Hiệp định TPP là gì? Các nội dung chính của Hiệp định TPP

Hiệp định TPP là Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4.

TPP

Hình minh họa. Nguồn: Viettel

Hiệp định TPP

Định nghĩa

Hiệp định TPP trong tiếng Anh là Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement.

Hiệp định TPPHiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương. Do lúc đầu chỉ có 4 nước tham gia nên còn được gọi là P4.

Lịch sử hình thành

Hiệp định TPP khởi nguồn là Hiệp định Đối tác kinh tế chặt chẽ hơn do nguyên thủ 3 nước Chile, New Zealand và Singapore (P3) phát động đàm phán nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 2002 tổ chức tại Mexico. Tháng 4 năm 2005, Brunei xin gia nhập với tư cách thành viên sáng lập trước khi vòng đàm phán cuối cùng kết thúc, biến P3 thành P4.

Đây là Hiệp định mang tính mở. Tuy không phải là chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC nhưng các thành viên APEC đều có thể gia nhập nếu quan tâm. Singapore đã nhiều lần thể hiện mong muốn mở rộng TPP và sử dụng TPP như một công cụ để hiện thực hóa ý tưởng về Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á-Thái Bình Dương của APEC (FTAAP).

Các nội dung chính của Hiệp định TPP - P4

- Hiệp định TPP có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ (chưa bao gồm dịch vụ tài chính do được đàm phán sau), vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), rào cản thuật (TBT), chính sách cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ và minh bạch hóa. Ngoài ra, còn có một chương về hợp tác và 02 văn kiện đi kèm về Hợp tác Môi trường và Hợp tác Lao động.

- Theo thỏa thuận, các bên tham gia P4 sẽ tiếp tục đàm phán và kí 02 văn kiện quan trọng về đầu tư và dịch vụ tài chính, chậm nhất là sau 02 năm kể từ khi P4 chính thức có hiệu lực (tức là từ tháng 3 năm 2008).

- Điểm nổi bật nhất của P4 là tự do hóa rất mạnh về hàng hóa. Thuế nhập khẩu được xóa bỏ hoàn toàn và phần lớn là xóa bỏ ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực.

- Về dịch vụ, P4 thực hiện tự do hóa mạnh theo phương thức chọn-bỏ. Theo đó, tất cả các ngành dịch vụ đều được mở, trừ những ngành nằm trong danh mục loại trừ.

Hiệp định TPP mở rộng và sự tham gia của Việt Nam

Tháng 9 năm 2008, Mỹ tuyên bố tham gia TPP. Tiếp theo đó, tháng 11 năm 2008, Úc và Pê-ru cũng tuyên bố tham gia TPP. Tại buổi họp báo công bố việc tham gia của Úc và Pê-ru, đại diện các bên khẳng định sẽ đàm phán để thiết lập một khuôn khổ mới cho TPP. Kể từ đó, các vòng đàm phán TPP được lên lịch và diễn ra cho đến nay.

Từ năm 2006, qua nhiều kênh, Singapore đã rất tích cực mời Việt Nam tham gia TPP - P4. Trước những cân nhắc cả về khía cạnh kinh tế và chính trị, Việt Nam chưa nhận lời mời này của Singapore.

Tuy nhiên, với việc Mỹ quyết định tham gia TPP, và trước khi tuyên bố tham gia TPP, Mỹ đã mời Việt Nam cùng tham gia Hiệp định này, Việt Nam đã cân nhắc lại việc tham gia hay không tham gia TPP.

Đầu năm 2009, Việt Nam quyết định tham gia Hiệp định TPP với tư cách thành viên liên kết. Tháng 11 năm 2010, sau khi tham gia 3 phiên đàm phán TPP với tư cách này, Việt Nam đã chính thức tham gia đàm phán TPP. Trước đó, tháng 10 năm 2010, Malaysia cũng chính thức tham gia vào TPP, nâng tổng số nước tham gia đàm phán lên thành 9 nước.

(Tài liệu tham khảo: Giới thiệu chung về Hiệp định TPP, Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hiep-dinh-tpp-la-gi-cac-noi-dung-chinh-cua-hiep-dinh-tpp-20191118225552382.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/