|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giới chuyên gia: Mỹ xả kho dự trữ cũng không thể ngăn giá dầu lên 100 USD/thùng

18:01 | 24/11/2021
Chia sẻ
Giới chuyên gia cho biết, kho dự trữ chiến lược không phải công cụ để thao túng giá xăng dầu. Đồng thời, giá dầu thô có thể tiếp tục tăng cao bất chấp nỗ lực xả kho của ông Biden và các nước khác.

Không nên thao túng giá xăng dầu

Trong năm nay, giá dầu thô thế giới đã bật tăng hơn 50% trong bối cảnh nhu cầu vượt xa nguồn cung khi nhiều nước mở cửa trở lại. Hoạt động hàng không khởi sắc cũng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu máy bay.

Đầu tháng 10, giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã vượt ngưỡng kháng cự quan trọng là 80 USD/thùng và đến nay giá vẫn đang neo quanh mức này. Giá dầu thô quá cao khiến giá xăng dầu trên toàn cầu nhảy vọt, gây thêm áp lực lạm phát cho nền kinh tế chung.

Hôm 23/11, Tổng thống Joe Biden chính thức thông báo Mỹ sẽ giải phóng khoảng 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược (SPR) để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh đã cam kết sẽ phối hợp với Mỹ.

Cho đến nay, Ấn Độ nhất trí xả thêm 5 triệu thùng từ kho dự trữ khẩn cấp và Anh đã đồng ý xuất kho khoảng 1,5 triệu thùng. Trong vài ngày tới, các nước còn lại sẽ đưa ra thông báo cụ thể.

Chuyên gia khuyên Mỹ và đồng minh 'không nên thao túng giá xăng dầu', tránh nguy cơ đụng độ OPEC+ - Ảnh 1.

Để giảm giá xăng dầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước khác phối hợp xả kho dự trữ chiến lược. (Ảnh: AFP).

Chia sẻ với CNBC, ông Stephen Schork, biên tập viên của nền tảng dữ liệu Schork Report, ước tính thị trường sắp có thêm 50 triệu thùng dầu thô từ Mỹ và nhiều khả năng là 50 triệu thùng khác từ các nước khác. Tổng cộng là 100 triệu thùng, tương đương nhu cầu toàn thế giới trong một ngày.

Song, vị chuyên gia cảnh báo: "Cách làm của Washington không hiệu quả vì kho dự trữ chiến lược không phải là công cụ để thao túng giá xăng dầu". Các kho dự trữ chiến lược chỉ có thể bù đắp tình trạng gián đoạn nguồn cung bất ngờ và trong ngắn hạn, ông Schork giải thích.

"Đó là dấu hiệu rõ ràng nhất chứng tỏ Mỹ đang tuyệt vọng, xả kho dự trữ là công cụ duy nhất mà họ nắm trong tay. Thị trường sẽ phớt lờ trò bịp của Mỹ và giá dầu thô có thể tăng trong tháng sau", ông Schork nhấn mạnh.

Theo đó, biên tập viên của Schork Report cho biết các nhà giao dịch đang đặt cược giá dầu sẽ tăng vọt lên 100 USD/thùng, sớm nhất là vào quý I năm tới và đặc biệt là khi mùa đông ở bắc bán cầu cực kỳ khắc nghiệt".

Ngoài ra, vị chuyên gia còn khuyến nghị Mỹ nên cân nhắc việc kêu gọi các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ giúp đỡ để cân bằng cán cân cung - cầu.

Ông Vivek Dhar, nhà phân tích hàng hóa tại Commonwealth Bank of Australia, thận trọng hơn. Ông dự đoán khối lượng dầu thô mà 6 nước nêu trên dự kiến bơm ra thị trường chỉ hơn 70 triệu thùng vì việc giải phóng kho dự trữ của các nước khác có thể "khiêm tốn hơn" Mỹ.

"Giá dầu nhanh chóng phục hồi hôm 23/11 cho thấy thị trường không bị tác động nhiều từ việc Mỹ và các nước phối hợp xả kho dự trữ", ông Dhar lưu ý thêm.

Chia sẻ bên lề một sự kiện ở Boston mới đây, CEO Jamie Dimon của JPMorgan dự đoán áp lực lạm phát từ các vấn đề chuỗi cung ứng chỉ là thoáng qua, nhưng đà tăng của dầu thô thì không. "Có những thứ có lẽ không phải là nhất thời. Tôi không nghĩ giá dầu thô sẽ giảm xuống", ông nhấn mạnh.

Đối đầu với OPEC+

Động thái mới nhất của Mỹ được đưa ra không lâu sau khi OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) từ chối bơm thêm dầu thô ra thị trường, dù cho Washington đã mở lời đề nghị trước, theo CNBC.

Theo kế hoạch hiện tại, liên minh dầu mỏ chỉ tăng sản lượng khiêm tốn khoảng 400.000 thùng/ngày trong tháng 12. Các nước thành viên sẽ nhóm họp vào ngày 2/12 tới để thảo luận kế hoạch sản xuất cho tháng 1 năm sau.

Cuối tuần trước, các nhà phân tích của Eurasia Group thông tin: "Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ đang cân nhắc lại kế hoạch sản lượng". Song, họ nói thêm, hành động của Mỹ và các khách hàng lớn có thể buộc OPEC+ phải chống trả, từ đó khiến quan hệ hai bên "rơi vào bế tắc".

Trên thực tế, ngay khi chính quyền Tổng thống Biden phát tín hiệu giải phóng dầu thô từ kho chiến lược, đại diện OPEC+ đã khẳng định liên minh này sẽ phản đòn, vì việc bổ sung nguồn cung ở thời điểm hiện tại là không hợp lý.

"Trong kịch bản xấu nhất, các động thái đối nghịch của mỗi bên có thể gây thêm biến động, đẩy giá dầu vào tình cảnh bấp bênh… Điều này không thể làm giảm áp lực lạm phát hay đảm bảo một môi trường ổn định để OPEC+ sản xuất và cung ứng đủ dầu thô cho nền kinh tế thế giới...", các chuyên gia của Eurasia cảnh báo.

Yên Khê