|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hồ tiêu Việt Nam củng cố ngôi vương tại châu Âu

07:57 | 23/04/2022
Chia sẻ
Trong giai đoạn từ năm 2017-2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã tăng tới 56% qua đó củng cố vững chắc vị thế số một của hồ tiêu Việt Nam tại châu Âu.

Vững vàng ngôi vị số một về xuất khẩu hồ tiêu vào EU

Tiêu thụ hồ tiêu của châu Âu đang cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trở lại sau đại dịch COVID-19.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong quý I, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang EU tăng mạnh 36,9% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10.210 tấn. Trong đó, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang các nước trong khu vực như Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… đều ghi nhận mức tăng trưởng cao.

Còn theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm 2021, EU đã nhập khẩu kỷ lục 104.980 tấn hồ tiêu với trị giá 413,6 triệu Euros, tăng 6,8% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với năm 2020.

Tại EU, 67% lượng hồ tiêu được cung cấp bởi các nước ngoài EU và 33% còn lại được giao dịch giữa các nước nội khối.

Việt Nam hiện đang là nhà cung cấp hồ tiêu lớn nhất vào EU, chiếm đến 34% thị phần hồ tiêu nhập khẩu của thị trường này trong năm 2021, bỏ xa các nhà cung cấp khác như Brazil (chiếm 20%) và Indonesia (chiếm 5%).

 Số liệu từ Eurostat. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Đáng chú ý, trong vòng 5 năm trở lại đây, lượng hồ tiêu của Việt Nam xuất khẩu vào EU đã tăng rất mạnh 56,3% từ 22.475 tấn của năm 2017 lên mức 35.131 tấn trong năm 2021.

Thậm chí ngay cả khi nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của châu Âu sụt giảm do đại dịch COVID-19 vào năm 2020 thì xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường này vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng 8,3%.

Điều này cho thấy hồ tiêu của Việt Nam đang ngày càng được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Đồng thời, việc gia tăng xuất khẩu vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới với các tiêu chuẩn và điều kiện khắt khe cũng khẳng định vị thế cũng như chất lượng của hồ tiêu Việt Nam đang được nâng cao.

Trái lại, Brazil đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Việt Nam trong cuộc đua xuất khẩu hồ tiêu vào EU lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng thị phần tại châu Âu do các vấn đề liên quan đến vi khuẩn salmonella trên hồ tiêu.

Xuất khẩu hồ tiêu của Brazil vào EU đã không có sự cải thiện đáng kể nào trong những năm gần đây và đang có xu hướng giảm dần. Lượng hồ tiêu của Brazil xuất khẩu vào EU đã giảm xuống còn 20.743 tấn vào năm 2021, từ mức 21.325 tấn của năm 2020 và 21.997 tấn năm 2019.

 Số liệu từ Eurostat. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Cơ hội lớn cho hồ tiêu chế biến

Theo nghiên cứu của Trung tâm hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (CBI), mặc dù tiêu đen được sử dụng phổ biến nhất trong thực phẩm là tiêu xay tại châu Âu, nhưng hầu hết lại được nhập khẩu dưới dạng nguyên hạt. Gần 90% tiêu đen nhập khẩu là tiêu hạt nguyên hạt, 10% còn lại là tiêu xay. 

Các nhà nhập khẩu châu Âu chuộng tiêu nguyên hạt vì dễ kiểm tra, kiểm soát độ an toàn và chất lượng của quả hồ tiêu nguyên hạt. Ngoài ra, hồ tiêu nguyên hạt được sấy khô đúng cách có thể lưu giữ hương vị trong một thời gian dài và được bộc lộ sau khi nghiền.

Hiện nay Việt Nam cũng chủ yếu xuất khẩu tiêu nguyên hạt sang châu Âu (khoảng 80% khối lượng), tuy nhiên Hiệp định Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã mang đến cơ hội cho hồ tiêu chế biến của Việt Nam vào EU.

