Hiệu ứng đám đông truy tìm ‘tin xấu’ sau mỗi cú giảm sâu

Sau cú cổ phiếu giảm sàn la liệt phiên 3/11, nhà đầu tư lao đi tìm câu hỏi liệu có tin xấu vĩ mô gì trên thị trường. Song theo ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research, “quan điểm về vĩ mô của chúng ta cần luôn luôn có, chứ không phải chúng ta chỉ quan tâm đến vĩ mô mỗi khi chúng ta cần”.

Giới đầu tư đổ xô tìm "tin xấu" sau mỗi cú rung lắc

Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhạy với các thông tin liên quan đến vĩ mô, thế giới, thậm chí các tin đồn gắn với lãnh đạo doanh nghiệp. Như một thói quen, mỗi khi thị trường biến động mạnh, lớp nhà đầu tư đi tìm những "tin xấu" có ảnh hưởng đến thị trường.

Đơn cử ngay trong phiên giao dịch hôm qua (3/11), loạt cổ phiếu bất động sản, xây dựng, dầu khí, thủy sản đảo chiều giảm sàn, không ít nhà đầu tư đi tìm câu trả lời cho việc liệu thị trường có thông tin vĩ mô nào đã tác động tiêu cực.

Trước câu hỏi liệu thị trường có "tin xấu" gì dẫn đến cú đảo chiều đồng loạt giảm sàn, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng không có tin gì quá tiêu cực.

Từ góc độ cá nhân, ông Tuấn cho rằng việc bùng dịch COVID-19 ngoài cộng đồng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM cũng không quá lo ngại bởi độ phủ vắc xin cao ở hai thành phố này. Khu vực kinh tế phía nam đang có xu hướng giảm số ca nhiễm và ca tử vong. Việc tiêm vắc xin COVID-19 sắp tới sẽ phủ thêm các tỉnh miền tây và Tây Nguyên.

Nói thêm về hiện tượng đồng loạt giảm sàn của nhóm bất động sản, cú đạp đã làm nguội bới đi những "cái đầu nóng" của những nhà đầu tư. Thời gian qua, hiệu ứng FOMO đẩy giá cổ phiếu bất động sản tăng phi mã. NĐT xuống tiền mà bỏ qua các yếu tố nội tại của doanh nghiệp, tình trạng pháp lý các dự án đầu tư, hơn cả đó là hiện tượng "đếm cua trong lỗ" quỹ đất cả các công ty.

Hệ quả khi có biến động mạnh, NĐT chốt lời bằng mọi giá để "thoát hàng", bảo vệ thành quả, khiến cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt. Theo quan sát, lực bán mạnh tại nhóm bất động sản còn làm cổ phiếu xây dựng, bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, chứng khoán bị "vạ lây", đồng loạt giảm kịch sàn.

Đồng quan điểm, trong sự kiện chiều qua do Chứng khoán SSI tổ chức, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research đánh giá việc thị trường điều chỉnh không liên quan đến vĩ mô. Quan trọng nhất với các nhà đầu tư đó là chọn cổ phiếu nào và ngành gì.

Từ góc độ nhận định, Phó Giám đốc của SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư không nên tiếp cận thị trường theo xu hướng tìm hiểu vĩ mô mỗi khi có biến động mạnh. "Quan điểm về vĩ mô của chúng ta cần luôn luôn có, chứ không phải chúng ta chỉ quan tâm đến vĩ mô mỗi khi chúng ta cần", ông Phạm Lưu Hưng nói.

Hiệu ứng đám đông truy tìm ‘tin xấu’ sau mỗi cú giảm sâu  - Ảnh 1.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research (bên trái). Ảnh chụp màn hình.

Sử dụng thông tin vĩ mô để đầu tư sao cho hiệu quả?

Từ hiện tượng trên để thấy rằng hiệu ứng đám đông vẫn còn chi phối rất lớn đến giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Không thể phủ nhận rằng nền tảng của nhà đầu tư đã phát triển so với giai đoạn trước đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thay đổi về cả về chất và lượng.

Mỗi tháng chứng khoán Việt Nam đón thêm hàng trăm nghìn tài khoản giao dịch chứng khoán, thanh khoản mỗi phiên trên 1 tỷ USD quá đỗi quen thuộc. Những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng kiến lượng tiền khổng lồ với mức thanh khoản vượt ngưỡng 40.000, 50.000 tỷ đồng.

Tâm thế NĐT trong mỗi đợt điều chỉnh của thị trường cũng thay đổi theo hướng tích cực. Ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện và bùng nổ trên toàn cầu, chứng khoán Việt Nam mất gần 2 tháng điều chỉnh. Giới đầu tư hoảng loạn bán ra bất chấp đẩy VN-Index về vùng đáy 650 điểm. Nhưng mỗi đợt bùng phát dịch ngoài cộng đồng sau đó, thị trường cần ít thời gian hơn để lấy lại sự cân bằng. Đợt bùng phát dịch tại các tỉnh phía Nam, thị trường chứng khoán gần như không giảm điểm.

Vậy giới đầu tư chứng khoán nên sử dụng phân tích vĩ mô trong đầu tư sao cho đúng? Trước tiên, theo ông Phạm Lưu Hưng, khi xem xét vĩ mô trong ngắn hạn, NĐT có thể quan tâm đến một số yếu tố như lượng xuất nhập khẩu để nắm được tình hình sản xuất một số mặt hàng lớn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, NĐT quan tâm đến các chỉ số hàng tháng như chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cũng là một chỉ số tốt để dự báo kinh tế khi nghiên cứu vĩ mô.

Vị chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh đến tính ứng dụng của các chỉ tiêu, thông tin vĩ mô trong đầu tư. Đơn cử, chủ trương đẩy mạnh đầu công và thông tin nhen nhóm về một gói phục hồi kinh tế sắp tới là một chủ đề rất được nhà đầu tư quan tâm thời điểm này.

Theo ông Phạm Lưu Hưng, quy mô của các gói không quan trọng bằng việc tiến độ giải ngân. Thêm vào đó, NĐT có thể quan tâm đến từng dự án đầu tư công, công ty nào trúng thầu, ai được hưởng lợi để đầu tư. Đây đều là các thông tin được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Như vậy, theo vị chuyên gia này, sử dụng thông tin vĩ mô đề đầu tư chứng khoán cần quan tâm đến nội hàm, sự tác động thực chất đến kinh tế, hoạt động doanh nghiệp của thông tin đó. Tin tức vĩ mô được sử dụng rộng rãi trong đầu tư song đây không phải là yếu tố để hợp lý hóa mỗi khi thị trường rung lắc mạnh theo dạng "tin xấu, tin sốc".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hieu-ung-dam-dong-truy-tim-tin-xau-sau-moi-cu-giam-sau-20211104165156677.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/