Hai mảng màu sáng – tối trong bức tranh kinh doanh ngành than

Nhìn vào kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm của một số thành viên đã niêm yết của TKV để thấy doanh thu của các doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lại có sự phân hóa rõ rệt.

Doanh thu đồng loạt tăng, lợi nhuận lại phân hóa rõ rệt

Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động khai thác và sản xuất than của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do tác động của dịch COVID-19, chính sách Zero COVID của Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vẫn khả quan. Theo đó, doanh thu 6 tháng đầu năm của TKV đạt hơn 81.000 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, thực hiện được hơn 61% kế hoạch năm.

Trong đó, doanh thu mảng than đạt 47.797 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 64% kế hoạch năm. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận của TKV trên 2.000 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, TKV đã sản xuất trên 22 triệu tấn than nguyên khai, đạt 56% kế hoạch năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021; than tiêu thụ đạt 24,6 triệu tấn, đạt 57% kế hoạch.

Trong đó, TKV đã yêu cầu đơn vị khối sản xuất than khai thác tăng thêm 1,4 triệu tấn than để đáp ứng yêu cầu tăng sản lượng cho sản xuất điện và nền kinh tế.

Nhìn vào bảng thống kê kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm của một số thành viên đã niêm yết của TKV để doanh thu của các doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế lại có sự phân hóa rõ rệt.

(Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp)

Nổi bật cho gam màu sáng, kết quả kinh doanh quý II của CTCP Xuất nhập khẩu than - Vinacomin (Coalimex, Mã: CLM) tăng bật so với quý II/2021.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của Coalimex đạt 6.154 tỷ đồng, gấp 7,6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 273 tỷ đồng, gấp 37,3 lần.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coalimex ghi nhận doanh thu thuần là 6.979 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 283 tỷ đồng, gấp 22,7 lần.

Giải trình về kết quả kinh doanh, đại diện Coalimex cho biết trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện tăng cao nên công ty đã đẩy mạnh nhập khẩu than và pha trộn than.

Cụ thể nửa đầu năm 2022, sản lượng than nhập khẩu khoảng 1,14 triệu tấn, trong khi cùng kỳ năm 2021 là 163 nghìn tấn; than pha trộn là 240 nghìn tấn, tăng hơn 50% so với cùng kỳ.

Đại dịch COVID-19, căng thẳng chính trị giữa Australia - Trung Quốc và đặc biệt là chiến sự tại Ukraina đã đẩy chỉ số giá than GlobalCOAL Newcastle Australia (6.000 kcal/kg NAR) cũng như giá than xuất khẩu của Việt Nam thời điểm cuối tháng 6 tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm 2021.

Lĩnh vực kinh doanh chủ yếu ở mảng xuất nhập khẩu than nên khi giá than thế giới tăng mạnh, Coalimex cũng hưởng lợi. Sản lượng than tăng giúp lợi nhuận tăng tương ứng.

Ngoài ra, công ty đã thực hiện thành công một số gói chào thầu quốc tế cung cấp than cho nhà máy luyện thép trong nước với tỷ lệ lợi nhuận cao.

Mặt khác, một số lĩnh vực kinh doanh như cho thuê văn phòng, xuất khẩu lao động... bắt đầu khởi sắc sau thời kỳ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 so với năm 2021.

Tương tự, CTCP Kinh doanh Than miền Bắc – Vinacomin (Mã: TMB) cũng ghi nhận doanh thu quý II tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021 lên 6.173 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng, tăng 23%.

Đại diện công ty giải trình trong quý II, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gần 7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng, chi phí bán hàng giảm đã bù được chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp, giúp lợi nhuận sau thuế tăng gần 7,5 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Than miền Bắc đạt 9.451 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 77 tỷ đồng, tăng 98%.

(Phạm Mơ tổng hợp từ BCTC của các doanh nghiệp) 

Ở chiều ngược lại, lợi nhuận 5/9 thành viên của TKV lại ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý II. Trong đó, CTCP Than Đèo Nai – Vinacomin (Mã: TDN) công bố doanh thu thuần trong quý II đạt 1.225 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ khoảng 0,4 tỷ đồng, giảm 97%.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Than Đèo Nai đạt 2.103 tỷ đồng, tăng 33% so với 6 tháng năm 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 6,3 tỷ đồng, giảm 70%.

Đại diện công ty lý giải giá vốn trong quý II và 6 tháng đầu năm tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 do giá nhiên liệu tăng 52% so với giá dầu năm 2021. Chi phí sản xuất bị đội lên cao nên doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm.

Tương tự, CTCP Than Cọc Sáu – Vinacomin (Mã: TC6) cũng ghi nhận doanh thu quý II đạt 1.163 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, công ty lỗ sau thuế 419 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 1.287 tỷ.

Đại diện công ty lý giải lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý II giảm so với cùng kỳ năm trước do diá vốn hàng bán tăng 35% trong khi đó doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Than Cọc Sáu đạt 1.611 tỷ đồng, tăng 27%; lợi nhuận sau thuế giảm 38%.

Việc chi phí sản xuất, giá vốn cao ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp cũng xảy ra tương tự với Than Mông Dương, Than Hà Tu, Than Núi Béo...

Sức nóng của ngành than vẫn còn

Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ than trong nước ở mức cao, nhất là than cho sản xuất điện.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 7 tháng đầu năm, nhiệt điện than hiện chiếm hơn 40,5% tổng công suất nguồn điện của toàn quốc và có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đây cũng là một trong những nguồn cung cấp điện chính để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, duy trì hệ thống vận hành ổn định.

Sau khi thiếu hụt 1,4 triệu tấn than cho nhiệt điện vào quý I, TKV đã yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác, cung cấp đủ than cho các nhiệt điện trong quý II và 6 tháng cuối năm.

Năm 2022, TKV đặt mục tiêu sản xuất 41 triệu tấn than; tiêu thụ từ 43-45 triệu tấn than. Riêng trong quý III này, TKV dự kiến sản xuất 10,5 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 10 triệu tấn, mục tiêu 9 tháng đầu năm, tiêu thụ than đạt tối thiểu 80% kế hoạch năm, các chỉ tiêu sản lượng sản xuất than đạt 75-80% kế hoạch.

Trong báo cáo ngành than, CTCK Sacombank (SBS) nhận định triển vọng của ngành than vào năm 2022 rất sáng. Giá than trong nước dự kiến sẽ được điều chỉnh khoảng 10-15% do chi phí sản xuất than đã bắt đầu tăng vào năm 2021 và nhu cầu về than cao.

Nhu cầu về năng lượng nhiệt đã bắt đầu phục hồi, các công ty khai thác than niêm yết cũng có thể được hưởng lợi từ việc đàm phán giá bán mới cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trong năm nay.

Tuy nhiên, việc giá than khai thác ở Việt Nam đắt hơn so với thế giới trong giai đoạn bình thường nên việc tăng giá ở trong nước cũng không có sự chênh lệch nhiều, nhất là khi giá than thế giới trong năm 2022 có xu hướng tăng.

Do vậy, những yếu tố tác động đến mức giá than trên thế giới được cân bằng, chi phí sản xuất than tăng, nhu cầu các ngành công nghiệp tăng mạnh trở lại, thì ngành than trong nước sẽ có những dấu hiệu chuyển biến tích cực. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành này sẽ được hưởng lợi tùy thuộc từng thời điểm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hai-mang-mau-sang-toi-trong-buc-tranh-kinh-doanh-nganh-than-202281101612426.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/