Không có tăng trưởng bền vững nếu không giải quyết được hiệu quả đầu tư

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề tăng trưởng kinh tế bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2017.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2017? Theo ông liệu có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% như Quốc hội, Chính phủ đã đề ra không?

Chúng ta đã bước qua quý 1/2017 với mức tăng trưởng 5,1%. Đây là kết quả gây ngạc nhiên, bởi trước thời điểm cuối năm 2016 là kinh tế sẽ khởi sắc hơn khi bước vào 2017. Mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%, kết quả tăng trưởng của quý I là 5,1% và quý II theo Tổng cục Thống kê vừa công bố là 6,17%, theo đó, tăng trưởng bình quân của hai quý đạt khoảng 5,73%. Trong điều kiện quý III, quý IV GDP tăng mạnh thì tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ đạt được 6,4-6,5%. Nếu như vậy thì vẫn không đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.

Ở đây tôi cho rằng chúng ta nên hiểu sự khác biệt giữa dự báo tăng trưởng và mục tiêu tăng trưởng. Mục tiêu là cái để chinh phục, phấn đấu và là căn cứ để điều hành chính sách, cố gắng để tạo sức ép lên các bộ, ngành, địa phương làm sao để đạt được con số đó. Nhưng dự báo thì khác, dự báo về tăng trưởng kinh tế với tình hình, bối cảnh kinh tế hiện nay, với động thái chính sách không có gì thay đổi nhiều thì dự báo tăng trưởng trong năm 2017 sẽ cũng chỉ vào khoảng 6,3-6,4%, lạc quan nhất thì có thể đạt mức 6,5% nếu như các điều kiện rất tốt, rất thuận lợi.

Nhìn vào tăng trưởng quý II và so sánh với quý I cho thấy có sự cải thiện tăng trưởng rất mạnh, đó là tín hiệu rất lạc quan , từ 5,1% lên hơn 6% mà động lực lớn nhất là chúng ta đảo được chiều suy giảm của ngành khai khoáng trong đó có khai thác dầu thô. Tuy nhiên, khai thác dầu thô khó bền vững, ngay cả khi có thể tăng được khai thác. Vấn đề ở đây không chỉ là nhìn vào quý II mà còn là quý III, quý IV nếu chỉ tính trong năm 2017. Nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối một cách cơ học, muốn dầu thô có đóng góp tích cực vào tăng trưởng thì quý này phải khai thác cao hơn quý trước, quý sau phải cao hơn nữa và nếu như đạt được tăng trưởng của 2017 thì sang 2018 muốn tăng trưởng nữa lại phải tăng sản lượng khai thác và nó như nhiệm vụ bất khả thi đối với ngành dầu khí.

Thưa ông, vậy có nên nhất thiết phải đặt ra mục tiêu tăng trưởng không và dự báo của các chuyên gia kinh tế về tăng trưởng GDP năm 2017, theo ông có hợp lý không?

Như tôi đã nói, chúng ta đặt mục tiêu nhưng không bằng mọi giá để đạt được mục tiêu tăng trưởng ấy. Quan trọng là chúng ta điều hành chính sách trong đó ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong trung hạn, các nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu kinh tế để nâng cao hiệu quả, điều này mới đảm bảo cho tăng trưởng bền vững. Một điểm nữa, bản thân dự báo tốc độ tăng trưởng như hiện nay là 6,3-6,4% thì Việt Nam vẫn là nền kinh tế có tăng trưởng cao trong khu vực, vẫn là nơi hấp dẫn đối với các DN, nhà đầu tư trực tiếp và gần đây là các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Theo ông, giải pháp nào để đảm bảo cả trong ngắn hạn cũng như trung và dài hạn sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững?

Trong ngắn hạn phải đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, không nên thúc đẩy bằng cách mở rộng chính sách tài khóa, tiền tệ. Hơn nữa, phải tập trung ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo ổn định môi trường đầu tư kinh doanh. Nhìn vào các số liệu điều tra về lấy ý kiến DN, người tiêu dùng cho thấy niềm tin được cải thiện và chắc chắn là không xấu đi dù nhiều khó khăn còn đó. Điểm nhấn môi trường đầu tư kinh doanh là điều quan trọng nhất.

Tiếp theo, cần giải quyết những yếu kém về cơ cấu kinh tế. Thứ nhất, đối với lĩnh vực ngân hàng, Nghị quyết về xử lý nợ xấu mà Quốc hội thông qua là bước đi tích cực, đáng lẽ làm sớm hơn theo hướng tăng thêm quyền cho các tổ chức tín dụng trong việc siết nợ và xử lý nợ xấu, tạo cơ chế thông thoáng hơn trong mua bán nợ và có thị trường mua bán nợ thứ cấp vận hành hiệu quả. Đây là những cải cách về thể chế giúp việc xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhưng giải pháp này vẫn phải đi kèm với giải pháp tìm nguồn lực mới để tái cơ cấu mà không dùng tiền ngân sách nhưng cũng không thể tái cơ cấu ngân hàng mà không có nguồn lực. Nếu nguồn tiền đó không đến từ Nhà nước thì phải đến từ các nhà đầu tư tư nhân để xử lý nợ xấu kèm với việc các ngân hàng sẽ tăng được vốn chủ sở hữu và trên cơ sở đó tăng trưởng tín dụng mới thực sự thúc đẩy kinh tế chứ không phải chỉ để nuôi nợ xấu như hiện tại.

