Ít ai biết tới một thẻ tín dụng có thể phải 'gánh' gần 10 loại phí

Mặc dù sử dụng thẻ tín dụng nhiều năm nhưng không nhiều người biết đến rõ ràng cụ thể cách tính loại phí, lãi suất của loại thẻ này. Điều này dẫn tới nhiều lúc khách hàng phải chịu những chi phí "oan uổng" khi thanh toán thẻ.

Ít ai biết tới một thẻ tín dụng có thể phải gánh gần 10 loại phí - Ảnh 1.

Thẻ tín dụng với những ưu điểm và tiện ích nổi trội đang ngày càng được các ngân hàng tập trung phát triển. Với việc đơn giản hóa các thủ tục phát hành thẻ tín dụng, thì việc nhiều khách hàng đôi khi bỏ qua không để ý đến những quy định rất chặt chẽ trong hợp đồng phát hành thẻ là điều có thể thông cảm.

Vụ việc khách hàng kêu "choáng ngợp" khi phải chịu mức lãi suất lên đến 640%/năm khi sử dụng thẻ tín dụng của HSBC là một trong những trường hợp điển hình về vấn đề này.

Do đó, để tối đa hóa những lợi ích tránh những phiền phức gây bực mình có thể xảy ra trong quá trình sử dụng, khách hàng cần hiểu rõ những loại phí, lãi suất mà người sử dụng thẻ tín dụng đang phải gánh chịu.

Một thẻ tín dụng có thể gánh gần 10 loại phí

Ít ai biết được rằng, hiện nay đang có khoảng 10 loại phí có thể được áp dụng đối với khách hàng khi dùng thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ không đúng cách, thiếu kiểm soát và không nắm rõ nguyên tắc dịch vụ của loại hình thẻ ngân hàng này có thể khiến nhiều người phải chi trả số tiền phí thẻ tín dụng khá lớn mỗi tháng.

Lãi suất thẻ tín dụng là bao nhiêu?

Điểm đáng lưu ý nhất đối với chủ thẻ tín dụng là lãi suất bởi vì đây là khoản chi phí quan trọng nhất mà chủ thẻ cần bỏ ra khi sử dụng thẻ tín dụng. Mỗi ngân hàng thường quy định mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho thẻ tín dụng, tuy nhiên hầu hết mức lãi suất thẻ tín dụng hiện nay đều rất cao, dao động từ 24%/năm đến 30%/năm (đối với thẻ tín chấp).

Một điểm nhân viên ngân hàng nào cũng nhắc tới khi sử dụng thẻ tín dụng là miễn lãi tối đa trong 45 ngày. Thông thường, khách hàng sẽ có 15 ngày để thanh toán sau ngày chốt hoá đơn (bill) hàng tháng. Thời gian sử dụng không bị tính lãi ở đây không phải lúc nào cũng là 45 ngày mà là từ 15 ngày đến 45 ngày.

Nếu khách hàng không thanh toán hết (100%) dư nợ trên hoá đơn hàng tháng nhận được trước kì hạn đã được thông báo thì phải chịu lãi suất. Điểm khách hàng cần đặc biệt chú ý là lãi suất này tại nhiều ngân hàng đều tính trên toàn bộ dư nợ tại thời điểm chốt thanh toán. Do vậy, nếu chủ thẻ chỉ thanh toán một phần thì phải chuẩn bị tinh thần để phải chịu lãi cho số dư nợ khách hàng đã chi tiêu.

Phí chậm thanh toán

Trong rất nhiều các loại phí mà chủ thẻ phải chịu, thì phí chậm thanh toán luôn là nỗi bức xúc của khách hàng khi số tiền thanh toán phí nhiều khi lớn hơn nhiều lần số nợ chậm thanh toán. Như ta đã biết nguyên tắc của thẻ tín dụng là vay nợ sử dụng trước và trả sau. Nếu khoản nợ được trả trước thời hạn cuối ngân hàng cho phép, chủ thẻ sẽ không phải chi trả lãi suất phát sinh.

