Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng nhẹ nhờ nhu cầu mới từ Philippines, châu Phi

Trong tuần, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhẹ nhờ các đơn hàng mới, trong khi lo ngại gia tăng về khả năng mưa ít ảnh hưởng tới mùa màng tại Ấn Độ và Thái Lan.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng 10 USD trong tuần này

Theo Reutersgiá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ mức 335 - 340 USD/tấn vào tuần trước lên 350 USD/tấn vào thứ Năm (18/7).

"Các nhà xuất khẩu đang tăng giá mua từ nông dân địa phương cho các giao dịch đã kí trước đó, chủ yếu là với khách hàng ở Philippines và châu Phi", một thương nhân có trụ sở tại TP HCM cho biết.

Ngoài ra, với vụ thu hoạch mùa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sắp kết thúc, lo ngại về nguồn cung thấp đang gia tăng, một thương nhân khác cho biết.

Điều này giúp giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL tăng nhẹ trở lại khoảng 100 - 200 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Giá tăng còn nhờ chất lượng hạt lúa hè thu đạt tốt, nhờ thời tiết nắng, việc thu hoạch lúa diễn ra đúng tiến độ và không bị ảnh hưởng bởi mưa gió như các tuần trước.

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đã giảm 3,6% so với một năm trước đó xuống còn 3,36 triệu tấn, theo dữ liệu hải quan.

Trong khi đó, người dân trồng lúa tại Bangladesh đang phải chật vật đối phó với lũ quét và nhu cầu yếu trong tuần này.

Bangladesh, quốc gia có lịch sử phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng tình trạng thiếu hụt, có thể phải đối mặt với sự thiệt hại lớn về vụ lúa vì những vùng đất rộng lớn đã bị lũ lụt nhấn chìm, các quan chức của bộ nông nghiệp Bangladesh cho biết.

Lũ lụt đã khiến ít nhất 153 người ở Ấn Độ, Nepal và Bangladesh thiệt mạng và ảnh hưởng đến hàng triệu người trong năm nay.

jm_02_1

Ảnh: landpearl.com.vn

Bangladesh cũng không đạt được các thỏa thuận kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được dỡ bỏ vào tháng 5.

Bộ lương thực Bangladesh đã yêu cầu cho chính quyền các huyện đảm bảo mua sắm lúa trực tiếp từ nông dân để đáp ứng mục tiêu 400.000 tấn của chính phủ.

Tuy nhiên, các thành phần trên thị trường cho biết, động thái này sẽ không có lợi cho hầu hết những người trồng lúa cần tiền mặt, vì họ buộc phải bán vụ mùa của mình cho các nhà xay xát hoặc người trung gian với mức giá rẻ hơn nhiều.

Trong năm 2017, Bangladesh đã buộc phải nhập khẩu ồ ạt để tăng dự trữ sau khi lũ lụt tàn phá mùa màng và đẩy giá địa phương lên mức kỉ lục, nhưng dự trữ trong nước đã được cải thiện rất nhiều kể từ thời điểm đó.

Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ, Thái Lan lặng sóng trong tuần qua

Trong khi đó, giá của loại 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không đổi trong khoảng 374 - 377 USD/tấn, trong bối cảnh nhu cầu từ người mua ở châu Phi tương đối yếu.

Tuy nhiên, nhiều bang trồng lúa đã nhận được lượng mưa thấp hơn bình thường và nó có thể ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng vụ mùa hè, một nhà xuất khẩu có trụ sở tại Kakinada, miền Nam bang Andhra Pradesh cho biết.

Mưa gió mùa ở Ấn Độ thấp hơn mức trung bình 20% trong tuần kết thúc vào thứ Tư (17/7), làm tăng lo ngại về sản lượng.

Còn nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới, Thái Lan, ghi nhận giá gạo 5% tấm giao dịch trong khoảng 401 - 402 USD/tấn hôm 18/7, (tính theo cơ sở giá FOB tại Bangkok), giảm nhẹ từ mức 390 - 404 USD của tuần trước.

Nhu cầu chậm, trong bối cảnh lo ngại lượng mưa ít sẽ cản trở mùa màng khi bước vào vụ thu hoạch trái vụ sắp tới, các thương nhân cho biết.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan cũng đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm nay, giảm 12% trong nửa đầu năm 2019.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-gao-xuat-khau-viet-nam-tang-nhe-nho-nhu-cau-moi-tu-philippines-chau-phi-20190719083746145.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/