Khác với Fed, việc thận trọng bơm tiền đã khiến Việt Nam có nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát

Theo chuyên gia, Việt Nam đã không bơm quá nhiều tiền, trong suốt năm 2020-2021 trong khi Fed bơm rất nhiều ra nền kinh tế. Chính câu chuyện thận trọng này khiến Việt Nam có nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát, còn Fed đang phải gánh chịu rủi ro về lạm phát.

Việt Nam có nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát 

Chia sẻ tại talkshow "Suy thoái kinh tế toàn cầu và thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất của Fed", chuyên gia Phan Lê Thành Long cho biết tháng 9 được dự báo là một tháng vô cùng khó khăn cho vĩ mô và thị trường chứng khoán và thực tế thời điểm này đang xảy ra rồi. Tuy nhiên, cũng cần nhìn về năng lực của hệ thống ngân hàng và sự kiểm soát củaNgân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô.

Nhìn toàn cảnh, Việt Nam không bơm quá nhiều tiền, trong suốt năm 2020-2021, Việt Nam rất thận trọng trong khi Fed bơm rất nhiều tiền ra nền kinh tế.

Chính câu chuyện thận trọng này khiến Việt Nam có nhiều dư địa để kiểm soát lạm phát, còn Fed đang phải gánh chịu rủi ro về lạm phát. Chuyên gia cho rằng câu chuyện Fed tăng lãi suất không còn tác động nhiều vì đã được phản ảnh trước đó.

Đồng quan điểm, Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cho rằng cấu trúc nền kinh tế và hệ thống ngân hàng của Việt Nam hoàn toàn khác nên không thể máy móc là thế giới bơm tiền, Việt Nam cũng phải bơm tiền. Thế giới tăng lãi suất, Việt Nam cũng phải tăng lãi suất, đây chỉ là lý thuyết. Mỗi quốc gia khi hành xử phải dựa vào số liệu kinh tế cũng như khả năng chịu đựng của người dân.

Bởi nếu chúng ta chỉ nhìn nền kinh tế trên GDP và toàn bộ chính sách phục vụ con số này, nhìn tổng thể nền kinh tế có thể sẽ tốt nhưng có những cá nhân “dễ bị tổn thương” bởi lạm phát sẽ cảm thấy bất bình đẳng. Tại Việt Nam, chúng ta đang kiểm soát điều này khá tốt, tốt hơn so với những quốc gia khác.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đánh giá rất cao sự kiểm soát của NHNN trong thời gian vừa qua. Quan điểm ổn định vĩ mô trong ngắn hạn bao giờ cũng là mục tiêu trung tâm, có được điều này thì mới có thể phát triển trong dài hạn. Song, CEO AFA Capital lưu ý việc Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hai yếu tố là lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.

NHNN điều hành chính sách tiền tệ phải dựa theo tín hiệu của thị trường

Tại chương trình "Khớp lệnh 22/9" của VTV Digital, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI), ông Lê Ngọc Nam cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay NHNN điều hành chính sách tiền tệ vẫn phải dựa theo tín hiệu của thị trường.

 Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Tân Việt, ông Lê Ngọc Nam. (Ảnh chụp màn hình).

Vừa qua, CPI Mỹ đã đạt đỉnh 9,1% trong giai đoạn tháng 7, tháng 8 sau đó suy giảm. Giá năng lượng hay lương thực cũng bắt đầu suy giảm trong 3 tháng trở lại đây. Do đó, mỗi lần Fed công bố tăng lãi suất đều dựa trên tín hiệu thị trường mang lại.

Ông Nam cho rằng việc Chủ tịch Fed cho biết Mỹ hoàn toàn có thể tăng lãi suất lên 4,6% nếu mặt bằng lạm phát vẫn cao là để cho thị trường phản ứng thông tin đó một cách công bằng.

"Nếu nói rằng mọi thứ đều tốt, lạm phát đang đi xuống, sẽ làm cho thị trường kỳ vọng không đúng. Cơ bản, các ngân hàng trung ương như Fed hay NHNN Việt Nam một vài năm trở lại đây điều hành kinh tế không xảy ra những cú sốc là do họ luôn để cho thị trường phản ứng với những thông tin như vậy trước," ông Nam cho hay.

Trước mắt, chuyên gia cho rằng tín hiệu về lãi suất vẫn tương đối tốt và có thể thấy được xu hướng giảm của cả lạm phát lõi lẫn lạm phát tổng thể. Đại diện TVSI kỳ vọng những yếu tố chính tác động đến lạm phát sẽ suy giảm như chiến tranh Nga-Ukraine có những chuyển biến tốt hơn khiến giá phân bón, năng lượng ổn định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khac-voi-fed-viec-than-trong-bom-tien-da-khien-viet-nam-co-nhieu-du-dia-de-kiem-soat-lam-phat-202292216821303.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/