IEA có thể 'bơm' thêm dầu cho thị trường nếu cần thiết

Phát biểu tại cuộc họp về năng lượng diễn ra theo hình thức trực tuyến ở thủ đô Rabat của Morocco, ông Birol nêu rõ: "Mỗi nhà sản xuất dầu mỏ có trách nhiệm bơm thêm dầu ra thị trường".

IEA có thể 'bơm' thêm dầu cho thị trường nếu cần thiết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol ngày 14/3 kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng khai thác để bình ổn thị trường đang chịu tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine và IEA sẽ "xả" thêm dầu từ các kho dự trữ nếu tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Phát biểu tại cuộc họp về năng lượng diễn ra theo hình thức trực tuyến ở thủ đô Rabat của Morocco, ông Birol nêu rõ: "Mỗi nhà sản xuất dầu mỏ có trách nhiệm bơm thêm dầu ra thị trường".

Hồi đầu tháng này, các thành viên IEA nhất trí "xả" 62 triệu thùng dầu dự trữ để đối phó với tình trạng gián đoạn nguồn cung. Ông Birol cho biết đây là phản ứng ban đầu và con số này chỉ chiếm 4% kho dự trữ của IEA. Theo ông, IEA có thể "bơm" thêm dầu cho các thị trường nếu cần thiết.

Giá dầu thế giới tăng cao sau khi Nga, nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới, tiến hành chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine, kéo theo việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, làm dấy lên nguy cơ nguồn cung dầu mỏ toàn cầu bị gián đoạn.

Việc Nga và Ukraine tiến hành vòng đàm phán hòa bình trực tuyến là một trong những yếu tố khiến giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm nhẹ trong phiên 14/3. Cụ thể, giá dầu WTI đã giảm gần 5,1% xuống 103,8 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 4% xuống 108,13 USD/thùng.

Theo nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank Carsten Fritsch, giá dầu thế giới đang giảm nhờ những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán diễn ra vào cuối tuần qua giữa các đại diện của Nga và Ukraine, làm tăng hy vọng về tái lập quan hệ giữa hai nước.

Ngoài ra, các lệnh phong tỏa mà Trung Quốc áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở một số thành phố có thể cũng góp phần làm giảm nhu cầu về dầu mỏ.

Trước đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, ngày 2/3 đã nhất trí giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng dầu ở mức 400.000 thùng/tháng vào tháng Tư tới, dù giá dầu tăng kỷ lục.

Các bộ trưởng của 23 nước thuộc OPEC+ chung quan điểm giữ nguyên chiến lược khai thác dầu hiện nay trong cuộc họp trực tuyến kéo dài khoảng 15 phút. Quyết định này được đưa ra dựa trên khuyến nghị của một ủy ban giám sát.

Theo báo cáo của OPEC, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, các thành viên đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, con số trên thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ nỗ lực hướng tới kể từ tháng 8/2021, khi OPEC+ bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch COVID-19.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/iea-co-the-bom-them-dau-cho-thi-truong-neu-can-thiet-20220314221205954.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/