|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát đã giải ngân 50.000 tỉ đồng vào dự án Dung Quất, bắt đầu trả nợ gốc từ tháng 8/2020

09:08 | 27/12/2019
Chia sẻ
Với việc được đầu tư 50.000 tỉ đồng, giai đoạn xây dựng của Khu liên hợp Dung Quất đã hoàn thành 90-95% và dây chuyền thép cán nóng (HRC) đầu tiên của Hòa Phát dự kiến bắt đầu đi vào vận hành từ quí II/2020.
Hòa Phát đã giải ngân 50.000 tỉ đồng vào dự án Dung Quất, bắt đầu trả nợ gốc từ tháng 8/2020 - Ảnh 1.

Cửa hàng bán sản phẩm thép Hòa Phát tại Hà Nội. Ảnh: Song Ngọc.

Hòa Phát đẩy mạnh 'Nam tiến' nhờ Dung Quất

Theo tin từ CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), lũy kế 11 tháng tập đoàn sản xuất và tiêu thụ gần 2,5 triệu tấn thép xây dựng và 688.300 tấn ống thép, tăng trưởng lần lượt 28% và 15% so với cùng kì.

Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sản lượng bán hàng của Hòa Phát đã tăng trưởng rất nhanh ở thị trường miền Nam và miền Trung với tỉ lệ lần lượt 104,7% và 54,4%. Theo lãnh đạo Hòa Phát, tập đoàn dự kiến hoàn thành kế hoạch năm ở mức hơn 2,7 triệu tấn và kế hoạch năm 2020 có thể là 3,5-3,6 triệu tấn, tăng trưởng 30-33%. 

VDSC cho hay Hòa Phát sẽ tập trung vào thị trường miền Nam và miền Trung, cũng như mở rộng sang các thị trường nước ngoài mới như Canada và Mexico, để có thể tiêu thụ hết công suất thép xây dựng từ Khu Liên hợp Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi).

Mới đây, Hòa Phát cho biết công ty đã xuất một lô hàng 20.000 tấn thép thanh cho một khách hàng lâu năm ở Vancouver, Canada.

Hiện tại, miền Bắc là thị trường tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát nhiều nhất, tuy nhiên khu vực này đang trở nên ít quan trọng hơn. 

Trong cơ cấu bán thép xây dựng của Hòa Phát 11 tháng đầu năm 2019, thị trường phía Bắc chiếm 59,5%, ít hơn đáng kể so với con số 69,1% của năm 2018. Trong khi đó, tỉ trọng của thị trường miền Nam và miền Trung tăng mạnh, lần lượt từ mức 9,7% và 11,1% (2018) lên 16,4% và 15,0% (11 tháng 2019).

Hòa Phát đã giải ngân 50.000 tỉ đồng vào dự án Dung Quất, bắt đầu trả nợ gốc từ tháng 8/2020 - Ảnh 3.

Cơ cấu sản lượng tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát theo vùng địa lí. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ VDSC, Hiệp hội Thép Việt Nam.

Trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, Ban lãnh đạo Hòa Phát cho biết Khu liên hợp Dung Quất có cảng nước sâu cho phép tàu 200.000 tấn cập bến, nhờ vậy mà Hòa Phát giảm 3-5 USD chi phí trên mỗi tấn nguyên liệu so với Khu liên hợp Hải Dương. 

Đây là lợi thế lớn vì nguyên liệu phải nhập hàng năm lên tới nhiều triệu tấn. Mặt khác cảng nước sâu còn giúp Hòa Phát dễ dàng chuyển sản phẩm tới các thị trường phía Nam và xuất khẩu.

Giải ngân 50.000 tỉ đồng cho Dung Quất

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III, tính đến ngày 30/9/2019, giá trị xây dựng cơ bản dở dang tại Khu Liên hợp Dung Quất là 44.600 tỉ đồng.

Theo VDSC, giải ngân đầu tư tài sản cố định (CAPEX) cho Khu Liên hợp Dung Quất hiện nay đã đạt 50.000 tỉ đồng, trong đó 30.000 tỉ đồng được huy động từ nguồn nội bộ, còn 20.000 tỉ đồng còn lại được vay từ các ngân hàng Vietinbank và Vietcombank.

Khoản CAPEX 2.000 tỉ đồng còn lại sẽ được chi trong giai đoạn 2020-2021 từ lợi nhuận kinh doanh của công ty. VDSC dẫn lời Giám đốc Tài chính của Hòa Phát cho biết công ty được vay tiền với lãi suất ưu đãi và sẽ bắt đầu trả khoản nợ gốc đầu tiên vào tháng 8/2020.

