Giữa cuộc chiến căng thẳng, Việt Nam vượt trội, chiếm ngôi số 1

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực nhưng đang chịu những rủi ro trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Triển vọng tích cực, tăng trưởng số 1 khu vực

Theo báo cáo cập nhật mới nhất tình hình kinh tế khu vực Đông Nam Á của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,7% vào năm 2019. Tuy nhiên, con số này vẫn vượt trội so với các nền kinh tế còn lại trong khu vực và Việt Nam vẫn là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ hiệu ứng chuyển hướng thương mại tích cực, mặc dù ở đà thấp hơn, cũng như sức cầu mạnh trong nước và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vững chắc.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang và nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm lại đè nặng lên xuất khẩu và tăng trưởng trên toàn khu vực, Việt Nam dường như là một trong số ít quốc gia được hưởng lợi.

Theo đó, việc xuất khẩu của Việt Nam tăng 33% sang Mỹ trong nửa đầu năm 2019 đã giúp bù đắp thương mại chậm hơn với Trung Quốc và các nước trong khu vực, cho phép Việt Nam vượt trội so với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Giữa cuộc chiến căng thẳng, Việt Nam vượt trội, chiếm ngôi số 1 - Ảnh 1.

Báo cáo của ADB.

Trong quý 2/2019, nền kinh tế Việt Nam tăng 6,7%, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng 6,8% trong quý 1. Nhưng đây là một tốc độ vượt trội và được hỗ trợ bởi tốc độ xuất khẩu bền vững và sản xuất công nghiệp trong các ngành sản xuất và chế biến định hướng xuất khẩu.

Giữa cuộc chiến căng thẳng, Việt Nam vượt trội, chiếm ngôi số 1 - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Theo Oxford Economics)

Trước đó, trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, GDP Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,8% trong năm 2019.

Theo ADB, sở dĩ Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng cao trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục kéo dài dẫn đến sụt giảm trong thương mại toàn cầu, là nhờ nhu cầu trong nước gia tăng bù đắp cho sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.

Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục và do vậy, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2020.

Theo đánh giá của ADB, nếu xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu mới (EVFTA) được ký kết cũng như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hứa hẹn sẽ tiếp tục mở cửa tiếp cận thị trường cho thương mại và đầu tư. Do đó, các dòng vốn FDI sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong thời gian tới, với minh chứng là 13,1 tỉ USD đã được cam kết trong 8 tháng đầu năm 2019.

Cảnh báo rủi ro

Mặc dù giữ dự báo tăng trưởng Việt Nam ở cao nhưng ADB cũng nêu lên những rủi ro đáng kể đối với dự báo tăng trưởng kinh tế, nhất là trước tác động của căng thẳng thương mại Mỹ và Trung Quốc và sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu.

Giữa cuộc chiến căng thẳng, Việt Nam vượt trội, chiếm ngôi số 1 - Ảnh 3.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo vẫn cao.

ADB cho rằng  áp lực lạm phát trong ngắn hạn có thể đến từ việc điều chỉnh tăng một số giá cả do nhà nước quản lý, nhu cầu trong nước mạnh, tiền lương tối thiểu tăng, và giá lương thực có thể tăng do bệnh dịch tả lợn Châu Phi và hạn hán nghiêm trọng.

Thu nhập từ xuất khẩu sẽ tăng chậm hơn so với dự báo trước đây. Nhập khẩu cũng giảm tốc độ chậm hơn so với dự kiến. Kiều hối có thể bị ảnh hưởng bởi suy giảm kinh tế toàn cầu, tiếp tục làm cho thặng dư tài khoản vãng lai giảm sút. Dự báo thặng dư tài khoản vãng lai được điều chỉnh giảm xuống tương đương 2% GDP trong năm nay, và 1,8% GDP trong năm 2020.

Theo ADB, nếu như xung đột thương mại (hiện chủ yếu thông qua việc tăng thuế quan) mà biến thành cạnh tranh phá giá đồng tiền thì nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy lớn hơn đối với thị trường tài chính quốc tế và tạo ra các rủi ro mới đối với nền kinh tế Việt Nam.

Còn theo ICAEW, đà thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng giảm do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc yếu hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng nói chung.

Giữa cuộc chiến căng thẳng, Việt Nam vượt trội, chiếm ngôi số 1 - Ảnh 4.

Chính sách thuế tiềm năng từ Mỹ cũng tạo ra nguy cơ chính đối với tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài các mức thuế cao hơn đối với một số sản phẩm thép và nhôm đã có, ba nhóm sản phẩm: máy tính và phụ tùng, dệt may và thủy sản, có nguy cơ bị áp thuế cao hơn, bao gồm khoảng 18,4 tỷ đô la Mỹ hoặc gần 39% xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2018. 

Theo ước tính, nếu chính quyền Trump tăng thuế 10% đối với 18,4 tỷ USD hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại, khoảng 5,9% mỗi năm trong năm 2020-21.

“Chúng tôi dự báo rằng các yếu tố đầy thách thức bên ngoài sẽ tiếp tục đè nặng lên sự tăng trưởng chung của các nền kinh tế Đông Nam Á, cũng như các dòng chảy thương mại khu vực. Nhìn về phía trước, tăng trưởng của Việt Nam sẽ ở mức vừa phải 6,3% vào năm 2020 và sau đó khoảng 6% mỗi năm trong năm 2020-21.

 Ngoài ra, chúng tôi cũng thận trọng với thuế quan tiềm năng của Mỹ đối với Việt Nam và tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại nói chung, ông Mark Billington, Giám đốc khu vực ICAEW, Trung Quốc và Đông Nam Á nói.

Theo ICAEW, tăng trưởng kinh tế chung của khu vực Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019 chậm lại 4% so với 4,5% cùng kỳ năm 2018. Chỉ có Việt Nam và Malaysia có tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt trội so với khu vực. Trong khi đó, đà xuất khẩu chậm lại đè nặng lên sự tăng trưởng của các nền kinh tế phụ thuộc thương mại như Singapore, Thái Lan và Philippines.

Bà Sian Fenner, Cố vấn Kinh tế ICAEW & Trưởng Kinh tế gia Oxford khu vực Châu Á cho biết: “Trong bối cảnh những cơn gió ngược trên toàn cầu đang diễn ra và những kết quả không chắc chắn xung quanh các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi cho rằng đây sẽ là những yếu tố dẫn đến triển vọng kinh tế trên toàn khu vực tiếp tục sụt giảm, đặc biệt là giữa các nền kinh tế phụ thuộc thương mại.

Nhìn chung, tăng trưởng GDP khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ ở mức vừa phải 4,5% trong năm nay và ổn định ở mức tương tự vào năm 2020.”


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giua-cuoc-chien-cang-thang-viet-nam-vuot-troi-chiem-ngoi-so-1-20190927064152325.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/