Hàng loạt doanh nghiệp Việt sa thải nhân viên vì đợt dịch COVID-19 lần hai

Tác động của đợt dịch thứ hai đã khiến 47% trong gần 400 doanh nghiệp được khảo sát phải cắt giảm lao động. Trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do không có khách hàng. Các công ty quản lí tour, bán vé phần lớn đều sa thải toàn bộ nhân viên.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân vừa có cuộc khảo sát lần thứ 3 với gần 400 doanh nghiệp về tình hình hoạt độn sau khi đợt dịch COVID-19 thứ hai quay trở lại vào cuối tháng 7.

Cuộc khảo sát cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đang kiệt quệ. Kết quả cho thấy 20% các doanh nghiệp tham gia phải dừng hoạt động. 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi, 2% đã giải thể và 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi đợt dịch lần này.

Hàng loạt doanh nghiệp Việt sa thải nhân viên vì đợt dịch COVID-19 lần hai - Ảnh 1.

Cuộc khảo sát cho thấy sức khỏe của các doanh nghiệp đang kiệt quệ, khiến phải sa thải nhiều nhân viên. (Ảnh minh họa: Báo Người lao động).

Tác động của đợt dịch thứ hai đã khiến 47% trong gần 400 doanh nghiệp được khảo sát phải cắt giảm lao động. Trong đó, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất do không có khách hàng. Các doanh nghiệp quản lí tour, bán vé phần lớn đều sa thải toàn bộ nhân viên.

Theo báo cáo từ Tổng Cục thống kê Việt Nam (GSO), trong 3 tháng đầu năm, khi có đợt dịch lần đầu tiên, cả nước có 18.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 26% so với cùng kì năm trước. 

“Bóng ma” dịch bệnh cũng đã khiến khu vực doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quí đầu năm 2020: số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên lến 18.600, tăng 26% so với năm 2019. Đồng thời, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 12.200,  4.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 3 tháng đầu năm 2020.

Tuy nhiên, đến đợt dịch thứ hai bùng phát vào cuối tháng 7, GSO ghi nhận 8 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 34.300, tăng đến 70,8% so với cùng kì năm 2019. Bên cạnh đó, ghi nhận đến 10.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp cũng như thời gian gần đây, các ổ dịch tại Đà Nẵng, Hải Dương cơ bản được kiểm soát, Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp phục hồi nền kinh tế.

Riêng với ngành hàng không, du lịch, Chính phủ dự kiến mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia và Đài Loan từ ngày 15/9 với tần suất mỗi đường bay là một chuyến khứ hồi/tuần trên nguyên tắc là mở đường bay tới các nước đã kiểm soát bệnh tốt.

Hàng loạt doanh nghiệp Việt sa thải nhân viên vì đợt dịch COVID-19 lần hai - Ảnh 2.

Chính phủ dự kiến mở đường bay thương mại quốc tế tới 6 quốc gia từ ngày 15/9. (Ảnh minh họa: Vietjet).

Đồng thời, nhằm hỗ trợ các hãng hàng không đang chồng chất khó khăn vì dịch COVID-19, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành thông tư cho phép giảm 50% giá cất hạ cánh và giá nhiều loại dịch vụ hàng không khác.

Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương quyết tâm thúc đẩy nội lực phát triển kinh tế trong nước bao gồm chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới.

Chính phủ cũng sẽ tiếp tục giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Đồng thời tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước để vượt qua bẫy kinh tế do dịch COVID-19 gây nên.

Đánh giá về gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hiệu quả các gói hỗ trợ thời gian qua chỉ ở mức vừa phải khi mới triển khai với tỉ lệ thấp. 

Do đó, các doanh nghiệp rất mong muốn gói hỗ trợ lần hai tới đây của Chính phủ sẽ xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho doanh nghiệp.

"Về nguyên tắc, chính sách lần hai phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lí cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.




Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hang-loat-doanh-nghiep-viet-sa-thai-nhan-vien-vi-dot-dich-covid-19-lan-hai-20200907162454398.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/