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hồ tiêu (mã HS 0904) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. EVFTA là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào EU, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%.

Trong thời gian tới, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tận dụng cơ hội để phát triển ngành chế biến hồ tiêu khi các nhà đầu tư trong khối EU chuyển nhà máy chế biến về Việt Nam để tận dụng nguyên liệu và nhân công giá rẻ, tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hạt tiêu sang đa dạng các thị trường EU.

 

 Ảnh minh họa: Pixabay 

 

Trong khi đó, theo các chuyên gia trong ngành hồ tiêu, việc EU tăng cường kiểm soát các lô hàng hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil để phát hiện salmonella từ đầu năm nay cũng là 1 lợi thế nữa của hồ tiêu Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh tại EU bên cạnh những lợi thế từ Hiệp định EVFTA.

Thực tế cho thấy, các quốc gia trong khối EU cũng đã tăng mạnh nhập khẩu tiêu từ Việt Nam và giảm đáng kể nhập khẩu từ Brazil trong những tháng đầu năm nay.

Để hỗ trợ ngành hồ tiêu Việt Nam, Liên minh châu Âu đã tài trợ cho Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Gia vị châu Âu triển khai dự án “Thúc đẩy sản xuất và thương mại bền vững hồ tiêu Việt Nam, giai đoạn 2021-2023”.

Dự án này tập trung vào định hướng chất lượng cho ngành hồ tiêu Việt Nam, kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV trong toàn bộ chuỗi. Đồng thời, đóng góp tích cực trong việc giúp hồ tiêu Việt Nam duy trì được lợi thế cạnh tranh của mình. Ngoài ra, dự án kỳ vọng sẽ biến những nội dung của Hiệp định EVFTA thành hiện thực, mang lại lợi ích cho các tác nhân trong chuỗi.

Châu Âu là thị trường hấp dẫn với các nhà cung cấp

Theo CBI, tiêu đen là loại gia vị quan trọng và được tiêu thụ rộng rãi ở châu Âu. Đồng thời tiêu đen cũng là thành phần quan trọng trong nhiều món ăn. 

Mức độ phổ biến của tiêu đen không giảm theo thời gian do những đặc tính riêng biệt mà không loại gia vị nào thay thế được. Ngoài ra, người tiêu dùng châu Âu đã quen với hương vị của tiêu đen khi loại gia vị này đã có mặt trong ẩm thực châu Âu từ nhiều thế kỷ trước. Tiêu đen còn được mệnh danh là 'vua của các loại gia vị'.

CBI dự báo tiêu thụ tiêu đen tại châu Âu sẽ tiếp tục tăng với tốc độ ổn định nhờ sự gia tăng dân số. Trong giai đoạn từ năm 2021-2025, nhập khẩu hồ tiêu của châu Âu có khả năng tăng với tốc độ từ 1-2%/năm.

Thị trường châu Âu có sức hút lớn đối với các nhà xuất khẩu tiêu đen chất lượng cao và được sản xuất bền vững. Giá xuất khẩu bình quân của Việt Nam sang Đức (thị trường lớn nhất châu Âu) thường cao hơn 10% so với Mỹ và cao hơn 20% so với Trung Quốc.

Đức, Hà Lan và Pháp hiện là 3 nước nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất trong khối EU, chiếm khoảng 60% tổng nhập khẩu của khối. Về nhu cầu, nhập khẩu của Hà Lan và Pháp có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, trong khi Đức lại có chiều hướng chững lại.

Không chỉ nhập khẩu để tiêu dùng, một số nước châu Âu còn nhập khẩu tiêu đen để tái xuất hoặc chế biến bằng cách nghiền nhỏ và đóng gói hoặc sử dụng như một thành phần hỗn hợp gia vị và chế phẩm gia vị. Ngoài ra, hồ tiêu còn được sử dụng làm thực phẩm hỗ trợ, dầu gội, nước hoa…

Hoàng Hiệp