GS. Đặng Hùng Võ: 'Luật đất đai chưa phù hợp, nhiều lỗ hổng'

Theo GS Đặng Hùng Võ, pháp luật đất đai của Việt Nam vẫn đang tồn tại 3 lỗ hổng lớn. Những lỗ hổng này nằm ở việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường; việc nhà nước thu hồi đất và bồi thường tái định cư và việc quyết định hành chính về đất đai có thể 'đẻ ra tiền’.

gs dang hung vo luat dat dai chua phu hop nhieu lo hong
Theo GS. Đặng Hùng Võ, tại Việt Nam, Quyết định hành chính về đất đai có thể ‘đẻ ra tiền’. (Ảnh: Linh Lê)

Tại tọa đàm “Chính sách, pháp luật về đất đai: thực trạng và kiến nghị sửa đổi”, GS. Đặng Hùng Võ nhận định, Luật Đất đai năm 2013 bộc lộ 3 lỗ hổng lớn về việc vận hành chế độ công hữu đất đai trong cơ chế thị trường; việc nhà nước thu hồi đất và bồi thường tái định cư và việc Quyết định hành chính về đất đai có thể sinh lợi nên tạo điều kiện cho nguy cơ tham nhũng thành sự thật.

Trong đó, Giáo sư đặc biệt nhấn mạnh về việc Việt Nam là một trong những nước còn tồn tại tình trạng Quyết định hành chính về đất đai có thể “đẻ ra tiền”, diện tích càng rộng thì tiền được ‘đẻ’ ra càng nhiều và rủi ro về tham nhũng càng lớn.

Ví dụ, giá trị đất nông nghiệp thấp, nhưng nếu được chuyển đổi mục đích sử dụng sang làm nhà ở hoặc dịch vụ thì giá đất sẽ đội lên gấp nhiều lần, điều này dẫn đến hiện tượng đầu cơ đất nông nghiệp để chờ thời bán lại...

GS. Đặng Hùng Võ cho hay: “Các nước tiến bộ trên thế giới đều xác định mục tiêu của Luật Đất đai là tạo hiệu quả trong sử dụng đất, còn tại Việt Nam mục đích lại là thắt chặt quản lý nhà nước về đất đai, điều này khiến người sử dụng đất không khai thác được hết hiệu quả sử dụng đất”.

Cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá việc vận hành chế độ công hữu về đất đai trong cơ chế thị trường rất khó khăn và phức tạp khi khái niệm “quyền sử dụng đất” là khái niệm trừu tượng.

Ngoài ra, việc nhà nước thu hồi đất và bồi thường tái định cư chưa phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, nội dung thu hồi đất được xác định từ lâu, trong Luật Đất đai năm 1993 có nêu: nhà nước thu hồi đất khi cần sử dụng để xây dựng các công trình phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.

“Tiêu chí đẹp như vậy nhưng thực tế nhiều dự án cứ trình lên là được phê duyệt và thu đất... Đến Luật Đất đai năm 2013 thì nội dung đã phân loại rạch ròi các trường hợp được phép thu hồi đất (4 trường hợp), trong đó có nêu rõ đâu là thu đất để phục vụ lợi ích quốc gia, đâu là vì lợi ích tư nhân, không còn nhập nhèm khái niệm như trước”, ông phân tích.

Hầu hết các dự án nhà nước thu hồi thì đều có khiếu kiện, các dự án chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân thì đến những trường hợp cuối cùng thường đòi bồi thường với mức giá “trên trời”.

Tại Việt Nam, Đà Nẵng là tỉnh duy nhất trên cả nước thực hiện thu hồi đất thành công theo trình tự: bồi thường cho dân trước khi xuất hiện chủ đầu tư, do đây là địa bàn có vị thế thuận lợi, tiềm năng du lịch lớn, giá đất cao...

Còn các tỉnh nếu áp dụng việc thu hồi theo trình tự này sẽ dễ tồn tại các “khu đất treo” vì có thể không nhà đầu tư nào muốn phát triển dự án trên diện tích mà chính quyền đã thu về, chưa kể chính quyền khó tìm ra nguồn kinh phí để bồi thường đất cho dân nếu không để chủ đầu tư ứng trước... Vì chưa có phương án cố định nên mỗi địa phương lại tự xử lý theo cách riêng của mình, không thống nhất trên cả nước.

Cũng tại tọa đàm, TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm CECODES nhận xét về vai trò của chính quyền trong tranh chấp đất giữa người dân và doanh nghiệp. Theo ông, cơ chế giải trình và giám sát đang bị thiếu. Không những thế, việc tiếp cận thông tin cũng khó khăn đối với những công dân bình thường.

“Mặc dù hiện nay, mỗi địa phương đều có Ban thanh tra nhân dân hoặc Ban giám sát đầu tư cộng đồng, nhưng thực tế hai đơn vị này không có thực lực, thực quyền và không làm được gì. Người dân cần được thực hiện quyền giám sát của mình thông qua các tổ chức hoặc qua báo chí...”, TS. Giang nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gs-dang-hung-vo-luat-dat-dai-chua-phu-hop-nhieu-lo-hong-19412.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/