HAGL: Thoái vốn bất động sản, trái cây sẽ là chủ lực và áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó

HAGL đang có kế hoạch thoái vốn tại dự án Hoàng Anh Myanmar Center dù báo hiệu quả hoạt động động khá tốt trong năm vừa rồi, mũi nhọn của Tập đoàn trong thời gian tới sẽ là mảng trái cây với diện tích gieo trồng gần 18.700 ha. Dòng tiền nhanh chóng từ mảng này, cộng thêm sự hỗ trợ từ đối tác chiến lược THACO sẽ giúp bầu Đức và các cộng sự giải quyết bài toán thanh khoản trong thời gian tới. 

Thoái vốn khỏi bất động sản với dự án Hoàng Anh Myanmar Center

Theo thông tin từ báo cáo thường niên 2018,  CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) có kế hoạch thoái vốn khỏi ngành nghề kinh doanh bất động sản mà cụ thể là tại CTCP Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh vốn điều lệ 4.100 tỉ đồng (sau đây gọi là Nhà Hoàng Anh), chủ đầu tư tại dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Tháng 9/2018, CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) thông qua công ty con là CTCP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh đã thâu tóm lại 51% vốn của Nhà Hoàng Anh, qua đó giúp công ty này đủ nguồn lực tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 dự án tại Myanmar.

Trong năm 2018, dự án nói trên đem về hơn 500 tỉ đồng doanh thu cho HAGL, chiếm 9,4% tổng doanh thu. Đáng chú ý, lợi nhuận gộp đạt 282 tỉ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp đạt 55,3%, cao hơn cả mảng trái cây.

Trái cây đã đóng góp hơn nửa doanh thu, mũi nhọn chủ lực trong năm 2019

HAGL đã chuyển hướng hoàn toàn sang doanh nghiệp nông nghiệp kể từ định hướng lần đầu tiên năm 2016 và thông điệp trong báo cáo cáo thường niên 2018 của công ty mong muốn phát triển nông nghiệp một cách bền vững. HAGL nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh của mình nhờ vào quỹ đất rộng lớn ở vùng khí hậu nhiệt đới cộng thêm lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp tại địa phương.

HAGL xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp dựa trên sản xuất quy mô lớn, cơ giới hoá, ứng dụng công nghệ Israel trong tưới tiêu, bón phân… sản phẩm được đảm bảo theo tiêu chuẩn Global Gap. Công ty cho biết đã và đang phát triển kênh phân phối xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…

Trong năm 2018, công ty đạt gần 2.900 tỉ đồng doanh thu từ trái cây, đóng góp hơn một nửa tổng doanh thu. Tại thời điểm cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái đã trồng được là 18.675 ha, các sản phẩm chủ lực bao gồm chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh và hơn 10 loại trái cây khác.

HAGL cho biết với diện tích trồng cây ăn trái này sẽ đem lại nguồn doanh thu chủ lực cho công ty trong năm 2019.

Trong báo cáo thường niên, HAGL đánh giá cao thỏa thuận hợp tác chiến lược với THACO có ý nghĩa rất quan trọng với sự tồn tại và phát triển của công ty.

"Trường Hải đã hỗ trợ nguồn vốn cho mảng nông nghiệp của Tập đoàn (HNG) đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn. Trường Hải cũng đã giúp HNG trong việc cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp và sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm", báo cáo nêu.

Đối với các mảng hoạt động kinh doanh khác, doanh thu bán ớt đạt 524 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp đạt 31,3%. Doanh thu bán hàng hóa 470 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp 66% chủ yếu là cung cấp hàng hóa, vật tư ngành nông nghiệp. Doanh thu dịch vụ cung cấp 407 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp chỉ 9,5% chủ yếu từ Bệnh viện Đại học Y Dược – Hoàng Anh Gia Lai mang tính xã hội.

Doanh thu bán mủ cao su 345 tỉ đồng, tuy nhiên do giá mủ thấp, công ty cho biết đang tập trung dưỡng cây và sẽ khai thác mạnh khi giá tăng. Doanh thu bán bò 127 tỉ đồng, nhưng còn không được ưu tiên dùng vốn lưu động, công ty chỉ duy trì đàn bò ở mức dùng để tận dụng nguồn phân cung cấp cho mảng nông nghiệp. Mảng bất động sản của HAGL đã khai thác gần hết, năm vừa rồi chỉ đem về doanh thu 58 tỉ đồng, tương tự với doanh thu hợp đồng xây dựng chỉ đạt 61 tỉ đồng…

Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó

HAGL: Thoái vốn bất động sản, trái cây sẽ là chủ lực và áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó - Ảnh 1.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HAGL

Tại báo cáo thường niên 2018, Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức cho hay áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải.

Theo báo cáo của Ban kiểm soát HAGL, công ty đang trong quá trình tái cấu trúc và tình hình hoạt động kinh doanh chưa thuận lợi nên phát sinh khoản lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2018 là 36 tỉ đồng và nợ ngắn hạn tại ngày này đang vượt quá tài sản ngắn hạn là 6.569 tỉ đồng.

Ngoài ra Công ty đã vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu dẫn đến nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Tuy nhiên, HAGL đã lập dòng tiền kế hoạch trong 12 tháng tiếp theo dự kiến sẽ được tạo ra từ các dự án đang triển khai và tái cơ cấu một số khoản đầu tư mà theo đó, công ty có thể hoàn trả các khoản nợ đến hạn và tiếp tục hoạt động trong năm tài chính tiếp theo.

Hơn nữa, vào ngày 3/8/2019, HAGL cũng đã ký kết Thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược với THACO, qua đó THACO cam kết sẽ hỗ trợ HAGL trong việc huy động vốn tài trợ các dự án nông nghiệp và tái cơ cấu tài chính.

Trong năm 2018, tổng nợ phải trả của HAGL giảm 11,3% tương đương gần 4.000 tỉ đồng so với năm 2017. Trong đó giá trị nợ vay ngắn hạn 6.950 tỉ đồng, nợ vay dài hạn 14.800 tỉ đồng còn lại cuối kỳ.

HAGL huy động 2.217 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi từ THACO, tại thời điểm đáo hạn 9/8/2019, công ty sẽ thực hiện phát hành cổ phần chuyển đổi và tăng vốn điều lệ tương ứng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/hagl-thoai-von-bat-dong-san-trai-cay-se-la-chu-luc-va-ap-luc-thanh-khoan-van-la-bai-toan-kho-201904221818582.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/