Giá cao su tăng vọt vì đâu?

Có hàng loạt yếu tố đang thúc đẩy giá cao su tăng, trong đó, nổi bật nhất là việc thị trường Trung Quốc phục phồi nhanh hơn dự kiến, đây cũng là yếu tố sẽ hỗ trợ tiêu thụ cao su trong các tháng cuối năm 2020.

Giá cao su tăng vọt tại các thị trường

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) từ đầu tháng 10, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước có xu hướng tăng so với cuối tháng 9/2020.

Điển hình như ngày 19/10, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 310 đồng/TSC, tăng 16 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó; giá thu mua mủ tạp ở mức 275 đồng/TSC, tăng 21 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó.

Trên thị trường thế giới, ghi nhận gần nhất trong 10 ngày giữa tháng 10/2020, giá cao su trên các thị trường chủ chốt cũng có xu hướng tăng mạnh. 

Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), ngày 19/10, giá cao su RSS3 giao hạn tháng 11/2020 giao dịch ở mức 233,1 Yên/kg, tương đương 2,21 USD/kg, tăng 7,4% so với 10 ngày trước đó và tăng 52,8% so với cùng năm 2019. 

Hoạt động chế biến cao su tại Nhật Bản đang được cải thiện, dấy lên hi vọng về sự hồi phục kinh tế sau đại dịch, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

cao su - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 11/2020 tại sàn OSE trong tháng 10/2020 (ĐVT: Yên/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/cf.market-info.jp

Tương tự, tại Thái Lan, ngày 19/10/2020 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 64 Baht/kg, tương đương 2,05 USD/kg, tăng 8% so với 10 ngày trước đó và tăng 49,6% so với cùng kì năm 2019.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 19/10, giá cao su RSS3 giao hạn tháng 11/2020 giao dịch ở mức 13.540 NDT/tấn, tương đương 2,02 USD/tấn, tăng 10,7% so với 10 ngày trước đó và tăng 24,1% so với cùng năm 2019. 

Giá cao su tại Thượng Hải tăng do nguồn cung hạn chế, trong khi hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang phục hồi.

Tại Việt Nam, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 9/2020 ở mức 1.289 USD/tấn, tăng 4,8% so với tháng 8/2020.

cao su - Ảnh 2.

Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2018 - 2020 (ĐVT: USD/tấn). Nguồn: Bộ Công Thương/Tổng cục Hải quan

Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp, giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam liên tục tăng kể từ tháng 6/2020 đến nay.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su-nhựa TP HCM cho biết: "Giá cao su thiên nhiên đang có xu hướng tăng do thị trường Trung Quốc nhập khẩu nhiều trong thời gian gần đây.

Đáng chú ý, bất chấp dịch COVID-19, 80% doanh nghiệp trong ngành cao su đều tăng doanh thu xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay. 

Và hiện các doanh nghiệp này vẫn còn đơn hàng cho quí cuối năm, còn 20% doanh nghiệp có doanh thu giảm thuộc các nhóm hàng về đồ chơi, tiêu dùng, giao thông vận tải...sẽ bắt đầu phục hồi do các thị trường bắt đầu nhập khẩu trở lại".

Thực tế, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong tháng 9/2020, nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng mạnh nhất trong năm nay và hoạt động sản xuất sản phẩm cao su của Trung Quốc đã ổn định. 

Thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, tháng 9/2020, Trung Quốc nhập khẩu 866.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (gồm cả latex), trị giá 1,16 tỉ USD, tăng gần 24% về lượng và tăng 29,7% về trị giá so với tháng 8/2020; so với tháng 9/2019 tăng 59,5% về lượng và tăng 40,5% về trị giá.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu 5,37 triệu tấn cao su tự nhiên và tổng hợp, trị giá 7,42 tỉ USD, tăng 14,1% về lượng và tăng 2% về trị giá so với cùng năm 2019. 

Việc thị trường Trung Quốc tăng tiêu thụ cao su cũng đã thể hiện rõ nét trong cơ cấu xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm nay của Việt Nam.

Cụ thể, theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam trong tháng 9/2020, đạt 166.950 tấn, trị giá 214,3 triệu USD, tăng 61,6% về lượng và tăng hơn 61% về trị giá so với cùng kì năm ngoái.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 859.920 tấn, trị giá 1,07 tỉ USD, tăng 18,4% về lượng và tăng 10,6% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2019.

