Grab Holdings Ltd. đang tiến hành kế hoạch mua lại GoTo Group - đơn vị vận hành Gojek. Theo một số nguồn tin của Bloomberg News, công ty gọi xe và giao hàng có trụ sở tại Singapore đã bắt đầu quá trình kiểm tra và đánh giá đối thủ Indonesia này.
Grab hiện đang xem xét các báo cáo tài chính, hợp đồng và hoạt động kinh doanh của GoTo. Các nguồn tin cho biết cả hai công ty và các cổ đông liên quan cũng đang thảo luận về cách thức và giá trị của một thỏa thuận có thể diễn ra.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chưa chắc sẽ dẫn đến một thương vụ cụ thể.
Mô hình lego của Grab. (Ảnh: Đức Huy).
Grab - với sự hậu thuẫn từ Uber Technologies Inc., từng nhiều lần đàm phán với GoTo. Tuy nhiên, việc sáp nhập chưa bao giờ thành công, một phần do lo ngại về vấn đề cạnh tranh khi hai công ty công nghệ lớn trong khu vực Đông Nam Á hợp nhất.
Uber đã rút khỏi thị trường Đông Nam Á vào năm 2018 để đổi lấy cổ phần tại Grab. Hiện Grab và GoTo vẫn là hai nền tảng gọi xe công nghệ có thị phần lớn nhất khu vực.
Cổ phiếu GoTo - với các nhà đầu tư lớn như SoftBank Group Corp, đã tăng 5,1%, lên mức 83 rupiah/cp tại sàn Jakarta. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Indonesia giảm mạnh nhất kể từ năm 2011 do lo ngại về triển vọng kinh tế. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu GoTo đã tăng 19%, đưa giá trị công ty lên khoảng 99.000 tỷ rupiah (tương đương 6 tỷ USD). Còn Grab có vốn hóa thị trường hơn 18 tỷ USD.
Đại diện của Grab và GoTo từ chối đưa ra bình luận.
Theo Bloomberg News, Grab đang cân nhắc định giá GoTo trên 7 tỷ USD. Một trong các phương án được đề xuất là mua lại toàn bộ bằng cổ phiếu, với mức giá hơn 100 rupiah cho mỗi cổ phiếu.
Nguồn tin cho biết các cuộc trao đổi giữa hai bên đang diễn ra sôi nổi hơn. Cả Grab và GoTo đều cho rằng năm 2025 là thời điểm thích hợp để tiến hành thương vụ này.
Nhà phân tích Nathan Naidu đánh giá việc Grab có thể tiến gần hơn đến mục tiêu thâu tóm GoTo trong một thương vụ ước tính trị giá hơn 7 tỷ USD, nhiều khả năng sẽ vấp phải sự xem xét chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Nếu hai công ty hợp nhất, họ sẽ nắm khoảng 60–70% thị phần dịch vụ theo yêu cầu tại Đông Nam Á. Tại Indonesia, nơi GoTo đặt trụ sở, mức độ chi phối sẽ còn lớn hơn. Khả năng cắt giảm nhân sự sau sáp nhập cũng là một yếu tố khiến thương vụ có thể bị chặn lại.
Trước đây, Grab từng gặp khó khi muốn mua lại hãng taxi Trans-cab tại Singapore. Thương vụ đó đã không thể thực hiện vì lý do tương tự.
Cả Grab và GoTo đều tăng trưởng chậm lại đáng kể so với giai đoạn bùng nổ trước đây. Người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang cắt giảm chi tiêu để đối phó với lạm phát cao và lãi suất tăng.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/grab-truoc-thuong-vu-sap-nhap-lich-su-nhung-se-phai-doi-mat-voi-luat-chong-doc-quyen-2025326104932330.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/