HoREA: Hưng Thịnh, Cenland, MBland, Hải Phát sẽ lần lượt lên sàn trong 2018

HoREA cho biết, trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 có 4 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán là Vinhomes, Net Land, Văn Phú Invest và Đạt Phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác lên sàn như Hưng Thịnh, Cenland, MBland, Hải Phát...

Doanh nghiệp BĐS nào sẽ “nối gót” Vinhomes, Net Land, Văn Phú lên sàn?

Báo cáo mới đây của Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, năm 2017 đã có 11 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) lên sàn chứng khoán; trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 có 4 doanh nghiệp lên sàn là Vinhomes thuộc Tập đoàn Vingroup, Net Land, Văn Phú Invest và Đạt Phương. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp khác lên sàn chứng khoán như Hưng Thịnh Construction, Cenland, MBland, Hải Phát...

HoREA nhận định: “Đây là hướng đi phù hợp và hiệu quả nhằm khẳng định uy tín thương hiệu, tính minh bạch và giải trình, tạo điều kiện huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng”.

horea du doan hung thinh cenland mbland hai phat se lan luot len san trong 2018
HoREA dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp BĐS lên sàn như Hưng Thịnh, Cenland, MBland, Hải Phát... (Ảnh minh họa)

Hiệp hội còn thông tin, cơn sốt ảo giá đất nền phân lô, tách thửa hợp pháp, kể cả phân lô đất nông nghiệp trái phép xảy ra tại một số quận ven và huyện ngoại thành TP HCM đã quay trở lại từ cuối năm 2017 và lên đến đỉnh điểm vào tháng 5/2018, tâm điểm tại quận 9, nhưng hiện nay đã được kiểm soát và hạ nhiệt.

Số liệu giao dịch đăng ký biến động đất đai của Sở Tài nguyên Môi trường cho thấy khối lượng giao dịch tăng mạnh tại huyện Cần Giờ (tăng 83,1%), huyện Củ Chi (tăng 52,2%), quận 9 (tăng 29,5%) là những điểm nóng về cơn sốt ảo giá đất nền vừa qua.

Tuy nhiên, cơn sốt này chỉ xảy ra cục bộ ở phân khúc đất nền phân lô, còn phân khúc căn hộ chung cư không có hiện tượng sốt giá. Thị trường BĐS TP HCM trong hơn 5 tháng đầu năm 2018 nhìn chung có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9% so với cùng kỳ năm 2017; tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm gần 45% so với cùng kỳ.

Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2017; tuy nhiên tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 42% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017. Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với cùng kỳ; tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 38% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ. Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 70% so với cùng kỳ; tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm gần 21%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ.

Tại thị trường chung cư, HoREA nhận định, sau vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại chung cư Carina Plaza (quận 8), các Bộ, ngành đã vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh công tác PCCC của hàng loạt chung cư, nhà cao tầng; chủ đầu tư, dân cư cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn chung cư. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 7 chung cư chưa có hệ thống PCCC…

Ngoài ra, thị trường chung cư còn tồn tại một vấn đề khác là tình hình tranh chấp xảy ra tại khoảng 100 chung cư trong tổng số gần 1.000 chung cư ở TP HCM. Hiện 34 vụ tranh chấp đang được Sở Xây dựng kiểm tra, xử lý, trong đó có những vụ tranh chấp gay gắt, kéo dài như tại Chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), Chung cư 584 (quận Tân Phú), Chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình)... Nội dung tranh chấp chủ yếu liên quan đến việc thành lập Ban Quản trị chung cư; bàn giao và quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì chung cư; chất lượng xây dựng chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung - sở hữu riêng, chỗ để xe; chậm bàn giao căn hộ; chậm làm "sổ đỏ" cho người mua căn hộ...

Bất động sản liệu có thoát được “chu kỳ 10 năm” của thị trường?

Hiện tồn tại tình trạng có những dự án BĐS nguồn gốc sử dụng đất từ đất công được giao cho chủ đầu tư nhưng không qua đấu giá, đấu thầu. Để chấn chỉnh tình trạng này, trong hơn 5 tháng đầu năm, thành phố đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ đấu giá TP HCM tổ chức đấu giá thành công 19 lô đất (gồm 584 nền) với giá khởi điểm 1.351,3 tỷ đồng, giá trúng đấu giá 2.062,5 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với giá khởi điểm đấu giá.

“Thời gian tới, sẽ đấu giá 9 lô đất (7,8 ha) tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, và dự án Sài Gòn One Tower (tài sản đảm bảo nợ xấu được VAMC xử lý) và nhiều khu đất công khác sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh”, HoREA đánh giá.

Trong hơn 5 tháng qua, Sở Kế hoạch TP HCM thống kê đã có 3.385 doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh BĐS, chiếm gần 21% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; lĩnh vực BĐS xếp thứ 3 trong thu hút dòng vốn FDI. Về nguồn vốn vay tín dụng, nhìn chung các doanh nghiệp BĐS khó tiếp cận do các ngân hàng thương mại đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường BĐS theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước. Trong 4 tháng đầu năm 2018, dư nợ cho vay chương trình hỗ trợ nhà ở (gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng) cho 10.181 khách hàng giảm dần, chỉ còn khoảng 4.885 tỷ đồng.

Trước ý kiến quan ngại về chu kỳ 10 năm lặp lại khủng hoảng của thị trường BĐS, Hiệp hội nhận định, năm 2017 thị trường tăng trưởng trở lại với mức tăng 4,07% so với năm 2016, nhưng trong hơn 5 tháng đầu năm 2018, thị trường lại có dấu hiệu sụt giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm 2017. Vì vậy, năm 2018 không có khả năng xảy ra "bong bóng" BĐS.

Tuy nhiên, cơ quan nhà nước cần quan tâm kiểm soát tình trạng lệch pha cung - cầu trong phân khúc BĐS cao cấp, BĐS du lịch - nghỉ dưỡng (condotel) và vẫn còn hiện tượng "sốt giá ảo" đất nền, đất nông nghiệp tại một số khu vực. Hiện tượng này là do có nhiều nhà đầu tư thứ cấp, đầu cơ, đầu nậu, cò đất thổi giá, tạo sóng, lướt sóng, đẩy giá ảo đất nền, đất nông nghiệp rất cao so với giá trị thực để trục lợi.

Xem thêm

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/horea-hung-thinh-cenland-mbland-hai-phat-se-lan-luot-len-san-trong-2018-56724.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/