Tuy vậy, nếu trả nợ muộn, chủ thẻ không chỉ phải chi trả cho khoản lãi suất mà còn phải trả thêm khoản nợ thanh toán kèm theo. Mức phí chậm thanh toán trung bình được quy định là 4% phí giao dịch (tối thiểu từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, tùy ngân hàng). Đây thực sự là vấn đề khách hàng phải lưu ý vì với các quy định ràng buộc, nếu khách hàng chỉ chậm trả số tiền rất nhỏ là 100 đồng, cũng có thể bị phạt với mức phí rất cao như kể trên.

Vì vậy, luôn đảm bảo chi trả đúng kỳ hạn, ít nhất là thanh toán được một phần tiền nợ ngân hàng yêu cầu và thanh khoản khoản dự nợ còn lại sớm nhất có thể là những lời khuyên hữu ích dành cho các chủ thẻ.

Phí rút tiền mặt

Với loại phí rút tiền mặt, thông thường khách hàng có thể rút tối đa 70% hạn mức tín dụng của thẻ. Tuy vậy,  mức phí rút tiền mặt lại khá cao, từ 2% đến 4% số tiền rút (tối thiểu từ 50 nghìn đồng). 

Đặc biệt, nếu chi trả muộn người sử dụng thẻ sẽ phải gánh một lúc các khoản tiền nợ, tiền lãi, tiền phạt trả muộn, tiền phí rút tiền mặt, khiến khoản nợ tăng lên đáng kể. Hầu hết các ngân hàng đều khuyên chủ thẻ không rút tiền mặt khi dùng thẻ, trừ những trường hợp cần thiết.

Phí vượt hạn mức tín dụng

Một trong những loại phí mà chủ thẻ cũng thường xuyên phải thanh toán là phí vượt hạn mức tín dụng. Việc sử dụng vượt quá hạn mức tín dụng vẫn có thể xảy ra và được ngân hàng cho phép. Tuy vậy, chủ thẻ phải chi trả thêm khoản phí vượt hạn mức tín dụng dựa trên số tiền vượt hạn mức. 

Mỗi ngân hàng sẽ quy định mức phí vượt hạn mức tín dụng khác nhau. Chủ thẻ trong trường hợp này cũng cần phải biết mức phí ngân hàng áp dụng để tránh những chi phí không cần thiết.

Phí giao dịch quốc tế

Đây là loại phí mà thường xuyên phát sinh khi dùng để thanh toán bằng ngoại tệ. Khi sử dụng thẻ tín dụng tại nước ngoài để thanh toán, rút tiền mặt… thì chủ thẻ phải chi trả thêm khoản phí giao dịch quốc tế. 

Mức phí giao dịch, chuyển đổi ngoại tệ này được các ngân hàng tính % trên tổng số tiền sử dụng. Hiện nay, HSBC lấy 4% phí dịch vụ khi giao dịch quốc tế, các loại thẻ cao cấp hơn thì được giảm bớt mức phí xuống còn 2,75% đến 3%. 

Đây là một trong những loại phí có chi phí sử dụng cao mà chủ thẻ cần phải nắm rõ khi bắt đầu ký hợp đồng phát hành thẻ.

Phí khác

Ngoài các loại phí trên, sử dụng thẻ tín dụng, tùy theo nhu cầu khác nhau, khách hàng có thể chịu thêm một loạt các phí khác như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí nâng hạng thẻ, phí cấp bản sao kê theo yêu cầu, phí cấp lại mã PIN, phí phát hành thẻ thay thế thẻ hết hạn, phí xác nhận thông tin thẻ theo yêu cầu, phí thay đổi hạn mức tín dụng thẻ, phí thay đổi tài sản đảm bảo,… 

Các loại phí này thường cố định, ít gây ra việc không kiểm soát như các loại phí đã được nêu ở trên.

Thẻ tín dụng có những ưu điểm gì?

