Hơn 90.000 tấn nông sản của Hải Dương chưa được tiêu thụ

Việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương.

Ách tắc lưu thông hàng hóa khiến nông sản bị hư hỏng

Theo Bộ Công Thương, hiện có một số vướng mắc khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản (có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch) tại tỉnh Hải Dương.

Theo đó, việc thu mua, vận chuyển tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. 

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, thực tế, hầu hết chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào địa bàn các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào tỉnh Hải Dương. 

Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải quay đầu.... Điều này làm cho  hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, gây nhiều khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu đến hạn phải giao hàng…gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Theo phản ánh từ các địa phương, doanh nghiệp, việc thực hiện yêu cầu xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế  về việc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và trong thị trường xuất khẩu được.

Những khó khăn này gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh, trước hết là tỉnh Hải Dương, ngoài ra còn ảnh hưởng đến các địa phương khác vì tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh- Hải Dương. 

Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. 

Bộ Công Thương nhận định nếu không giải quyết được các khó khăn vướng mắc này, chuỗi cung ứng có thể bị ảnh hưởng thậm chí bị đứt gãy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của nhiều địa phương.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương nông sản sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ cầm chừng. 

Hiện hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề. Đến ngày 15/2, toàn tỉnh Hải Dương đã thu hoạch được 19.500 ha rau màu, còn 2.802 ha đang đến kỳ thu hoạch. 

Sản lượng thu hoạch dự kiến là 46.000 tấn hành, 30.700 tấn cà rốt, 8.000 tấn cải bắp, su hào, su lơ, rau ăn lá, 1.000 tấn heo sữa - 80% số nông sản trên để phục vụ xuất khẩu); nhu cầu vật tư, thức ăn đầu vào cho nuôi trồng cũng thiếu… 

Tổng lượng nông sản của Hải Dương là 90.760 tấn chưa tiêu thụ được. Còn 4.080 ha rau đang đến kỳ thu hoạch với 3.205 ha hành, 621 ha cà rốt và 261 ha cải bắp, su hào, súp lơ, rau ăn lá. 

Theo Báo Người Lao Động, vào đầu vụ, cà rốt có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, nếu bán theo diện tích thì khoảng 9-10 triệu đồng/sào. 

Tuy nhiên, từ khi việc lưu thông bị ách tắc và thời hạn thu hoạch ngày càng đến gần thì giá thu mua càng giảm mạnh. Bà Phạm Thị Tiền (trú thôn Xuân Kiều, xã Đức Chính) cho biết gia đình còn nửa mẫu cà rốt chưa bán được, thương lái chỉ trả 5-6 triệu đồng/sào, còn bán theo cân chỉ được 4.000 đồng/cân.

Tại Công ty CP Nông sản Hưng Việt, huyện Gia Lộc hiện cũng có trên 1.000 tấn nông sản, chủ yếu là cà rốt, cải bắp chờ xuất khẩu qua các cảng ở TP Hải Phòng. 

Thời điểm chưa có dịch, chi phí vận chuyển mỗi container hàng từ công ty đến cảng là 3,5 triệu đồng. Hiện chi phí đã tăng gấp đôi nhưng rất ít doanh nghiệp, tài xế nhận chở hàng.

Gỡ khó tiêu thụ nông sản Hải Dương

Sáng 22/2, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện cho nông sản của Hải Dương được lưu thông vào Hải Phòng để kịp thời xuất khẩu.

Dự kiến từ nay đến cuối tháng 2, khoảng 80% lượng nông sản sẽ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan… theo hợp đồng đã ký kết.

"Việc giao hàng không đúng hợp đồng không những gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với nông dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín của hàng nông sản Việt Nam", UBND Hải Dương nhấn mạnh.

Do đó, cơ quan này một lần nữa đề nghỉ UBND TP Hải Phòng sớm tạo điều kiện để nông sản của Hải Dương lưu thông vào Hải Phòng kịp thời xuất khẩu. 

Hải Dương đề nghị đối với phương tiện chở hàng hóa của Hải Dương (lái xe có giấy xác nhận kết quả âm tính SAR-COV-2 bằng phương pháp PCR của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương) đến tập kết tại khu vực chốt kiểm dịch giáp ranh giữa Hải Dương với Hải Phòng để lại xe và lái xe từ phía Hải Phòng đến điều khiển phương tiện lưu thông vào địa bàn thành phố Hải Phòng.

Đối với hàng hóa vận chuyển bằng xe đầu kéo có thể thực hiện bằng việc đổi đầu kéo và lái xe đi từ tỉnh Hải Dương bằng đầu kéo và lái xe từ thành phố Hải Phòng.

Bộ Công Thương cho biết Bộ đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay.

Các đơn vị có năng lực xét nghiệm hỗ trợ các tỉnh có dịch COVID-19 bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.

Đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch COVID-19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.

Đầu mối chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải có hướng dẫn thống nhất và quy định rõ các biện pháp an toàn phòng dịch cho người, phương tiện và hàng hóa để lưu thông hàng hóa qua các địa bàn có và không có dịch bệnh.

Thời gian qua, người dân Hà Nội cũng đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương.

Báo Tuổi Trẻ phản ánh nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện kết nối với các hợp tác xã nông nghiệp, sau đó chuyển lên các điểm giải cứu nông sản trên Hà Nội giúp người dân tỉnh Hải Dương vượt qua khó khăn.

Ban đầu, thanh niên vận chuyển nông sản đến các khu cách ly trong tỉnh như Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc với tổng số trên 30 tấn rau củ quả các loại. Sau đó, Tỉnh đoàn phối hợp với một số doanh nghiệp vận chuyển nông sản lên Hà Nội giúp bà con tiêu thụ. 


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/khan-chuong-go-kho-tieu-thu-nong-san-hai-duong-20210222165254841.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/