Khai thác bitcoin không tiêu tốn năng lượng như nhiều người chỉ trích?

Trong các kết quả nghiên cứu mới đây, các chuyên gia cho biết hoạt động khai thác bitcoin ước tính chỉ chiếm 0,9% lượng khí thải carbon toàn cầu vào năm 2030.

New York Digital Investment Group (NYDIG) ước tính, hoạt động khai thác bitcoin sẽ không chiếm hơn 0,4% lượng điện tiêu thụ toàn cầu trong thập kỷ tới, theo Cointelegraph.

Chính xác thì một nghiên cứu mới từ cơ quan này đã dự đoán rằng mức tiêu thụ năng lượng của bitcoin sẽ chỉ duy trì ở mức dưới 0,5% tổng số toàn cầu từ nay cho đến năm 2030.

NYDIG đã xuất bản tài liệu nghiên cứu “Bitcoin Net Zero” vào tháng 9 này, chỉ ra rằng mức tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải carbon của bitcoin sẽ không tăng vọt trong những năm tới, ngay cả khi giá của đồng tiền kỹ thuật số này tiếp tục tăng.

Khai thác bitcoin không ảnh hưởng xấu đến môi trường? - Ảnh 1.

Hoạt động khai thác bitcoin không tốn quá nhiều điện năng như chúng ta vẫn tưởng (Nguồn: Bitcoin Press)

Nghiên cứu do đối tác của Castle Island Ventures là Nic Carter và người sáng lập NYDIG Ross Stevens thực hiện, thảo luận về mức độ phát thải carbon có thể thay đổi như thế nào trong tương lai tùy thuộc vào sự biến động về giá, độ khó khai thác và mức tiêu thụ năng lượng. 

Triển vọng tích cực nhất của nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng phát thải của bitcoin sẽ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng khí thải toàn cầu ngay cả khi giá bitcoin tăng cao vào năm 2030.

Nghiên cứu kết luận: “Ngay cả trong kịch bản lý tưởng nhất, bitcoin đạt mức giá cao nhất mà chúng tôi có thể dự đoán là 10 nghìn tỷ USD vào năm 2030, lượng khí thải của hoạt động khai thác nó cũng chỉ chiếm 0,9% tổng lượng phát thải của thế giới và năng lượng tiêu hao của nó chỉ là 0,4% tổng lượng toàn cầu”.

Báo cáo dự đoán sự tăng trưởng trong tương lai của hoạt động khai thác bitcoin dựa trên dữ liệu từ năm 2020. Các nhà nghiên cứu đã tính toán mức tiêu thụ điện lịch sử của những thợ đào bitcoin như một hàm của tỷ lệ băm và hiệu suất máy.

Tính theo dữ liệu năm 2020, các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng bitcoin tiêu thụ 62 terawatt-giờ (TWh) điện và tạo ra 33 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2), chỉ chiếm 0,04% mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu và 0,1% lượng khí thải carbon toàn cầu. Ho khẳng định chất thải carbon liên quan đến khai thác bitcoin là "không đáng kể khi so sánh với tổng thể" trong năm 2020.

Hiện tại, khai thác bitcoin sử dụng trung bình 101 TWh mỗi năm, tương đương 0,45% điện năng toàn cầu. Theo nghiên cứu khác của Đại học Cambridge trước đây thì mạng bitcoin tiêu thụ nhiều năng lượng hơn toàn bộ người dân của đất nước Philippines. 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu của trường đại học cũng phát hiện ra rằng bitcoin tiêu thụ ít điện hơn tất cả các tủ lạnh ở Mỹ cộng lại và chỉ chiếm 4,6% tổng lượng điện được sử dụng cho điều hòa không khí dân dụng trên toàn thế giới.

Báo cáo cũng kết luận rằng triển vọng khai thác bitcoin "khử cacbon" trong tương lai cho thấy một hứa hẹn đáng kể: “Về lâu dài, cường độ phát thải carbon của bitcoin (và cùng với đó là lượng phát thải carbon tuyệt đối của bitcoin) sẽ giảm xuống, khi sự phát triển của năng lượng tái tạo tiếp tục tăng lên và các quốc gia cũng sẽ cố gắng khử carbon trong lưới điện của họ”.

Vấn đề tiêu thụ điện năng và lượng phát thải của bitcoin đã và đang gây tranh cãi trên khắp thế giới. Với những người ủng hộ thì bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số đáng để đầu tư, có nhiều triển vọng và bảo vệ mọi người khỏi lạm phát. Năng lượng mà các máy đào bitcoin tiêu thụ là “không đáng kể”. Ngược lại, nhiều người cho rằng hoạt động khai thác bitcoin đang tàn phá môi trường.

Hồi đầu năm nay, CEO của hãng xe điện Tesla Elon Musk đã tuyên bố công ty sẽ sớm chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Tuyên bố đó được cho là đã thúc đẩy giá bitcoin tăng mạnh. Tuy nhiên, một thời gian sau, Musk đã bất ngờ hoãn chấp nhận bitcoin và quay sang chỉ trích vì tài sản kỹ thuật số này không bảo vệ môi trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khai-thac-bitcoin-khong-tieu-ton-nang-luong-nhu-nhieu-nguoi-chi-trich-20210922213654726.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/