Mặc dù gánh nhiều chi phí và nhưng cũng không thể phủ nhận được tính khả dụng và tiện lợi của thẻ tín dụng. Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển thúc đẩy hình thức thanh toán bằng thẻ. Các địa điểm chấp nhận thanh toán thẻ ngày càng được mở rộng từ các trung tâm thương mại, siêu thị đến các cửa hàng nhỏ giúp cho việc thanh toán này ngày càng trở nên phổ biến.

Trong những năm gần đây, điều kiện mở và phát hành thẻ tín dụng ngày càng được đơn giản hóa. Chỉ với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, khách hàng đã hoàn toàn có thể sở hữu cho mình một chiếc thẻ tín dụng với nhiều ưu điểm. 

Hoặc đơn giản, bạn chỉ cần đang sở hữu một thẻ tín dụng của ngân hàng A phát hành thì ngân hàng B cũng sẵn sàng cấp tiếp cho bạn một thẻ tín dụng với hạn mức tín dụng tương đương. Việc các ngân hàng gia tăng và mở rộng thị phần thẻ là điều dễ hiểu vì đây thực sự là mảnh đất mầu mỡ khi nó vừa giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng (có biên lợi nhuận rất cao), vừa có các nguồn thu phí dịch vụ ổn định. 

Trên thực tế, nhiều khách hàng chỉ có nhu cầu sử dụng một thẻ tín dụng, tuy nhiên lại được nhân viên nhiều ngân hàng khác đến tận nơi tư vấn mở mới thẻ. Với nhiều khách hàng, tâm lý "chỉ được, chả mất gì" sẽ khiến họ đồng ý mở tiếp thẻ tín dụng để được nhận ngay các ưu đãi như hoàn tiền chi tiêu trong kì đầu tiên, được tặng vali, được miễn phí thường niên trong năm đầu tiên ...

Điểm nổi trội đầu tiên và hấp dẫn nhất với khách hàng khi sử dụng thẻ tín dụng là "tiêu trước trả sau" và được miễn lãi tối đa 45 ngày từ khi phát sinh giao dịch mua sắm, thanh toán hàng hóa. 

Ưu đãi trên đặc biệt được ưa thích bởi nhóm khách hàng trẻ khi có nhu cầu mua sắm, thanh toán rất cao nhưng thường không có sẵn tiền mặt hay không đủ tiền trong tài khoản để mua hoặc thói quen thanh toán điện tử. 

Bên cạnh đó, chủ thẻ cũng có thể rút tiền mặt bằng thẻ tín dụng và xem đây như một khoản vay tức thì trong các tình huống khẩn cấp như trả viện phí, đóng tiền học… 

Một ưu điểm khác của thẻ tín dụng được các ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng chính là tính năng an toàn. Nếu bị mất thẻ tín dụng chưa chắc chủ thẻ đã mất tiền nếu báo khóa thẻ ngay sau khi phát hiện bị mất, nhưng tiền mặt không thể tự bảo vệ nó được. 

Ngoài ra, để khuyến khích chủ thẻ sử dụng nhiều hơn, hiện nay các ngân hàng đều có chương trình gia tăng giá trị cộng thêm khi khách hàng sử dụng thẻ với nhiều chương trình và hình thức như tích điểm hoàn tiền, đổi đồ gia dụng, điện thoại di động,  giảm giá mua sắm tại các trung tâm liên kết ...

Cân đối giữa những lợi ích và rủi ro không mong muốn gặp phải, chủ thẻ sẽ phải là người ra quyết định cho mình. Nếu sợ không thể kiểm soát những gì đã chi tiêu khi trả bằng thẻ thì tốt nhất không nên sử dụng để tránh những phiền phức gây ra. Ngược lại, nếu tự tin là người tiêu dùng thông thái thì thẻ tín dụng sẽ là lựa chọn hàng đầu của bạn.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/it-ai-biet-toi-trung-binh-mot-the-tin-dung-ganh-gan-10-loai-phi-20190523081021923.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/