Giá vật liệu xây dựng tăng phi mã

Sau căng thẳng Nga - Ukraine, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng... tăng vọt khiến các nhà thầu đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỗ ở những hợp đồng đã ký trước đó.

Tính từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép trong nước đã có 4 lần tăng liên tiếp ở mức 1,8-2,2 triệu đồng/tấn, tùy thương hiệu, đưa giá thép tại một số doanh nghiệp vượt 19 triệu đồng/tấn, theo Zing.

Không chỉ thép, các mặt hàng như xi măng, nhôm kính, gỗ, nhựa đến thạch cao, điện đèn, gạch, thiết bị vệ sinh... đều tăng từ 10-25% tùy nhóm hàng. Thậm chí, một số nguyên vật liệu dù đã đặt hàng nhưng chưa thanh toán trước cũng bị hủy ngang vì thiếu hụt nguồn cung.

Ông D., giám đốc một công ty xây dựng ở TP Thủ Đức (TP HCM) doanh nghiệp của ông chuyên thi công các công trình dân dụng, đặc biệt là cải tạo nhà cửa, hàng quán, nên việc thương lượng với các chủ nhà gặp nhiều khó khăn.

"Có nhiều bên nghe báo giá xong là chạy luôn, hoặc hẹn một thời gian sau giá cả ổn định hơn sẽ thi công, nhưng bản thân tôi là người trong ngành đã lâu cũng không dự đoán được bao giờ giá cả ổn định", ông D. chia sẻ.

Giá vật liệu xây dựng phi mã, nhà thầu méo mặt - Ảnh 1.

Giá vật liệu xây dựng phi mã, nhà thầu méo mặt. (Ảnh minh họa: Hòa Bình Group)

Tương tự, ông Phạm Văn Tuân, Giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Hưng Gia Phát cho biết vật giá đã leo thang từ cuối năm ngoái song đến nay, dưới tác động của chiến sự giữa Nga và Ukraine, giá xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu càng đẩy mức giá cao hơn nữa.

Ông ước tính tổng chi phí để xây dựng một căn nhà hiện tăng bình quân 15% so với hồi cuối năm.

"Có hợp đồng chúng tôi thương lượng được, nhưng cũng chỉ có thể bù đắp một phần mức tăng giá vật tư, còn đa số vẫn theo mức giá đã kí kết trước đây.

Giá trị một hợp đồng xây dựng dân dụng vốn không lớn, nay lại lỗ nặng, may sao vẫn còn một số công trình còn giữ được chút ít lợi nhuận để duy trì doanh nghiệp", ông Tuân nói.

Trong bối cảnh hiện nay, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng cả các công ty xây dựng lẫn chủ đầu tư đều chịu thiệt hại nặng nề.

"Nhà thầu có nền tảng tài chính và khả năng kiểm soát giá tốt có lợi thế hơn, có thể có chịu đựng dài hơi trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Còn doanh nghiệp yếu chỉ duy trì được trong ngắn hạn", ông Phúc nhìn nhận.

Ông phân tích nhà thầu lớn thường có mối quan hệ lâu năm với các nhà cung cấp nguyên vật liệu, kí hợp đồng kì hạn đặt mua trước số lượng lớn vật liệu với giá không đổi trong thời gian dài.

Trong khi đó, nhà thầu nhỏ không có tài chính để tích trữ nguyên vật liệu, cũng không có khối lượng đơn hàng lớn để mua nguyên vật liệu với giá tốt.

Theo đại diện Phú Đông Group, đà tăng của giá vật liệu xây dựng khi nào kết thúc vẫn là một ẩn số. Còn theo ông Tuân đây là câu chuyện của vài năm nữa, bởi kể cả khi chiến tranh Nga - Ukraine kết thúc, thế giới vẫn cần một khoảng thời gian để bình ổn trở lại.

"Từ giờ cho đến khi đó, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có lẽ cũng sẽ dễ dàng chấp nhận mức giá này hơn", ông Tuân nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-vat-lieu-xay-dung-tang-phi-ma-20220317074238328.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/