Thứ hai, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế trong trung hạn là đầu tư công. Để tăng trưởng vẫn cần đầu tư công. Trong đâù tư thì đầu tư của khu vực tư nhân là quan trọng, đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng là cần thiết. Chúng ta không muốn đầu tư Nhà nước chèn ép đầu tư tư nhân nhưng cũng không muốn không đầu tư bởi sẽ gây ách tắc về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên hiện nay rào cản là Nhà nước không vay được nữa do trần nợ công, và không vay được nữa thì sẽ không đầu tư được nữa và nguy hiểm hơn là nếu không có cải cách thể chế sâu rộng để nâng cao hiệu quả thì động lực của tăng trưởng là mở van đầu tư công lại là vấn đề đầu tư tràn lan, dàn trải, nợ công bị siết nhưng cứ mở ra là lại không phanh lại được. Căn bệnh về hiệu quả đầu tư không giải quyết được thì không giải quyết được bài toán tăng trưởng bền vững. Trước mắt trong ngắn hạn không thể tăng nợ công, chỉ tăng được nợ công nếu chúng ta tập trung vào vấn đề cải thiện hiệu quả trước.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê:

“Tình hình kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc với tốc độ tăng sản phẩm trong nước GDP 6 tháng đầu năm 2017 tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,7%, tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt trên 7,4%, điều này là rất khó khăn và trong lịch sử số liệu chưa có 6 tháng cuối năm nào Việt Nam có mức tăng cao như vậy. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có nhiều cơ hội và thuận lợi để phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đã định. Hiện nông nghiệp đang làm rất tốt việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi. Tuy sản lượng lúa giảm nhưng đã thay đổi cơ cấu lúa chất lượng cao, thay đổi cây trồng có giá trị tốt hơn nên ngành nông nghiệp chúng tôi tin là đảm bảo được kịch bản tăng trưởng 3,05%. Công nghiệp chế biến chế tạo cũng có rất nhiều khởi sắc. Cộng đồng DN thành lập sau 1 năm đã đi vào sản xuất, chứng tỏ sự nuôi dưỡng, tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ rất tốt. Kể cả số DN thành lập cũng như số vốn của DN đang hoạt động trong nền kinh tế rất lớn. Đây là cơ sở để chúng ta tin bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm có thể đạt kế hoạch”.

Ông Andy Ho, CEO, Tập đoàn VinaCapital:

"Việt Nam là thị trường quan trọng đối với Tập đoàn VinaCapital. Đây cũng là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm không chỉ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà còn cả đầu tư gián tiếp nước ngoài, do có nhiều nhân tố tích cực như sự phát triển mạnh của các DN FDI như Samsung, Intel, tăng trưởng hàng năm ổn định, có vị trí địa lý chiến lược với hơn 3.000 km đường bờ biển kéo dài thuận tiện cho việc giao thương… Đây chính là mấu chốt giúp Việt Nam thu hút đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề nhân sự trung và cao cấp ở Việt Nam khiến hầu hết các tập đoàn ngại ngần khi đầu tư vào Việt Nam. Mỗi khi đầu tư chúng tôi phải bê nguyên cả bộ máy lãnh đạo vào vì không có đủ nhân lực và nếu Việt Nam không cải thiện để bù đắp nguồn nhân lực thì sẽ hạn chế đầu tư. Bên cạnh đó, để duy trì cạnh tranh, Việt Nam cần phải phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhiều nhưng tốc độ triển khai còn chậm, trong khi các nhà đầu tư luôn nhìn vào cơ sở hạ tầng để quyết định. Phát triển hạ tầng nhanh bao nhiêu thì dự án đầu tư vào nhiều bấy nhiêu, vì thế phải đẩy nhanh hơn để tương xứng với mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đề ra”.

TS. LS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM:

“Nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 và tháng 5/2017 vừa qua, mục tiêu phấn đấu giảm thêm lãi suất cho vay tiếp tục được đặt ra, theo đó Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Rõ ràng với tăng trưởng GDP quý I ở mức quá thấp, thì áp lực tăng trưởng sẽ đè nặng lên các quý còn lại. Trong bối cảnh chính sách tài khóa đang bị hạn chế, chính sách tiền tệ có thể cần phải tiếp tục được nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng là điều cần thiết. Theo đó các ngân hàng phải phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong điều kiện lãi suất ổn định. Có như thế mới kích thích được DN vay vốn, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay vẫn còn cao hơn một ít so với các nước trong khu vực”.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khong-co-tang-truong-ben-vung-neu-khong-giai-quyet-duoc-hieu-qua-dau-tu-25227.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/