Giá gỗ và đồ nội thất xuất khẩu có thể thiết lập mặt bằng mới?

Kể từ cuối năm 2020, cước vận tải tăng 4-5 lần đội giá gỗ nhập khẩu tăng cao. Các doanh nghiệp ngành gỗ dự kiến tăng giá bán sản phẩm 10 - 15% để bảo vệ lợi nhuận.

Chi phí vận tải đội giá gỗ nhập khẩu tăng cao

Cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều ngày lễ lớn trên toàn thế giới, đồng nghĩa với việc ngành logistics phải chịu nhiều áp lực lớn, trong khi những vấn đề nội tại như thiếu container, thiếu kho bãi, công nhân vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Giá cước vận tải tăng khiến nhiều doanh nghiệp cung ứng gỗ nguyên liệu đứng trước bài toán khó.

Chia sẻ về điều này, ông Phan Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước cho biết Tân Phước có nhiều mối làm ăn bền vững, đầu cung nguyên liệu nhập khẩu không tăng giá nguyên liệu tại rừng.

Tuy nhiên, kể từ cuối năm 2020 đến nay, giá cước container chiều về tăng 4 –5 lần, dao động 3.000 – 4.000 USD/cont.

"Đỉnh điểm khi giá dầu WTI vượt ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 đội giá nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Cứ đà này, giá nguyên liệu sẽ thiết lập một mặt bằng mới", ông Phước nói.

Cụ thể, kể từ tháng 4 đến nay, giá gỗ bạch đàn theo đường tàu có 3 đợt tăng, lên mức 25 USD/m3. Cùng loại gỗ, vận chuyển theo hình thức container đường biển tăng lên 32 USD/m3.

Giá cước leo thang, hai tháng nay, Tân Phước chưa xác nhận các đơn đặt mua gỗ nguyên liệu mới vì cước vận chuyển cao đội giá gỗ nhập khẩu tăng.

Ông Phước cho biết doanh nghiệp của mình vừa sản xuất các sản phẩm đồ nội thất, vừa cung cấp gỗ nguyên liệu cho nhiều doanh nghiệp khác.

Về nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho sản xuất đến tháng 4/2022, nhưng chỉ chiếm 30 – 35% tổng kho gỗ.

Trường hợp, Tân Phước không nhập gỗ về trong hai tháng nữa thì nguồn cung gỗ cho các khách hàng về sẽ gián đoạn ít nhất 2-3 tháng và có thể xảy ra thiếu nguyên liệu cục bộ, đỉnh điểm vào tháng 3/2022.

Giá gỗ và đồ nội thất xuất khẩu có thể thiết lập mặt bằng mới? - Ảnh 1.

Nguyên liệu gỗ nhập khẩu tăng giá vì cước container. (Ảnh: Gỗ Long Dương)

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa leo thang, doanh nghiệp chỉ biết chờ phản ứng của thị trường và xây dựng các kịch bản ứng phó.

"Chúng tôi đang chờ giá cước container xem có giảm hay không? Nếu giảm thì sẽ tiếp tục nhập hàng. Còn nếu cước duy trì ở mức cao, khách hàng chấp nhận khung giá mới, chúng tôi mới nhập lại.

Trường hợp, khách hàng không đồng ý tăng giá, chuyển sang nhập loại gỗ khác, chúng tôi chấp nhận mất thị trường", ông Phước chia sẻ.

Tân Phước là đơn vị nhập khẩu lớn và nhập tận gốc mà còn chưa xác nhận thì chắc chắn sẽ có một khoảng trống về gỗ nguyên liệu.

Các đầu mối bán hàng đang mong ngóng doanh nghiệp xác nhận để thiết lập giá mới. Song, mức giá mới khá cao, đại diện Tân Phước vẫn chưa thể chốt.

Giá gỗ xuất khẩu có thể thiết lập mặt bằng mới

Khi giá gỗ nguyên liệu, giá cước vận tải tăng phi mã, các doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất buộc phải đàm phán tăng giá bán với đối tác nhập khẩu.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (Hawa) cho biết hiện Việt Nam chủ động 65 – 70% nguyên liệu gỗ, trong đó đa phần là gỗ tràm, gỗ cao su...

Tuy nhiên, một số đơn hàng của đối tác có yêu cầu đặc thù khiến doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ Teak, gỗ sồi, gỗ thông...

"Giá các sản phẩm từ gỗ sẽ tăng theo giá nguyên liệu. Hiện, các doanh nghiệp đang đàm phán với đối tác tăng 10 – 15% giá sản phẩm.

Hoặc, doanh nghiệp sẽ cơ cấu lại sản phẩm, chọn mặt hàng thế mạnh, nguyên liệu sẵn có, chi phí sản xuất thấp để bảo vệ biên lợi nhuận", ông Phương nói.

Đại diện Hawa thông tin trong điều kiện dịch bệnh, đồ nội thất gia đình lên ngôi, nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến tháng 6/2022.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn dè chừng, không dám ký các đơn hàng quá lớn, quá dài hạn vì giá cước vận tải, giá nguyên liệu chưa ổn định, độ rủi ro cao.

Giá gỗ và đồ nội thất xuất khẩu có thể thiết lập mặt bằng mới? - Ảnh 2.

Doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất dự kiến tăng giá 10 - 15%. (Ảnh: TTXVN)

Hiện các doanh nghiệp đang gặp khó với những đơn hàng cũ khi chưa lường trước được diễn biến nguyên liệu hiện nay.

Ở trường hợp này, doanh nghiệp phải thỏa thuận với khách hàng về mức giá phù hợp trên tinh thần chia sẻ giữa hai bên vì đặc thù sản phẩm nội thất được làm theo kích thước, kiểu dáng của đơn hàng.

Nếu khách hàng không nhận hàng, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bí, đường nào cũng lỗ.

"Giá nguyên liệu gỗ và cước vận tải tăng là vấn đề của toàn cầu, không riêng Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp tăng giá sản phẩm là tất yếu để tồn tại.

Cũng không quá lo lắng về việc mất thị trường, mất khách hàng vì dịch chuyển thị trường gỗ và sản phẩm nội thất không thể một sớm một chiều. Không phải thị trường nào cũng có thể đáp ứng được yếu tố lao động lành nghề, nguyên liệu, nhà máy... như Việt Nam", ông Phương nói.

Để giải quyết bài toán nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, đại diện Hawa cho rằng các doanh nghiệp có thể mua chung, thầu chung các vùng nguyên liệu để giảm giá thành sản xuất.

Đối với những doanh nghiệp chuyên về sản xuất, thời gian dự trữ nguyên liệu khoảng 2-3 tháng là lý tưởng vì giá cả chưa ổn định, nhập khẩu số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu động, trong khi tiền (gỗ) chỉ đứng yên trong kho.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-go-va-do-noi-that-xuat-khau-co-the-thiet-lap-mat-bang-moi-20211206170356223.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/