'Gã khổng lồ' Amazon loay hoay trong cuộc chiến chống hàng giả

Cho phép người dùng loại những sản phẩm giả trên nền tảng, in mã vạch lên từng mặt hàng là những giải pháp mà Amazon đã và sẽ triển khai để chống hàng giả.

Đối với những người mua hàng trên trang Amazon.com, sự lộng hành của hàng giả là một sự phiền toái. Nhưng đối với những doanh nhân muốn gây dựng công việc kinh doanh, đó là vấn đề sống còn. Cách Amazon phản ứng với vấn nạn ấy khiến nhiều người cảm thấy tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới không quan tâm tới nỗi khổ của họ.

Song Amazon muốn người mua cảm thấy tập đoàn quan tâm tới mối lo ngại của họ, và giờ đây "gã khổng lồ thương mại điện tử" sắp triển khai một giải pháp mà người mua mong chờ trong nhiều năm: Trao cho họ khả năng loại những danh mục hàng giả trên trang Amazon.com ngay lập tức thay vì phải báo cáo chúng rồi đợi sự phản hồi. Đó là một trong những cam kết trong "Dự án Zero" - tên của một chương trình chống hàng giả mới nhất mà Amazon thực hiện. (Từ lâu, Amazon đã tuyên bố tập đoàn không khoan nhượng với hoạt động bán hàng giả trên trang, mặc dù những hành động của họ không tương xứng với các tuyên bố).

Gã khổng lồ Amazon loay hoay trong cuộc chiến chống hàng giả - Ảnh 1.

Nhân viên xử lý đơn hàng trong kho hàng của tập đoàn thương mại điện tử Amazon. Ảnh: AP

Amazon chưa thực hiện các giải pháp bảo vệ người mua trong "Dự án Zero" trên diện rộng. Tập đoàn đang thử nghiệm chương trình với 15 thương hiệu mà họ chọn trong nhiều tháng. Hiện tại Amazon đang mở rộng phạm vi của dự án, song các chủ thương hiệu phải đăng ký để tập đoàn đưa họ vào danh sách chờ, và Amazon không nói họ sẽ phải chờ bao lâu.

Về mặt chức năng, thủ tục ấy khiến Dự án Zero không khác biệt nhiều so với tính năng "giới hạn thương hiệu", theo đó các chủ thương hiệu có thể kiểm soát người có khả năng bán sản phẩm của họ. Amazon thiết lập chức năng đó vì sức ép của một số tập đoàn đầy quyền lực như Nike - một trong những doanh nghiệp từ chối bán hàng trên Amazon tới khi họ có quyền phê chuẩn những người có thể bán hàng của họ vào năm 2017. Nhưng Amazon không cấp quyền khống chế cho mọi thương hiệu đòi hỏi quyền đó hoặc công bố những tiêu chuẩn để doanh nghiệp có thể nhận quyền giới thương hiệu.

Một khía cạnh khác của Dự án Zero được gọi là "thứ tự hóa sản phẩm", nghĩa là tạo ra những mã vạch riêng cho từng sản phẩm. Những mặt hàng không có mã vạch sẽ bị phát hiện khi chúng tới nhà kho của Amazon và nhân viên trong kho sẽ tịch thu chúng.

Nhưng thứ tự hóa không phải là giải pháp hoàn toàn mới. Năm ngoái, Amazon triển khai một dịch vụ tương tự, mang tên "Transparency" (minh bạch). Đó là cỗ máy kiếm tiền cho Amazon, bởi chi phí cho mỗi mã là vài cent cho mỗi sản phẩm. Một người phát ngôn của Amazon tuyên bố những người tự in má vạch sẽ không phải trả phí. Tuy nhiên, không ai biết cơ chế hoạt động của Dự án Zero giống dịch vụ Transparency hay không.

Nhiều động thái của Amazon cho thấy tập đoàn ngày càng lo ngại sự hoành hành của hàng giả trên nền tảng của họ sẽ gây hại cho lòng tin mà người tiêu dùng dành cho họ. Tháng này, trong bản báo cáo thường niên mới nhất dành cho cổ đông xác định hàng giả là nhân tố rủi ro có thể làm giảm doanh thu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ga-khong-lo-amazon-loay-hoay-trong-cuoc-chien-chong-hang-gia-20190304084837685.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/