Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), kể từ tháng 12 năm ngoái đến đầu tháng 3 năm nay, hơn 600 tấn vàng đã được vận chuyển đến New York, Mỹ. Thông thường, các nhà giao dịch có xu hướng cất vàng trong các kho chứa ở London vì thủ đô nước Anh là thị trường giao dịch kim loại sôi động, cung cấp tính thanh khoản cao.
Ông John Reade, chiến lược gia phụ trách thị trường châu Á và châu Âu của WGC, cho biết các nhà giao dịch chỉ chọn cất vàng ở New York trong những tình huống bất thường.
Lần này, “tình huống bất thường” là ý định tăng mạnh thuế quan lên nhiều đối tác thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Vậy nên, trước khi thuế quan có hiệu lực, các nhà giao dịch phải cấp tốc chuyển vàng từ các kho chứa trên thế giới về Mỹ.
Lực hút của Mỹ mạnh đến mức công ty đúc tiền Hàn Quốc không thể tìm đủ nguồn cung và phải tạm ngừng bán ra vàng thỏi trong những tháng gần đây.
Vàng cấp tập lên đường đến Mỹ vì chính sách thuế quan khó lường của Tổng thống Donald Trump. (Ảnh minh hoạ: Bloomberg).
Tình trạng tương tự vàng cũng đang diễn ra đối với đồng. Công ty năng lượng Mercuria Energy ước tính khoảng 500.000 tấn đồng đang được chuyển đến Mỹ, gấp hơn 7 lần khối lượng nhập khẩu thông thường là 70.000 tấn/tháng. Bản thân Mercuria cũng đang đặt 85.000 - 90.000 tấn đồng về Mỹ.
Tương tự như vàng, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến này là chính sách thương mại của Mỹ. Vào tháng 2, Tổng thống Donald Trump đã khởi động cuộc điều tra lên đồng với thời hạn tiến hành khoảng 9 tháng, báo hiệu ý định đánh thuế quan lên kim loại công nghiệp quan trọng này.
Tiếp đến, trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ vào ngày 5/3, ông Trump lỡ lời rằng Nhà Trắng đã đánh thuế 25% lên đồng, do đó thị trường đồn đoán mức thuế Mỹ dự kiến sẽ áp dụng là 25%.
Mỹ tiêu thụ đồng gấp đôi sản lượng nước này tự tạo ra. Do đó, dù ông Trump có đánh thuế quan cao thì siêu cường kinh tế này cũng khó có thể ngừng nhập khẩu đồng. Trong bối cảnh này, chiến lược tốt nhất của người Mỹ là đẩy mạnh gom đồng càng sớm càng tốt, dù phải trả giá cao hơn bình thường.
Cùng với vàng, Mỹ đang hút lượng lớn đồng từ khắp nơi trên thế giới. (Ảnh minh hoạ: Shutterstock).
Giá đồng tại Mỹ đang tăng vọt với mức chênh lệch cao hơn hẳn phần còn lại của thế giới, tạo ra động lực lớn để các nhà giao dịch vơ vét hết mọi tấn đồng có thể và chuyển đến Mỹ. Giá hợp đồng tương lai đồng giao tháng gần nhất trên sàn Comex ở New York cao hơn sàn LME của London gần 1.150 USD/tấn.
Ông Kostas Bintas, Giám đốc toàn cầu về kim loại và khoáng sản của Mercuria, nhận xét: “Nói riêng về biên lợi nhuận mỗi tấn, tôi chưa từng thấy cơ hội giao dịch nào tốt đến thế”. Ông Bintas là một trong những nhà giao dịch kim loại nổi tiếng bậc nhất, là người đã biến Trafigura Group thành công ty kinh doanh đồng hàng đầu thế giới.
Lượng đồng khổng lồ kéo đến Mỹ sẽ đẩy phần còn lại của thế giới vào tình trạng thiếu hụt, từ đó lại càng gây áp lực kéo giá kim loại này lên cao. Ông Bintas dự đoán giá đồng có thể leo lên 12.000 hoặc 13.000 USD/tấn.
Tờ Bloomberg cho biết một số nhà giao dịch đã và đang chuyển hướng các lô hàng có điểm đến ban đầu là châu Á sang thị trường Mỹ nhằm kiếm thêm lợi nhuận từ mức chênh lệch đáng kể.
Trong khi đó, 5 trong 10 nền kinh tế nhập khẩu nhiều quặng và tinh quặng đồng nhất thế giới năm 2023 lại thuộc châu Á. Chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm hơn 65% kim ngạch nhập khẩu đồng thế giới, theo số liệu từ World Bank. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi Mỹ tập trung thu mua đồng.
Bà Li Yaoyao, nhà phân tích tại Xinhu Futures, cho biết: “Nguồn cung đồng xuất sang Trung Quốc đang thu hẹp. Các chuyến hàng từ Nam Mỹ, Congo đang chuyển hướng sang Mỹ”.
Xuất khẩu đồng từ Trung Quốc ra quốc tế tăng hơn gấp đôi trong hai tháng đầu năm 2025 trong bối cảnh các nhà giao dịch chớp thời cơ kinh doanh chênh lệch giá hiếm có. Điều này khiến cho khối lượng đồng nhập khẩu ròng của Trung Quốc giảm 11%.
Một nhà giao dịch lớn tại thị trường châu Á dự đoán nhập khẩu đồng của đất nước tỷ dân trong tháng 4 và 5 có thể giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều công ty luyện đồng ở Trung Quốc có kế hoạch bảo trì nhà máy và cắt giảm sản lượng từ tháng 3. Quyết định đóng cửa nhà máy đúng mùa cao điểm truyền thống cho thấy rõ doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn do sự khan hiếm của nguồn cung tinh quặng đồng.
Giới phân tích nhận định qua việc “tắt máy”, các công ty luyện đồng hy vọng sẽ giảm bớt lượng tiêu thụ và khắc phục phần nào tình trạng thiếu hụt tinh quặng đồng.
Nhà giao dịch kỳ cựu Bintas cho biết trong quá khứ, Trung Quốc đã từng thành công trong việc đẩy giá đồng xuống do họ là người mua lớn nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây Trung Quốc phải cạnh tranh với một thị trường có sức mua lớn như Mỹ. Do đó, ông lạc quan nhu cầu dành cho đồng sẽ không lao dốc dù giá tăng đáng kể.
Tại thị trường Đông Nam Á, mức chênh lệch giữa giá đồng nhập khẩu và giá chuẩn quốc tế vào cuối tháng 3 cũng đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Trái lại, châu Âu có thể chứng kiến nguồn cung đồng tăng lên. Nhiều khả năng các công ty khai thác đồng của Canada và Mexico sẽ tìm cách bán hàng sang châu Âu do ông Trump đang gây áp lực thuế quan lên hai nước láng giềng.
Đồng là kim loại thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và chính yếu tố này là động lực thúc đẩy nhu cầu đồng trong vài năm qua. Ngoài ra, với sự mở rộng nhanh chóng của trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và dịch vụ đám mây, nhu cầu dành cho đồng trong các lĩnh vực này trong thời gian tới nhiều khả năng cũng sẽ đi lên.
Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/giong-nhu-vang-mot-kim-loai-sieu-quan-trong-khac-co-the-cung-sap-o-at-chay-den-my-202532616325776.htm
In bài biếtBản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/