Gam màu ảm đạm của các doanh nghiệp thủy sản trong quí I

Theo thống kê của VASEP, lũy kế ba tháng đầu năm, XK thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 14%. Giữa bối cảnh kém tích cực của thị trường chung, lãi ròng quí I/2020 của nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Xuất khẩu thủy sản giảm sâu vì dịch COVID-19

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), dịch COVID-19 lây lan mạnh trên toàn cầu khiến cho sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước bị ảnh hưởng nặng nề.

Ước tính trong tháng 3, xuất khẩu thủy sản giảm gần 20% so với cùng kì năm ngoái, chỉ đạt 549 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu sang những thị trường lớn bị ảnh hưởng dịch bệnh đều giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu sang EU giảm sâu nhất, lên tới 40%, sang Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thủy sản, thị trường Trung Quốc đã có nhu cầu nhập khẩu (nhập khẩu) trở lại nhưng đơn đặt hàng không nhiều, hơn nữa, khách hàng Trung Quốc muốn ép giá mặc dù giá chào bán sản phẩm đã thấp hơn so với trước dịch.

Ngoài ra, sau khi dịch COVID-19 bớt căng thẳng tại Trung Quốc, các doanh nghiệp nước này có nhu cầu nhập khẩu nhưng khó tiếp cận các nguồn tài chính để vay vốn.

Cũng theo thống kê của VASEP, lũy kế ba tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt trên 1,5 tỉ USD, giảm 14%. Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất 31%, chủ yếu do giảm sang thị trường Trung Quốc từ 2 tháng đầu năm. xuất khẩu tôm giảm nhẹ 4,3%, trong khi xuất khẩu các mặt hàng hải sản giảm sâu (cá ngừ giảm 13,5%, mực - bạch tuộc giảm 28%).

Được biết, hiện giá tôm và giá cá tra nguyên liệu đều giảm vì người nuôi sợ rớt giá thu hoạch sớm, một số doanh nghiệp tạm ngừng mua nguyên liệu vì đơn hàng giảm (bị hoãn, hủy, không có đơn hàng mới), kho lạnh để trữ hàng bị đầy và thiếu.

Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguyên liệu vào cuối năm, khi dịch bệnh hết, nhu cầu tăng lại nếu người nuôi hạn chế hoặc bỏ ao vì không trụ được ở giai đoạn này.

Trong bối cảnh kém tích cực của thị trường chung, kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm của nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chứng kiến sự sụt giảm mạnh.

Gam màu ảm đạm của doanh nghiệp thủy sản trong bức tranh chung

Theo báo cáo tài chính quí I được công bố mới đây, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của ông lớn ngành cá tra - CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đều ghi nhận giảm.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 1.636 tỉ đồng, giảm gần 9% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận gộp giảm gần 49%, còn 215 tỉ đồng, tỉ suất giảm từ 24% xuống còn 13%.

Giá bán giảm và đại dịch COVID-19 là những nguyên nhân chính ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. 

Dù cố gắng tiết giảm các loại chi phí hoạt động như chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ chỉ đạt 152 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với kết quả quí I/2019.

Tương tự như Vĩnh Hoàn, kết quả kinh doanh trong quí I vừa qua của CTCP Nam Việt (Navico - Mã: ANV) cũng lao dốc. 

Doanh thu thuần quí I của Navico giảm 11% so với cùng kì năm trước, còn 811 tỉ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 30% xuống 15%.

Navico lãi ròng chỉ 43 tỉ đồng trong kì, giảm 79%; đây cũng là quí có kết quả kinh doanh thấp nhất của công ty trong hơn hai năm trở lại đây.

Bức tranh ngành thủy sản quí I/2020: Hầu hết doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm - Ảnh 1.

(Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp)

Các doanh nghiệp chế biến cá tra khác như CTCP Thủy sản MeKong (Mã: AAM) lãi ròng giảm 79% xuống còn 666 triệu đồng do doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Thách thức với Thủy sản Mekong được ban lãnh đạo công ty này đánh giá gồm các rào cản kinh tế, kĩ thuật ngày một khắt khe với cá tra; cạnh tranh cao làm giá bán giảm. 

CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre (Mã: ABT) doanh thu giảm 27% còn 75 tỉ đồng; lợi nhuận ròng giảm 94% còn 711 triệu đồng.

Đối với mặt hàng kinh doanh tôm, doanh thu của CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex - Mã: FMC) giảm 6% còn 712 tỉ đồng. Nhờ doanh thu tài chính tăng và các chi phí hoạt động được tiết giảm mà lãi sau thuế của Sao Ta đạt 40 tỉ đồng, tương đương năm ngoái.

Hay như doanh thu thuần của CTCP Camimex Group (Mã: CMX) tăng gấp rưỡi lên 285 tỉ đồng, nhưng biên lãi gộp giảm mạnh từ 24% xuống còn 15%. Không các khoản doanh thu thanh lí khác khiến lợi nhuận ròng của công ty này giảm 37% còn hơn 15 tỉ đồng.

Theo nhận định của VASEP, tình hình COVID-19 hiện vẫn đang diễn biến phức tạp, do vậy, trong vài tháng tới, xuất khẩu thủy sản chắc chắn sẽ tiếp tục giảm.

Các doanh nghiệp chưa thể thoát khỏi tình trạng bị sụt giảm, hoãn, hủy đơn hàng; vận tải hàng hóa khó khăn; việc thanh toán cũng không thuận lợi, sẽ dẫn đến việc không ít đơn vị (nhất là những doanh nghiệp nhỏ) khó trụ vững vì thiếu vốn để duy trì và quay vòng kinh doanh.

Hiệp hội cho rằng các doanh nghiệp thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19 như: miễn nộp kinh phí công đoàn, giảm thuế TNdoanh nghiệp, giảm giá điện, thuê kho lạnh, gia hạn thanh toán điện, giãn nợ, cho vay lãi suất thấp, giảm các thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra...

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/gam-mau-am-dam-cua-cac-doanh-nghiep-thuy-san-trong-qui-i-20200421002433727.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/