Kết quả kinh doanh ngành phân bón phân hoá mạnh

Nhờ hưởng lợi từ giá khí quí III giảm, một số doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi quí III tăng vọt so với cùng kì.

Doanh nghiệp phân bón 'phất' lên trong quí III - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp phân bón 'phất' lên trong quí III nhờ giá khí giảm. (Đồ họa: Đức Bùi).

Hưởng lợi nhờ giá khí giảm

Báo cáo kết quả kinh doanh quí III/2020 của các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đã cho thấy những kết quả không đồng nhất trong bối cảnh dịch bệnh CODIV-19 khiến mọi hoạt động kinh tế chung đều bị đình trệ, suy thoái kinh tế toàn cầu và đặc biệt là giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm, hạn mặn kỉ lục tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Đáng chú ý, với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - Mã: DCM), doanh nghiệp chuyên sản xuất phân Urê ghi nhận mức doanh thu thuần 2.018 tỉ đồng, tăng trưởng đến 36% so với cùng kì và thu về 101 tỉ đồng lãi sau thuế cho cổ đông công ty mẹ, gấp hơn 14 lần giá trị ghi nhận cùng kì năm ngoái.

Theo giải trình của lãnh đạo DCM, mặc dù giá bán Urê thương mại bình quân 9 tháng đầu năm 2020 giảm 12,7% nhưng lãi ròng công ty mẹ tăng nhờ đẩy mạnh xuất khẩu dẫn đến sản lượng bán tăng 35%; bên cạnh đó, một phần nguyên nhân cũng đến từ chi phí khí giảm làm cho giá thành giảm.

Kết quả kinh doanh ngành phân bón phân hoá mạnh - Ảnh 2.

Nguồn: M.H tổng hợp báo cáo tài chính quí III của các doanh nghiệp ngành phân bón.

Bên cạnh DCM, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã: DPM) với dòng sản phẩm chính là Urê và phân NPK, cũng báo lãi lớn gấp 3 lần so với cùng kì, đạt 183 tỉ đồng. Theo sau đó là Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) và Phân lân nung chảy Văn Điển (Mã: VAF).

Theo ghi nhận, chỉ có nhà máy của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ sử dụng khí làm nguyên liệu đầu vào, các nhà máy còn lại sử dụng than làm nguyên liệu chính. Do đó, nhìn chung, việc giá khí giảm trong năm 2020 mang lại lợi ích trực tiếp cho DCM và DPM.

Ở diễn biến khác, CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Mã: DHB) báo lỗ tới 385 tỉ đồng, chìm sâu hơn so với mức lỗ 200 tỉ đồng cùng kì năm ngoái và cũng là mức lỗ lớn nhất trong những năm gần đây.

Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương.

Kết quả thua lỗ nhiều năm, ban lãnh đạo giải thích, do diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than, 2 nguyên liệu đầu vào chính của sản xuất phân đạm là nguyên nhân dẫn đến bất lợi cho nhà máy chạy than như của Đạm Hà Bắc.

Kì vọng lợi kép nhờ chính sách thuế GTGT có hiệu lực

Ngày 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kí ban hành Nghị quyết số 159/NQ-CP quyết nghị thông qua hồ sơ trình Quốc hội về Dự án Nghị quyết của Quốc hội về thuế suất giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng phân bón. 

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán VNDirect, việc thay đổi chính sách thuế GTGT áp dụng cho ngành phân bón sẽ mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất nội địa cắt giảm chi phí và cải thiện tỉ suất lợi nhuận.

Cụ thể, mặt hàng phân bón sẽ được đánh thuế GTGT ở mức 5% thay vì không chịu thuế như hiện tại. Nhờ đó, các doanh nghiệp sản xuất được hoàn thuế GTGT cho chi phí đầu vào, làm giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận.

Theo nhận định của VNDirect, các công ty sản xuất phân Urê có thể hưởng lợi nhiều hơn các công ty nhập khẩu và sản xuất NPK.

Doanh nghiệp phân bón 'phất' lên trong quí III - Ảnh 2.

Nguồn: CTCP Chứng khoán Funan.

Trong khi hơn 50% tổng nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất Urê chịu thuế GTGT, phần lớn nguyên liệu sản xuất NPK là các loại phân đơn hiện đang được miễn thuế. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất Urê sẽ được khấu trừ thuế cao hơn.

Các nhà sản xuất Urê như DPM và DCM hiện đang chịu thuế GTGT đầu vào 10% cho khí tự nhiên, điện, chất phụ gia,… Trong khi đó, các nhà sản xuất phân lân như LAS và VAF sử dụng nguyên liệu chính như quặng apatit,… chịu thuế đầu vào 5% nên sẽ được khấu trừ thuế thấp hơn, về mặt giá trị tuyệt đối.

Theo Bộ Tài chính, việc qui định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% khi áp dụng ở tất cả các khâu: nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ sẽ tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu cùng loại.

Về dài hạn, theo nhận định của CTCP Chứng khoán Funan, ngành tiếp tục đối mặt với các khó khăn: suy giảm diện tích gieo trồng khiến tổng cầu không gia tăng, thời tiết thất thường kéo theo nhu cầu biến động, đồng thời tình trạng cung vượt cầu được dự báo bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ket-qua-kinh-doanh-nganh-phan-bon-phan-hoa-manh-20201103151531982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/