|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hai kịch bản tăng GDP và dự báo lạm phát sau khi tung gói kích thích

14:34 | 13/01/2022
Chia sẻ
BSC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 6,6% trong kịch bản tích cực, CPI chịu ảnh hưởng nhiều từ giá dầu và giá heo, giải ngân FDI sẽ bùng nổ. Về thương mại và xuất nhập khẩu, Việt Nam có thể xuất siêu 5,2 - 6,9 tỷ USD trong năm nay.

GDP năm 2022 có thể tăng 6,6%

Theo báo cáo vĩ mô mới công bố của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), GDP năm 2022 ước tính đạt tốc độ tăng trưởng từ 6% ở kịch bản 1 và 6,6% ở kịch bản 2. Công ty cũng đồng thời đưa ra các dự báo về chỉ số giá tiêu dùng CPI và tăng trưởng xuất nhập khẩu. 

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP, CPI, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi tung gói kích thích - Ảnh 1.

Về tác động của gói kích thích, BSC uớc tính trên được dựa theo phương pháp ICOR với mức ICOR = 6.13 (trung bình giai đoạn 2015-2019). Theo đó thì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 0.9%-1.1% trong năm 2022. Gói kích thích kinh tế là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp GDP Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên 6% trong năm giai đoạn 2022-2023.

BSC nhận định một số yếu tố có khả năng tác động tới GDP như cầu hàng hóa nước ngoài khi nền kinh tế toàn cầu được dự đoán sẽ hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc chưa có dấu hiệu giảng hòa và tác động tích cực từ các thỏa thuận thương mại được ký kết trong những năm qua (điển hình là CPTPP, EVFTA, và RCEP).

Triển vọng tăng vốn đầu tư FDI cũng sẽ tác động đáng kể tới GDP. Làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc được tiếp diễn, trong đó Việt Nam là điểm đến tiềm năng cho dòng vốn đầu tư với thế mạnh địa lý và lao động. Ngoài ra tốc độ phủ vắc xin nhanh và thay đổi tư duy chống dịch cũng làm tăng triển vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Yếu tố thứ ba là gói kích thích kinh tế vừa được Chính phủ ban hành với quy mô khoảng 347.000 tỷ đồng, dự kiến tác động từ 0,9-1,1% lên tốc độ tăng trưởng GDP. 

Chính sách tiền tệ mở rộng cũng sẽ ảnh hưởng đến GDP. NHNN tiếp tục đảm bảo chính sách kích cầu kinh tế khi Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong 2 năm 2020-2021. Bên cạnh đó, lạm phát trong nước thấp và thanh khoản hệ thống dồi dào tạo điều kiện cho NHNN duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ. 

Yếu tố cuối cùng được đề cập đến là điều kiện lao động kinh doanh cải thiện nhờ gói hỗ trợ và vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả. Tình trạng kinh doanh tích cực khi nhu cầu kinh tế dồn nén trong hai năm bùng phát trở lại.

CPI năm 2022 chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố giá dầu và giá heo

Về CPI, BSC dự báo CPI cuối năm 2022 sẽ đạt 4,5% ở kịch bản 1 và 3% ở kịch bản 2. 

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP, CPI, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi tung gói kích thích - Ảnh 2.

Ở kịch bản 1, giá dầu ước tính sẽ đạt mức 80 USD/thùng, tương đương với mức giá dự đoán cao nhất của tổ chức kinh tế. 

Giá heo ước tính sẽ đạt mức 80.000 VND/kg, tương đương với mức giá trung bình năm 2020. Trường hợp này xảy ra khi yếu nguồn cung lợn vẫn thiếu sót do tốc độ tái đàn chậm và nguồn cung ngoài nước không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt lợn. Giá điện trong năm 2022 và giá dịch vụ y tế có thể tăng mạnh trở lại sau khi chỉ đạt mức tăng nhẹ hoặc đi ngang trong giai đoạn 2 năm 2020-2022. Trong trường hợp này giá điện và giá dịch vụ y tế có thể khiến CPI tăng thêm 1,3%.

Trong kịch bản 2, giá dầu ước tính sẽ đạt mức 70 USD/thùng, tương đương với trung giá dự đoán của các tổ chức kinh tế. 

Giá heo ước tính sẽ giảm xuống mức 41.000 VND/kg, tương đương mức thấp nhất năm 2021. Trường hợp này xảy ra khi tốc độ tái đàn lợn tăng mạnh và nguồn cung từ nước ngoài dư thừa. Giá điện và giá dịch vụ y tế duy trì ở mức thấp như hai năm 2020 và 2021 khi Chính phủ vẫn quyết tâm thực thi chính sách bình ổn giá cả hàng hóa.

Giải ngân vốn FDI sẽ bùng nổ, đạt 22,2 tỷ USD

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP, CPI, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi tung gói kích thích - Ảnh 3.

BSC ước tính giải ngân vốn FDI năm 2022 sẽ đạt khoảng 21,4 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ, ở kịch bản 1. 

Trong kịch bản thứ 2 tích cực hơn, giải ngân vốn FDI có thể đạt 22,2 tỷ USD trong năm nay. Tình trạng giải ngân vốn FDI dự báo tăng mạnh và đạt 12,4% so với cùng kỳ sau khi suy giảm trong hai năm 2020 -2021. BSC nhận định kế hoạch giải ngân bị dồn nén lại sau 2 năm COVID-19 bùng nổ trong năm 2022 khi nhu cầu tiêu dùng thế giới hồi phục mạnh kéo theo hiện tượng gia tăng năng suất tại các xưởng nhà máy và từ đó, làm đẩy mạnh quá trình giải ngân vốn FDI trong năm 2022.

Dự báo Việt Nam xuất siêu 5,2 - 6,9 tỷ USD

BSC ước tính tăng trưởng xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt mức 391,7 - 399 tỷ USD (tăng 17,8% - 20% so với cùng kỳ). Nhập khẩu đạt mức 386,5 - 393 tỷ USD (tăng 17,1-19% so với cùng kỳ). Theo kết quả dự tính trên, Việt Nam có thể xuất siêu 5,2 - 6,9 tỷ USD vào năm 2022. 

Dự báo này dựa trên nhận định xu hướng giao dịch thương mại toàn cầu được dự đoán tăng trưởng mạnh; xu hướng dịch chuyển sản xuất sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng ở hai nhóm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Ngoài ra, việc chống dịch COVID-19 hiệu quả đảm bảo khối doanh nghiệp FDI duy trì năng suất hoạt động cao trong năm 2022.

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP, CPI, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi tung gói kích thích - Ảnh 4.

Trong năm 2022, BSC cho rằng mũi nhọn tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đến từ ba nhóm hàng hóa gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác.

Dự báo hai kịch bản tăng trưởng GDP, CPI, xuất nhập khẩu của Việt Nam sau khi tung gói kích thích - Ảnh 5.

Anh Đào

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.