Cục Xuất nhập khẩu cho rằng kinh tế của nhiều quốc gia đang phục hồi, kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự kiến là yếu tố hỗ trợ tiêu thụ cao su trong các tháng cuối năm 2020. 

Ngoài ra, giá cao su tăng trở lại còn do nguồn cung hạn hẹp bởi mùa mưa tại Thái Lan và tình trạng thiếu hụt lao động tại các vùng trồng cao su do các biện pháp phòng dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mủ cao su.

Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường găng tay cao su ngày càng tăng. Điển hình xuất khẩu găng tay cao su của Thái Lan tăng gần 155% trong tháng 9/2020 so với cùng kì năm ngoái.

Kết quả này đưa tổng xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm nay tăng 61,4%, bởi dịch bệnh làm gia tăng mạnh nhu cầu các sản phẩm y tế. Và tình hình thị trường ô tô tại Trung Quốc cải thiện cũng là yếu tố hỗ trợ giá cao su tăng.

Đà tăng sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm

Về triển vọng thị trường từ nay đến cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu cho hay giá cao su tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại nguồn cung thắt chặt và các số liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc phục hồi sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu cao su trong thời gian tới.

Đây cũng là nhận định của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) trong báo cáo mới nhất vừa công bố giữa tháng 10.

ANRPC dự báo xu hướng giá cao su tăng sẽ còn tiếp diễn trong các tháng tới, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc tiếp tục hồi phục, giữa bối cảnh doanh số bán ô tô ở Ấn Độ cũng tăng và Mỹ sẽ tung thêm chương trình kích thích kinh tế mới.

Bởi tháng 9 vừa qua đánh dấu tháng đầu tiên ngành ô tô hồi phục gần như trên khắp toàn cầu, sau giai đoạn dài sa sút do dịch bệnh. 

Ngành ô tô Trung Quốc hồi phục sớm nhất, ngay từ mùa Hè, và hiện đã có 3 tháng liên tiếp doanh số bán xe mới tăng trưởng. Tiêu thụ xe chở khách của Trung Quốc tháng 9/2020 tăng 7,3% so với cùng kì năm ngoái, đạt 1,91 triệu chiếc.

Đặc biệt, tiêu thụ ô tô khách của Ấn Độ trong tháng 9/2020 tăng mạnh 31,2% so với cùng kì năm trước, là mức tăng nhiều nhất trong vòng 27 tháng. Tiêu thụ xe hơi ở các thị trường Mỹ, châu Âu.. cũng bắt đầu hồi phục sau giai đoạn giảm mạnh vì chính sách phong tỏa chống COVID-19.

Theo Reuters, Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23/10 cũng đã thông báo sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm cao su nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu kể từ 28/10. 

Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã tiến hành điều tra từ tháng 6/2019, kì vọng sẽ củng cố thêm đà tăng của giá cao su.

Theo đó, triển vọng tiêu thụ cao su tự nhiên thế giới cho cả năm 2020 sẽ đạt 12,61 triệu tấn, tăng so với mức 12,54 triệu tấn của dự báo đưa ra trước đó. Lí do điều chỉnh tăng bởi nhận định lạc quan hơn về thị trường Trung Quốc sau những số liệu kinh tế mới công bố gần đây. 

ANRPC đồng thời cũng nâng dự báo về triển vọng tiêu thụ cao su ở Ấn Độ khi các hoạt động sản xuất tại quốc gia Nam Á này dần phục hồi, nhất là lĩnh vực cao su.

Về nguồn cung, sản xuất cao su thiên nhiên năm nay gặp khó khăn do dịch bệnh làm khan hiếm  nhân lực lao động và gây khó khăn cho việc vận chuyển. 

Sản lượng cao su thiên nhiên thế giới đã giảm 8,7% trong 8 tháng đầu năm 2020, xuống 7,778 triệu tấn, và dự báo sẽ giảm tiếp 3,8% trong 4 tháng còn lại của năm 2020. 

ANRPC dự báo sản lượng cả năm 2020 sẽ giảm 6,8% so với năm 2019, xuống 12,901 triệu tấn, chủ yếu do sự sụt giảm ở Thái Lan và Ấn Độ. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gia-cao-su-tang-vot-vi-dau-20201026120444816.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/