|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Huy động vốn từ trái phiếu quốc tế, khó hay dễ?

13:10 | 05/05/2017
Chia sẻ
Huy động vốn từ trái phiếu quốc tế đang là mối quan tâm của một số doanh nghiệp lớn và ngân hàng trong thời gian vừa qua. Nhưng việc phát hành trái phiếu quốc tế liệu có dễ dàng?
huy dong von tu trai phieu quoc te kho hay de
Trái phiếu quốc tế - Một hình thức huy động vốn tiềm năng của các doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ)

Hiện nay, thu hút vốn từ thị trường thế giới là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước bị thu hẹp. Chính phủ có chủ trương tạm dừng phê duyệt cấp bảo lãnh cho các dự án mới để đảm bảo an toàn nợ công năm 2017.

Đồng thời, chi phí huy động vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước và nước ngoài dự kiến tăng cao. Lý do là các ngân hàng đang phải đứng trước áp lưc tuân thủ theo chuẩn Basel II (tại Việt Nam) và Basel III (ở nước ngoài).

Nguồn vốn quốc tế từ phát hành trái phiếu được xác định là dồi dào và có giá "rẻ" hơn nhiều so với vốn trong nước. Tuy nhiên, khi sử dụng nguồn vốn này tổ chức phát hành không những phải chịu áp lực về dùng vốn có hiệu quả, mà còn phải gánh thêm rủi ro về tỷ giá. Đây vừa là thách thức và cũng vừa là cơ hội đối với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước.

Nhìn lại việc huy động vốn quốc tế tại Việt Nam trong thời gian qua còn nhiều hạn chế và việc phát hành trái phiếu quốc tế thật sự không dễ.

Chính phủ thực hiện được ba đợt phát hành trái phiếu quốc tế trong hơn 10 năm

huy dong von tu trai phieu quoc te kho hay de
Chi tiết thông tin ba đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ (Nguồn: Tổng hợp từ Bộ tài chính)

Năm 2005, Việt Nam lần đầu tham gia thị trường trái phiếu quốc tế với đợt phát hành 750 triệu USD kỳ hạn 10 năm của Chính phủ. Đây là đợt phát hành này đã nhận được sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư có uy tín trên thị trường tài chính thế giới. Giá trị đặt mua đều đã lên tới con số 4,5 tỷ USD, gấp 6 lần mức phát hành.

Đầu năm 2010, Chính phủ phát hành tiếp 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế kỳ hạn 10 năm. Sau đó vào năm 2014, Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện đợt hoán đổi trái phiếu bằng tiền mặt kết hợp với phát hành trái phiếu mới. Lần này, khối lượng đặt mua đạt mức kỷ lục 10 tỷ USD từ 450 nhà đầu tư, gấp 10 lần khối lượng công bố phát hành.

Đó là các tín hiệu đáng mừng thể hiện triển vọng lớn cho trái phiếu Việt Nam. Tuy nhiên tính năm 2015, tổng giá trị trái phiếu phát hành bằng ngoại tệ ra nước ngoài chỉ chiếm 0,98% GDP. Với giá trị này, Việt Nam là nước có giá trị trái phiếu phát hành thấp nhất Đông Nam Á năm 2015.

Doanh nghiệp Việt nào đã phát hành trái phiếu ra nước ngoài?

Nối tiếp thành công của Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, một số doanh nghiệp cũng đã thực hiện thành công như VietinBank, Vingroup và Hoàng Anh Gia Lai.

Năm 2011, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là doanh nghiệp đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế với giá trị 90 triệu USD, niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapour (SGX). Trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,87%/năm và được tổ chức tài chính Credit Suisse đứng ra bảo lãnh.

Tuy nhiên tháng 8/2012, HAGL đã quyết định dừng huy động khi thực hiện huỷ niêm yết với lý do số lượng trái chủ không nhiều và có ít giao dịch được thực hiện. Để có được sự chấp thuận của trái chủ, HAGL đã phải chi 15 triệu USD mua lại trái phiếu từ Credit Suisse, thay vì sau 3 năm trái chủ mới bán dần trái phiếu cho HAG theo kế hoạch ban đầu.

Giữa năm 2012, VietinBank đã phát hành thành công 250 triệu USD trái phiếu có kỳ hạn 5 năm (từ 17/5/2012 - 17/5/2017) ra thị trường quốc tế với mức lãi suất cố định 8%/năm. Đây được xem là ngân hàng đầu tiên huy động vốn thành công từ phát hành trái phiếu quốc tế.

Cũng thời gian này, Vingroup đã thực hiện phát hành 300 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với thời hạn 5 năm.

huy dong von tu trai phieu quoc te kho hay de
Lợi suất trái phiếu chính phủ và VietinBank trên thị trường quốc tế năm 2016

Việc rút niêm yết của trái phiếu HAG đã khiến trái phiếu Việt Nam bị "mất điểm" trên sàn ngoại. Fitch Ratings và Standard & Poor's (S&P) đã hạ bậc tín nhiệm của HAG xuống mức “tiêu cực”.

Trong khi đó, đến ngày 16/3/2016, VIC đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ số trái phiếu này thành cổ phần của VIC và huỷ bỏ niêm yết. Hiện tại, chỉ còn duy nhất trái phiếu của VietinBank còn giao dịch trên SGX.

Gần đây nhất vào tháng 12/2016, Tập đoàn Masan thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế với tổng giá trị tối đa 300 triệu USD. Đây là loai trái phiếu không chuyển đổi, có hoặc không có tài sản bảo đảm và được ưu tiên thanh toán. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư là ngân hàng chưa đại chúng.

Thách thức nào cho tổ chức phát hành trái phiếu quốc tế?

Doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế và thách thức làm cản trở việc huy động vốn từ nước ngoài. Trong đó phải kể đến một số hạn chế như chưa quen thuộc với các thủ tục xếp hạng tín nhiệm quốc tế; hạn chế về năng lực tài chính, kiểm toán và minh bạch hóa thông tin thị trường; thiếu hiểu biết về khẩu vị đầu tư nhà đầu tư quốc tế để có thể xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường vốn quốc tế một cách tối ưu nhất.

Ngoài ra, để có thể phát hành trái phiếu quốc tế doanh nghiệp không những phải tuân thủ cả quy định trong nước mà còn những điều kiện phát hành tương đối khắt khe của quốc tế.

Diệp Bình