và thực sự tiêu dùng nó. Khách du lịch sẽ phần nào cảm thấy yên tâm và hài lòng khi ra quyết định.

- Vai trò đối với cung du lịch hoặc các đơn vị cung ứng du lịch

Cung cấp những nguồn khách lớn ổn định và có kế hoạch.

Các nhà cung cấp thu được nhiều lợi ích từ các hoạt động quảng cáo, khuếch trương cũng như thăm dò nhu cầu du khách của các hãng lữ hành.

Các nhà cung cấp đã chuyển bớt một phần rủi ro có thể xẩy ra với các công ty lữ hành thông qua các bản hợp đồng đã được kí kết. 

Phân loại kinh doanh lữ hành

- Căn cứ vào tính chất hoạt động để tạo ra sản phẩm có các loại kinh doanh đại lí lữ hành, kinh doanh chương trình du lịch, kinh doanh tổng hợp.

- Căn cứ vào phương thức và phạm vi hoạt động có các loại kinh doanh lữ hành gửi khách, kinh doanh lữ hành nhận khách và kinh doanh lữ hành kết hợp.

(Theo Giáo trình quản trị kinh doanh lữ hành - Nguyễn Văn Đính, Phạm Hồng Chương)

- Căn cứ vào qui định của Luật du lịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 14 tháng 6 năm 2005, có các loại:

+ Kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam

+ Kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài

+ Kinh doanh lữ hành đối với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài

+ Kinh doanh lữ hành nội địa

(Tài liệu tham khảo: Lí thuyết về phát triển sản phẩm du lịch của công ty kinh doanh lữ hành, ĐH Duy Tân)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/lu-hanh-tourism-va-kinh-doanh-lu-hanh-la-gi-vai-tro-va-phan-loai-20191012121820466.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/