Indonesia đẩy mạnh giảm chi phí nuôi cá tra, áp lực đối với cá tra Việt Nam ngày một lớn

Ông Slamet Soebjakto, giám đốc phụ trách mảng thủy sản của Bộ Thủy Hải sản, cho biết kinh phí cho dự án giảm chi phí sản xuất cá tra là 257.000 USD, với mục đích đẩy mạnh sản lượng hàng này của Indonesia.

Nuôi cá tra từ cỏ lên men và bã cọ

Theo trang Antara News, Bộ Thủy Hải sản Indonesia và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) sẽ hợp tác để phát triển mô hình nuôi cá tra với chi phí thấp sau khi thử nghiệm thành công ở miền nam Sumatra.

Theo đó, Bộ Thủy Hải sản Indonesia và FAO sẽ hợp tác để đào tạo người dân chủ động sản xuất thức ăn cho cá tra với giá thành thấp trong khi chất lượng lại cao. 

Ông Slamet Soebjakto, giám đốc phụ trách mảng thủy sản của Bộ Thủy Hải sản cho biết kinh phí cho dự án này là 257.000 USD, với mục đích đẩy mạnh sản lượng cá tra của Indonesia.

Indonesia đẩy mạnh giảm chi phí nuôi cá tra, áp lực đối với cá tra Việt Nam ngày một lớn - Ảnh 1.

Ông Slamet Soebjakto, giám đốc phụ trách mảng thủy sản của Bộ Thủy Hải sản. Ảnh: Antara News

“Tôi tin rằng với việc người dân tự chủ động thức ăn chăn nuôi với giá thành thấp sẽ góp phần đẩy mạnh sản lượng cá tra của Indonesia một cách hiệu quả”, ông Slamet Soebjakto nói.

Bằng việc tăng năng suất, ông Soebjakto kì vọng rằng Indonesia sẽ sớm xuất khẩu cá tra sang các thị trường Trung Đông, châu Á, châu Âu và Mỹ.

Ông Soebjakto chia sẻ thêm người nông dân sẽ sản xuất thức ăn cho cá bằng cách kết hợp các nguyên liệu là cỏ ủ tươi và bã cọ với chất lượng tương đương với các sản phẩm do nhà máy sản xuất.

Sau kết quả tích cực từ mô hình thử nghiệm tại miền Nam Sumatra, Bộ Thủy Hải sản Indonesia mong muốn FAO tiếp tục hỗ trợ người dân nuôi cá tra trên toàn quốc.

“Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi cá tra chi phí thấp trên toàn quốc. Chúng tôi cũng kì vọng FAO tiếp tục hỗ trợ ngành công nghiệp thủy sản Indonesia, nhất là vấn đề cung cấp những giải pháp để đối phó với những khó khăn trong tương lai”, ông Slamet Soebjakto cho hay.

Ngoài ra, ông Slamet Soebjakto kêu gọi chính quyền địa phương hỗ trợ tài chính cho người nuôi cá tra bằng việc trợ cấp ít nhất 10% chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Indonesia hướng mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, áp lực cạnh tranh đối với Việt Nam ngày một lớn

Ngoài ra, theo trang Seafood Source, Bộ Thủy Hải sản Indonesia đang khuyến khích người dân nuôi giảm chi phí và tăng lợi nhuận nuôi cá tra. 

Ông Soebjakto cho biết thức ăn chiếm 70% chi phí nuôi cá tra và việc tự chủ động nguồn cung thức ăn có thể giảm chi phí sản xuất khoảng 30%.

Việt Nam, quốc gia sản xuất cá tra lớn nhất thế giới, đang theo dõi động thái từ Indonesia và các đối thủ khác trên thị trường xuất khẩu. 

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, sản lượng cá tra cả nước đạt 1,5 triệu tấn trong 2019. Trong khi đó, một số nước như Ấn Độ cũng đã có sản lượng khoảng 650.000 tấn, Bangladesh 450.000 tấn.

Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam.

Sản phẩm cá tra của các nước này đã tham gia vào thị trường xuất khẩu, mặc dù hiện đang chiếm thị phần nhỏ nhưng việc các quốc gia này đầu tư tăng sản lượng nuôi sẽ là yếu tố cạnh tranh quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Hiện tại, phần lớn sản lượng cá tra của Indonesia được tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á đang hướng tới việc xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Đông.

Hiệp hội Cá da trơn Indonesia đang kết hợp với Bộ Thủy Hải sản và tổ chức SMART-Fish Indonesia đã phát động chương trình “Cá tra Indonesia: Sự lựa chọn hoàn hảo” tại triển lãm SEAFEX 2018 diễn ra tại Dubai. Nước này cũng giới thiệu sản phẩm cá tra tại triển lãm he Indonesian Expo 2018 và 2019 Hajj and Umrah diễn ra tại Arab Saudi.

Trong tháng 5/2019, Indonesia xuất khẩu thành công 3 container cá tra đầu tiên sang thị trường  Arab Saudi. Trong năm 2018, sản lượng cá tra của nước này tăng 22,2% so với năm 2017 lên 391.151 tấn, theo số liệu của Hiệp hội Cá da trơn Indonesia.

Đối với Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ngành cá tra vẫn còn một số điểm chưa yên tâm, đó là một số khâu còn yếu, liên kết chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, tính cạnh tranh chưa cao.

"Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra là Ngành cá tra phải thay đổi theo hướng tích cực cải thiện từ nuôi, chế biến, xuất khẩu, và tổ chức sản xuất, chế biến gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường", Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Việt Nam nhận định.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/indonesia-day-manh-giam-chi-phi-nuoi-ca-tra-ap-luc-doi-voi-ca-tra-viet-nam-ngay-mot-lon-20200108171508522.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/