Để phục vụ dự án Dung Quất, Hòa Phát đã kí hợp đồng vay 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). 

Kì hạn vay 7 năm, ân hạn 2 năm, lãi suất thả nổi theo công thức lãi suất huy động 12 tháng + biên lãi. Tại Đại hội cổ đông thường niên của Hòa Phát năm 2019, Giám đốc Tài chính tập đoàn cho biết dải lãi suất vay nằm trong khoảng 7,5% - 9%/năm. Công thức tính cụ thể là Bình quân lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước + 2,5%.

Chủ tịch Trần Đình Long nói thêm rằng mức lãi suất này của Hòa Phát là khá hấp dẫn, các doanh nghiệp bất động sản đang phải vay với lãi suất 10-12%/năm.Nhu cầu thép xây dựng

Nhu cầu thép biến động khó đoán

Theo VDSC, điều kiện thị trường bất động sản là mối quan tâm chính của Hòa Phát khi nhu cầu thép xây dựng cho ngành bất động sản dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải. Hiện tại, khu vực dân dụng chiếm khoảng 60% sản lượng bán thép xây dựng của Hòa Phát, trong khi nhu cầu từ các dự án chiếm 40% còn lại. 

Tuy nhiên, Hòa Phát có lợi thế đáng kể để bán hàng tại các dự án qui mô lớn vì chất lượng thép tốt và ổn định hơn. Do đó, Hòa Phát sẽ không quá phụ thuộc vào nhu cầu thép từ thị trường bất động sản.

Đối với thép cuộn cán nóng (HRC), Ban lãnh đạo của Hòa Phát khá lạc quan về nhu cầu vì trong năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn HRC. Cùng kì, sản lượng bán hàng của Formosa ở thị trường nội địa là hơn 3 triệu tấn. 

Nếu Formosa bán hết công suất tối đa là 5,2 triệu tấn HRC, thị trường vẫn sẽ còn nhu cầu khoảng 7 triệu tấn cho Hòa Phát, vốn chỉ có công suất HRC từ 2,4-3 triệu tấn.

Tuy nhiên trong 11 tháng 2019, tổng nhu cầu HRC của các nhà sản xuất hạ nguồn chỉ đạt 5,6 triệu tấn, trong đó lượng xuất khẩu là 1,6 triệu tấn. VDSC cho rằng nhu cầu HRC trong nước không thực sự lớn và cả hai nhà sản xuất Hòa Phát và Formosa sẽ phải trông đợi hoạt động xuất khẩu diễn ra thuận lợi để có thể tiêu thụ hết sản lượng của mình.

Mảng thép HRC của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ đáng kể bởi nhu cầu nội bộ. Hiện tại, Hòa Phát có ba nhà máy ống thép và một nhà máy tôn mạ, có thể sử dụng khoảng 1,15 triệu tấn HRC mỗi năm nếu các nhà máy này hoạt động với hiệu suất 100%. 

Theo VDSC, hơn một nửa sản lượng HRC được tiêu thụ nội bộ sẽ giúp giảm áp lực bán hàng cho Hòa Phát so với Formosa.

Liên tiếp những lo ngại về môi trường

Thời gian gần đây, vấn đề ảnh hưởng môi trường liên quan tới Khu liên hợp Dung Quất Hòa Phát thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng khi nhiều cây trồng của người dân quanh khu nhà máy này chết hàng loạt, nước biển gần đó cũng chuyển sang màu đen như cà phê. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.

Ít ngày trước, từ trong Khu liên hợp Dung Quất phát ra khói đỏ bất thường làm người dân hoang mang. 

Lãnh đạo Hòa Phát Dung Quất sau đó đã có văn bản giải thích loại khói đỏ này là bụi Fe2O3 từ hệ thống lọc bụi tĩnh điện lò thổi bị bùng ra ngoài, sự cố chỉ diễn ra trong nửa phút và bụi đỏ nhanh chóng lắng xuống. Công ty cũng cam kết loại bụi đỏ này không gây độc hại.

VDSC cho biết trong cuộc gặp các nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo Hòa Phát khẳng định bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu của công ty nhằm duy trì tăng trưởng bền vững. Hòa Phát cũng đã cho thấy những nỗ lực với việc xây dựng các công trình tái sử dụng chất thải rắn, nước thải và tối ưu sử dụng năng lượng. 

Theo VDSC, Khu Liên hợp Dung Quất được đầu tư hệ thống xử lí nước hiện đại, cho phép xử lí và tái sử dụng nước thải nhiều lần mà không thải ra môi trường. Còn chất thải rắn từ quá trình sản xuất thép sẽ được tận dụng bởi nhà máy nghiền mịn xỉ hạt lò cao.

Song Ngọc